Phân tích

Hà Nam lọt tốp thu hút nhiều doanh nghiệp FDI

Hai năm nay, Hà Nam được đánh giá là một trong những tỉnh dẫn đầu của cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nhiều tập đoàn kinh tế nổi tiếng của Nhật Bản, Hàn Quốc đã có mặt tại Hà Nam với nguồn vốn lớn, sử dụng công nghệ hiện đại, giải quyết việc làm cho nhiều lao động, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương phát triển.

 

Diện mạo mới Hà Nam

 

 Nhật, Hàn ùn ùn kéo đến

 

Ông Trần Xuân Dưỡng, Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hà Nam cho biết, được các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư của Nhật Bản, Hàn Quốc đánh giá cao những chính sách ưu tiên thu hút đầu tư của tỉnh.
 
Nhờ vậy, đến nay, Hà Nam đã thu hút được 193 dự án đầu tư vào các khu công nghiệp, trong đó, có 147 doanh nghiệp đã đi vào hoạt động với các ngành nghề chính như điện, điện tử, linh kiện ô tô, xe gắn máy, chế biến thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm, may mặc, các sản phẩm từ nhựa, cơ khí, sữa… 
 
Đặc biệt, hai năm qua, tỉnh Hà Nam được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xếp vào vị trí là một trong 10 tỉnh dẫn đầu toàn quốc về thu hút đầu tư nước ngoài. 
  
 
Một góc khu Công nghiệp Châu Sơn,  thành phố Phủ Lý
 
 
Nếu như năm 2004, năm đầu tiên xây dựng khu công nghiệp , tỉnh Hà Nam mới có 1 doanh nghiệp FDI đầu tư vào Cụm công nghiệp Tây Nam thành phố Phủ Lý, với số vốn đăng ký 5 triệu USD, thì đến nay đã có 106 doanh nghiệp FDI với số vốn đăng ký khoảng 1 tỷ USD. Trong số này có 80 doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc.
 
Người lao động cũng tìm về 
 
Phát triển các các khu công nghiệp , Hà Nam không chỉ giải quyết việc làm cho chính lao động phổ thông trong vùng, mà còn thu hút được nhiều lao động trong tỉnh có tay nghề cao về quê làm việc. 
 
Nhiều tập đoàn kinh tế nổi tiếng của Nhật Bản, Hàn Quốc đã đầu tư các doanh nghiệp phụ trợ vào khu công nghiệp của tỉnh với nguồn vốn đăng ký lớn, sử dụng công nghệ hiện đại, giải quyết việc làm cho nhiều lao động.
 
 
Dây chuyền công nghệ hiện đại của Công ty TNHH Honda Việt Nam (KCN Đồng Văn)
 
 
Nổi tiếng có thể kể đến Công ty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi của Nhật Bản ở  khu công nghiệp Đồng Văn II, Duy Tiên. Doanh nghiệp này giải quyết việc làm cho hơn 7.000 lao động, với mức thu nhập từ 3,5 – 4 triệu đồng/người/tháng. Người lao động được hưởng đầy đủ các chính sách theo quy định. Hay như Công ty TNHH Honda Việt Nam cũng đầu tư vào các khu công nghiệp Đồng Văn II, chuyên sản xuất, lắp ráp xe tay ga SH, vespa, Air Blade…giải quyết việc làm cho 1.400 lao động.
 
Anh Lê Quang Hùng, công nhân Công ty TNHH LeoJin cho biêt, cả hai vợ chồng đều làm việc tại  khu công nghiệp  Đồng Văn. “Trước đây, chúng em thuê nhà trọ ở gần khu công nghiệp, nhưng từ khi có dịch vụ xe đưa đón công nhân, em mua vé, cứ sáng đi tối về rất tiện lợi, đời sống lại bớt khó khăn”, anh Hùng nói.
 
Bình quân thu nhập của hai vợ chồng anh một tháng được khoảng tám triệu đồng. Sáng ăn cơm nhà, trưa ăn cơm tại căng tin công ty, tối lại về nhà ăn cơm với gia đình. Do không phải chi phí tiền thuê nhà trọ, một tháng gia đình anh Hùng cũng tiết kiệm được vài triệu đồng. So với trước đây làm nông nghiệp, hiện nay cuộc sống tương đối ổn định và khá hơn rất nhiều.
 
Anh Nguyễn Mạnh Hải ở tổ 1, phường Minh Khai, thành phố Phủ Lý, là một trong những kỹ sư ở tỉnh Hà Nam sau nhiều năm đi làm ăn xa, quyết định trở về quê “đầu quân’’ cho một doanh nghiệp trong khu công nghiệp .
 
Năm 2008, tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, anh Hải bươn trải làm việc cho một doanh nghiệp ở Hà Nội với mức lương khoảng 5 triệu đồng/ tháng. Cuộc sống của sinh viên mới ra trường, nhà cửa phải thuê, chi phí ở Hà Nội lại đắt đỏ, khiến Hải rất vất vả. 
 
Khi Công TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi tuyển dụng kỹ sư vào làm việc, Hải quyết tâm về quê dự thi và đã trúng tuyển vào bộ phận kỹ thuật của nhà máy. 
 
“Giờ đây em đã có cuộc sống gia đình ổn định. Vợ làm việc cho một ngân hàng với mức lượng bốn triệu đồng/ tháng, lương của em khoảng 10 triệu đồng/tháng.  Cuộc sống dễ chịu hơn so với thời gian bươn trải ở Hà Nội. Nhiều bạn học cùng với em cũng đang có ý định trở về quê  xin việc. ’’- Nguyễn Mạnh Hải chia sẻ.
 
Công nhân đứng máy sản xuất tại Công ty TNHH Hà Đông (KCN Đồng Văn II)
 
 
Theo thống kê của Ban quản lý các  khu công nghiệp  tỉnh Hà Nam, tính đến hết năm 2014, các khu công nghiệp  của tỉnh đã thu hút được hơn 36.400 lao động vào làm việc, tăng gấp hơn 10 lần so với năm 2004. 
 
Chủ yếu là lao động ở địa phương, với mức thu nhập bình quân từ ba triệu đồng/người/tháng trở lên. Việc xây dựng các các khu công nghiệp , Hà Nam đã giải quyết được một bộ phận lớn lao động phổ thông, nhiều hộ gia đình có 3 – 4 lao động đều làm việc trong khu công nghiệp. 
 
Không chỉ giải quyết việc làm cho lao động, các doanh nghiệp còn góp phần thúc đẩy dịch vụ xung quanh các khu công nghiệp  phát triển, thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh tăng trưởng mạnh. 
 
Chỉ tính riêng năm 2014, giá trị sản xuất công nghiệp trong các khu công nghiệp  của Hà Nam đạt giá trị sản xuất 13.147  tỷ đồng, chiếm hơn 70% giá trị sản xuất công nghiệp của toàn tỉnh, nộp ngân sách hơn 1.000 tỷ đồng.
 
Với nhiều chính sách ưu đãi, Hà Nam đang trở thành thị trường hấp dẫn thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Thời gian tới, Hà Nam tiếp tục đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp có công nghệ sản xuất hiện đại, thân thiên với môi trường, có giá trị kinh tế cao để thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững.
 
Năm năm qua, tỉnh Hà Nam đã mạnh dạn thực hiện 10 cam kết với các nhà đầu tư, trong đó, tập trung hỗ trợ tích cực việc bàn giao mặt bằng sạch, giải quyết các thủ tục hành chính, quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng trong khu Công nghiệp, hỗ trợ tuyển dụng lao động, thành lập đường dây nóng giải quyết những việc phát sinh, bảo đảm tốt công tác an ninh trật tự, nâng cao chất lượng các dịch vụ công cung cấp cho doanh nghiệp...
 
Hà Nam hiện có 4 khu công nghiệp: Đồng Văn I, II, khu công nghiệp Hòa Mạc, khu công nghiệp Châu Sơn và Cụm công nghiệp Tây Nam thành phố Phủ Lý, với tổng diện tích khoảng gần 1.000 ha. 
 

 

 
 
 
Trung Hiếu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo