Hà Nội cần đột phá mạnh phát triển kinh tế tri thức
“Đã đến lúc Hà Nội phải đi vào phát triển kinh tế tri thức, phát triển các ngành kinh tế có chất lượng cao, ở trình độ hiện đại...” - chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong - nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội chia sẻ với NTNN.
Nhìn lại 60 năm sau Ngày giải phóng, thủ đô Hà Nội đã trải qua một chặng đường lịch sử oai hùng và đã có những bước chuyển mình kỳ diệu. Về góc độ kinh tế, ông đánh giá như thế nào?
- Những năm gần đây, Hà Nội chuyển mình với nhiều thành tựu khởi sắc. Hà Nội đã vươn lên trở thành 1 trong 2 đầu tàu kinh tế lớn của cả nước. Kinh tế liên tục tăng trưởng khá cao, luôn đạt gấp 1,5 lần so với cả nước, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hoá. Tổng thu ngân sách trên địa bàn năm sau luôn cao hơn năm trước, từ năm 2000 đến năm 2013 tăng hơn 11 lần. GDP bình quân đầu người tăng gần gấp 3 lần so với năm 1989. Tính từ năm 1990 đến nay, cứ sau 5 năm, giá trị sản xuất trên địa bàn đã bằng 2,5 lần so với trước đó. Hiện GDP Hà Nội chiếm 10%, thu ngân sách chiếm gần 20% cả nước.
Phát triển nhanh, đặc biệt từ khi mở rộng địa giới hành chính, theo ông Hà Nội đã làm được gì và chưa làm được gì?
- Hiện nay Hà Nội xếp thứ hai cả nước về mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước. Đáng chú ý, mối quan hệ, mối liên kết với các tỉnh, các vùng kinh tế trọng điểm trong nước; quan hệ đối ngoại, giao lưu hợp tác với thủ đô các nước, các tổ chức quốc tế ngày càng được mở rộng và tăng cường. Niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ được củng cố. Vai trò, vị thế, uy tín của Thủ đô trong cộng đồng quốc tế và bè bạn năm châu không ngừng được nâng cao.
Nhưng tôi cho Hà Nội cũng đang đối diện với nhiều vấn đề nảy sinh trong quá trình đô thị hóa, đặc biệt từ khi mở rộng địa giới hành chính. Theo tôi, những vấn đề cần quan tâm chủ yếu là quy hoạch bền vững, hạ tầng, môi trường, nguồn lực, và an toàn vệ sinh thực phẩm, cũng như di dân từ nông thôn ra thành phố tạo nhiều áp lực và ảnh hưởng lớn tới chất lượng đời sống người dân.
Vậy Hà Nội phải làm gì để có thể vượt qua thách thức?
- Tôi cho rằng, Hà Nội cần tập trung mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội một cách toàn diện theo hướng bền vững; tăng cường cải thiện đời sống người dân. Trong giai đoạn hiện nay, Hà Nội cần đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ và công nghiệp công nghệ cao gắn với phát triển khoa học và kỹ thuật. Để thực hiện mục tiêu này, Hà Nội cần có những biện pháp nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, nhất là lĩnh vực chuyển giao công nghệ.
Về hạ tầng cần hướng đầu tư mạnh cho hạ tầng giao thông, đường sắt đô thị hiện nay là cần thiết. Để Hà Nội phát triển nhanh, mạnh, bền vững trong tương lai, tôi cho rằng, Hà Nội phải tập trung nỗ lực hơn các nguồn lực và đột phá chính sách mạnh mẽ hơn cho phát triển kinh tế tri thức, phát triển các ngành kinh tế có chất lượng cao, ở trình độ hiện đại. Đặc biệt, phải nâng cấp chất lượng đội ngũ cán bộ của thành phố và khai thác, sử dụng và phát huy mạnh mẽ tiềm lực trí tuệ đội ngũ trí thức trên địa bàn của Thủ đô, tạo mọi điều kiện để các chuyên gia, các nhà khoa học có cơ hội cống hiến, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng Thủ đô.
Xin cảm ơn ông!
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong
Các nhà lãnh đạo của Hà Nội phải biết lựa chọn trọng tâm và trọng điểm, phải biết hy sinh những ý muốn tốt đẹp nhưng vượt quá giới hạn nguồn lực; phải dám chịu trách nhiệm đưa ra những quyết định mà không bị tác động bởi các nhóm lợi ích...
Theo Dân Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo