Hà Nội có 1.000 siêu thị: Lại quy hoạch... trên mây?
Ông Vũ Vinh Phú – Chủ tịch Siêu thị Hà Nội nêu quan điểm về bản Quy hoạch mạng lớn bán buôn, bán lẻ trên địa bàn Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Xóa chợ, xóa bỏ lịch sử
PV: - Trong bản Quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 cho thấy, Hà Nội sẽ đầu tư xây dựng mới 999 siêu thị các loại; 42 trung tâm thương mại và 595 chợ dân sinh... Xin ông cho biết quan điểm của ông về những nội dung trên?
Ông Vũ Vinh Phú: - Xu hướng phát triển trung tâm thương mại, siêu thị là không thể tránh khỏi nhưng quan trọng là mình làm như thế nào, bản quy hoạch đưa ra phải có cơ sở để thực hiện vì hiện nay nhiều quy hoạch chúng ta đã buộc phải phá vỡ hoặc không thực hiện đến nơi đến chốn. Những điểm bất cập của bản quy hoạch này có thể chi ra là ở vấn đề đất đai.
Đất đai để tiến hành xây dựng chợ và trung tâm thương mại ở đâu? Phải chỉ ra khu đô thị mới hay nội thành cũ nhưng vấn đề đất ở nội thành cũ hiện nay không còn, trong trường hợp giải phóng mặt bằng sẽ mất rất nhiều tiền. Đi đôi với đất đai là giá đất, nếu mở siêu thị khoảng 2.000-5.000m2 tiền giao đất ít nhất phải là 600 tỷ đồng.
Vấn đề thứ 2 là kinh phí. Làm siêu thị vấn đề vốn, kinh phí rất quan trọng, như siêu thị Metro là 18 triệu USD/siêu thị, liệu anh có tiền không hay chỉ làm những siêu thị nho nhỏ, mi ni và để các thành phần kinh tế làm.
Thứ 3 là vấn đề con người, nguồn nhân lực. Hiện có gần 100 siêu thị ở Hà Nội nhưng mới có 10% trong tổng số nhân viên được đào tạo chuyên ngành kinh doanh siêu thị còn lại chủ yếu là trái khác.
Như vậy vấn đề nhân lực phải chuyên nghiệp để nâng cao trình độ quản thị chuỗi siêu thị. Về sức mua, hiện có những người không dám đi siêu thị mà chỉ ra chợ cóc mua sắm đặc biệt sau khi sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội siêu thị chiếm 13%, không phải 20% và như vậy 87% người dân vẫn chọn chợ cóc chợ tạm, chợ truyền thống và cửa hàng nhỏ lẻ nếu nâng lên 1000 siêu thị vậy siêu thị có người hay chỉ là siêu thị trống vắng, trùng lắp và không hiệu quả.
Kinh nghiệm tại phố Thái Thịnh – Tây Sơn (Hà Nội) có 3 siêu thị cạnh nhau, 1 siêu thị Hapro đóng cửa còn siêu thị Fivimart sức bán giảm, Lotte mới mở cửa hoạt động. Cho nên sức mua, đất đai, vốn đầu tư, con người theo tôi chỉ làm khoảng 1/3 trong tổng số đề ra là vừa sức vừa người. Đồng thời, tư duy làm siêu thị của các nhà quản lý cũng phải thay đổi.
Cụ thể, trong trường hợp của siêu thị Hapro mới đây từng làm việc với Sở ngành để được xây dựng siêu thị tại nhà ga Hà Đông, đại diện ngành Giao thông Hà Nội cho biết, trong đầu họ không có khái niệm kinh doanh cùng với ga tàu ngầm trong khi thực tế các nước mình xuống ga tàu điện là có bách hóa, siêu thị ngay bên cạnh để mua hàng và trở về nhà. Hapro coi như thất sủng, không ngờ các ngành lại trả lời bàng quan như vậy.
Trong khi, thương mại phải gắn với giao thông mà đất là đất của ngành thương mại cũ là Công ty cơ khí Hà Nội. Nên ngay nhận thức của các cơ quan quản lý nhà nước cũng phải thay đổi, quá lạc hậu dù đã đi nước ngoài nước trong quá nhiều.
Theo tôi, phải làm đến đâu chắc đến đấy, đừng đặt ra những quy hoạch viển vông người ta cười. Cho đến 10 năm nữa lại kiểm điểm chỉ làm được 10%, không hiệu quả khi điều kiện cần và đủ chưa có.
PV: - Trong số 999 siêu thị bao gồm 23 siêu thị hạng một (đại siêu thị), 111 siêu thị hạng hai và 865 siêu thị hạng ba. Trong đó, vùng đô thị trung tâm sẽ có tới 19 đại siêu thị, 82 siêu thị hạng hai và 530 siêu thị hạng ba; vùng đô thị lõi mở rộng sẽ có tới 13 đại siêu thị, 57 siêu thị hạng hai và 396 siêu thị hạng ba. Chuỗi đô thị từ Sông Nhuệ đến vành đai IV với 6 đại siêu thị, 25 siêu thị hạng hai và 172 siêu thị hạng ba. Các khu đô thị như: Mê Linh (77 siêu thị), Đông Anh (88 siêu thị), Long Biên - Gia Lâm (98 siêu thị). Các đô thị vệ tinh sẽ có tới 338 siêu thị; các thị trấn khác khoảng 50 siêu thị… Trong khi đó, cũng yêu cầu không xây mới các chợ ở khu vực nội đô, nâng cấp cải tạo chợ hiện có diện tích trên 3.000m2 thành đại siêu thị, trung tâm mua sắm; chuyển hóa chợ dân sinh loại nhỏ có diện tích đất chợ dưới 1.000m2 thành siêu thị hạng 2. Như vậy, có đồng nghĩa với việc trong tương lai người Hà Nội sẽ không đi chợ mua sắm mà sẽ đi siêu thị đúng không, thưa ông? Việc quy hoạch số lượng lớn các siêu thị, cấm hàng rong và loại bỏ các chợ cóc, chợ dân sinh có nhằm vào mục đích để người Hà Nội mua sắm tại siêu thị, thể hiện sự hiện đại, thanh lịch của người Hà Nội?
Ông Vũ Vinh Phú: - Với 100 siêu thị hiện tại có khoảng 50% được phân hạng theo Quyết định 1371 của Bộ Công thương còn lại không đạt tiêu chuẩn. Trong 50% phân hạng có 10% là loại 1 còn lại là loại 2, 3. Câu hỏi đặt ra là nâng cấp như thế nào? Nếu nâng cấp nhưng chợ Hàng Da, chợ Cửa Nam là vất đi, không hiệu quả do nâng cấp không phù hợp.
Chợ chỉ nên làm 2 tầng dưới bán hàng tươi sống và trên bán hàng khô. Nâng cấp cũng được nhưng vấn đề thiết kế phải phù hợp, cơ chế chính sách để kinh doanh buôn bán trong chợ phải phù hợp, kiểm soát trong ngoài phải tiện lợi cho người tiêu dùng.
Riêng giá gửi xe đã 5.000-10.000 đồng/xe ai muốn vào?... Tiểu thương kinh doanh tại chợ và trung tâm thương mại đủ các loại thuế phí ngoài không có thuế phí nào, bên trong siết chặt bên ngoài buông lỏng… Tôi cũng khẳng định, chợ sẽ vẫn còn tiếp tục.
Ví dụ chợ Đồng Xuân tồn tại vĩnh viễn vì là chợ truyền thống văn hóa, chợ không phải để mua sắm mà vấn đề còn là văn hóa ăn sâu vào tiềm năng con người cả nước không riêng người thủ đô. Có những chợ phải làm lại, phải nâng cấp nhưng có chợ phải duy trì hàng trăm năm, duy trì mãi mãi vì bản thân chợ dành cho người nghèo.
Chợ Đồng Xuân sẽ không bao giờ dẹp, dư luận cũng sẽ không cho dẹp do chợ gắn với văn hóa truyền thống, đi chợ không phải mua thịt mà cả nền văn hóa giao lưu, cả bề dày nghìn năm lịch sử của chợ.
Không đơn giản nên đừng xóa lịch sử, nếu làm ở khu đô thị mới còn được còn những chỗ cũ nhạy cảm đừng động đến mà chỉ nâng cấp cho đẹp hơn, văn minh hơn.
Còn việc loại bỏ chợ cóc không ai phản đối nhưng vấn đề tiều đâu, chỉ làm vừa phải chỉ khoảng 1/3 là tốt rồi để thu hút bà con bên ngoài vào kinh doanh. Nhưng giá thuê sạp cũng phải hợp lý, không đắt đỏ, phải đi đôi với cơ chế chính sách phù hợp, hàng trăm chợ ở đất nước này xây mới đang bỏ trống.
Quy hoạch viển vông
PV: - Được biết tổng vốn đầu tư để thực hiện quy hoạch này là khoảng 521.000 tỷ đồng, chủ yếu được huy động từ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại trong và ngoài nước. Trong khi, một thực tế hiện nay là các siêu thị, trung tâm thương mại của doanh nghiệp trong nước đang phải co cụm để chống đỡ làn sóng đầu tư của các tập đoàn bán lẻ lớn của thế giới như Lotte, Big C, E-Mart Co, Aeon, Auchan, B'mart (BJC)... với lượng hàng hóa từ doanh nghiệp Việt sản xuất cũng chiếm số lượng nhỏ. Dư luận lo ngại về việc mở rộng, cho phép các doanh nghiệp nước ngoài tham gia, người Hà Nội mua sắm trên đất Hà Nội nhưng là mua từ ông chủ nước ngoài và hàng nước ngoài, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Vũ Vinh Phú: - Nhìn vào số lượng các siêu thị và trung tâm thương mại cùng với vốn đầu tư dự kiến cho quy hoạch này có thể khẳng định đây là bản quy hoạch viển vông, là những câu chuyện trên trời. Tiền bây giờ dành cho nước sạch, giao thông, giáo dục… quan trọng hơn vấn đề đầu tư lắm vào siêu thị và trung tâm thương mại.
Doanh nghiệp trong nước đang ốm yếu, chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam thấp, làm sao có thể thu hút được doanh nghiệp nước ngoài? Hiện nếu có thu hút doanh nghiệp nước ngoài cũng chỉ ở lĩnh vực sản xuất, bán lẻ rất khó và không thể có nhiều vì rất tốn kém mặc dù có nhưng sẽ rất khiêm tốn. Nước ngoài họ vào Việt Nam họ rất cẩn trọng không phải chuyện xô bồ làm mấy chục tỷ USD.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
End of content
Không có tin nào tiếp theo