Hà Nội: Dân tạm cư ngóng định cư
Các khiếm khuyết của nhà tái định cư đã được chỉ tên: chậm tiến độ, nhiều doanh nghiệp mượn quỹ nhà tái định cư nhưng nợ tiền thuê nhà…
Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch kiến trúc, Ủy ban Nhân dân quận Hai Bà Trưng vừa có các báo cáo liên quan đến nhà ở tái định cư lên Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội. Các khiếm khuyết của nhà tái định cư đã được chỉ tên: chậm tiến độ, nhiều doanh nghiệp mượn quỹ nhà tái định cư nhưng nợ tiền thuê nhà… Trong khi đó, những người dân phải rời khỏi căn hộ của mình đi tạm cư thì “dài cổ ngóng” ngày được dọn về nhà ở tái định cư.
Nợ tiền nhà nước
Theo Sở Xây dựng TP Hà Nội, nhiều doanh nghiệp mượn quỹ nhà tái định cư của thành phố để tạm cư cho các hộ gia đình thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại các nhà chung cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp, đang nợ thành phố tiền thuê nhà.
Cụ thể, tại dự án cải tạo khu tập thể Nguyễn Công Trứ, quận Hai Bà Trưng, Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển nhà số 7 Hà Nội đã sử dụng tổng số 254 căn hộ ở quận Hoàng Mai để tạm cư cho các hộ gia đình di dời từ khu tập thể Nguyễn Công Trứ. Thành phố đã có văn bản xác định giá thuê nhà song đến nay Công ty vẫn chưa ký Hợp đồng thuê nhà và chưa nộp tiền thuê nhà vào ngân sách.
Tương tự, tại dự án cải tạo nhà chung cư nguy hiểm C1 Thành Công, quận Ba Đình, Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông I đã sử dụng 110 căn hộ thuộc quỹ nhà tại nhà N06 khu 5,3 ha Dịch Vọng, quận Cầu Giấy để phục vụ tạm cư cho các hộ gia đình từ tháng 11/2008, đã ký Hợp đồng thuê nhà đến 31/12/2012 nhưng đến nay vẫn chưa nộp đủ tiền thuê nhà vào ngân sách theo quy định.
Tại quận Đống Đa, dự án cải tạo nhà chung cư 51 Huỳnh Thúc Kháng, Công ty cổ phần đầu tư phát triển nhà Hà Nội số 5 cũng chưa ký Hợp đồng thuê nhà và chưa nộp tiền thuê nhà vào ngân sách. Hay dự án cải tạo nhà chung cư nguy hiểm C7 Giảng Võ, quận Ba Đình, Công ty cổ phần Tư vấn HANDIC đã ký Hợp đồng thuê nhà song mới thanh toán tiền thuê nhà đến hết năm 2010…
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Quốc Tuấn cho biết, về nguyên tắc, các đơn vị đã được Ủy ban Nhân dân Thành phố bố trí quỹ nhà để tạm cư phải nghiêm túc thực hiện việc ký hợp đồng thuê nhà và nộp tiền thuê nhà vào ngân sách thành phố. Tuy nhiên, hầu hết các đơn vị này lại không chấp hành nghiêm túc, chưa nộp tiền thuê nhà từ ngày 1/1/2011 đến nay.
Theo ông Nguyễn Quốc Tuấn, lý do các doanh nghiệp đưa ra là “đơn giá thuê nhà mới gây khó khăn cho phương án cân bằng tài chính của dự án và nảy sinh nhiều thắc mắc của các hộ gia đình tự nguyện nhận kinh phí lo nơi ở tạm cư”.
Nợ nhà của dân
Đề xuất bảy khu tái định cư tập trung Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội vừa có văn bản đề xuất lên Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội dự kiến địa điểm quy hoạch tập trung bổ sung mới gồm bảy khu có quy mô với hệ thống hạ tầng xã hội đầy đủ, tạo điều kiện sống tốt cho người dân trong diện di dời là giải pháp mang tính căn bản. Các khu tái định cư tập trung trên nằm ở các huyện Hoài Đức, Đông Anh, Đan Phượng và Chương Mỹ. Thống kê sơ bộ của Sở Quy hoạch Kiến trúc, hiện nay trên địa bàn TP Hà Nội có 42 dự án tái định cư đã và đang triển khai với tổng quỹ đất khoảng 176ha. Có 120 dự án đã được Ủy ban Nhân dân Thành phố chấp thuận chủ trương về địa điểm quy hoạch, đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết hoặc quy hoạch tổng mặt bằng. |
Ông Dương Đức Tuấn, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội thông tin, hầu hết các dự án đầu tư xây dựng nhà tái định cư hiện nay đã được Ủy ban Nhân dân Thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc đã được Sở Quy hoạch Kiến trúc chấp thuận quy hoạch kiến trúc nhưng triển khai thực hiện rất chậm. Điều này dẫn đến việc quỹ nhà tái định cư thực tế không kịp hoàn thiện để bố trí phục vụ giải phóng mặt bằng theo đúng yêu cầu, kế hoạch tiến độ.
Cũng theo ông Tuấn, đối với quỹ đất 20% tại các khu đô thị được xác định dành để xây dựng nhà ở tái định cư, các chủ đầu tư hầu hết đều giải phóng mặt bằng rất chậm, dẫn đến chậm bàn giao cho Thành phố để tiến hành xây dựng nhà ở tái định cư
Sở Quy hoạch Kiến trúc cũng “điểm mặt” các dự án nhà ở tái định cư có vấn đề. Cụ thể, Dự án xây nhà ở chung cư cao 15 tầng (nhà A1, A2) Kim Giang phục vụ di dân giải phóng mặt bằng của quận Thanh Xuân nhưng do sai phạm trong xây dựng nên đã bị dừng từ năm 2004. Đến 2008 quận Thanh Xuân đã đề nghị và được Sở Quy hoạch Kiến trúc chấp thuận điều chỉnh dự án để tiếp tục thực hiện.
Tuy nhiên, do việc triển khai quá chậm, Sở Quy hoạch Kiến trúc đã phải kiến nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố chỉ đạo quận Thanh Xuân đẩy nhanh tiến độ dự án sau khi đã có kết luận của Thanh tra. Một số dự án khác như, Dự án khu tái định cư phục vụ di dân khu ao Hoàng Cầu (quận Đống Đa) bị liệt vào danh sách dự án “triển khai rất chậm”; dự án Khu di dân giải phóng mặt bằng Khương Đình II (quận Thanh Xuân) thì có Hồ sơ quy hoạch chi tiết “chất lượng thấp”…
Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân quận Hai Bà Trưng do Phó Chủ tịch Lâm Anh Tuấn ký, việc chậm tiến độ của các dự án nhà ở tái định cư trên địa bàn quận khiến người dân tạm cư không biết bao giờ mới được trở về nơi ở cũ của mình (các dự án đều là tái định cư tại chỗ, trừ các trường hợp đã nhận tiền và tự lo chỗ ở). "Những bà con tạm cư rất bức xúc vì dự án nhà ở tái định cư chậm, tới nay vẫn chưa khởi công dù hàng trăm hộ dân đã phải đi tạm cư hơn hai năm qua...", báo cáo nêu.
Theo GĐXH
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo