Bất động sản

Hà Nội: Giải pháp nào gỡ khó cho nhà ở xã hội?

Hiện 25% cư dân Hà Nội không đủ tiền để mua nhà ở, khoảng 30% dân số có diện tích nhà dưới 3m2/người, điều đó có nghĩa nhu cầu có một căn nhà vừa túi tiền luôn là ước mơ của nhiều người. Vậy mà, cả chủ đầu tư và chính người được mua nhà thu nhập thấp lại không mặn mà trong việc mua, bán mặt hàng nhà giá rẻ này.
Nhà thu nhập thấp: Chủ và khách cùng "ngán”
 
 
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, đến thời điểm này, trên địa bàn thành phố xảy ra tình trạng hàng loạt dự án nhà thu nhập thấp doanh nghiệp bỏ vốn ra hàng trăm tỷ đồng nhưng khả năng thu hồi vốn quá chậm, do việc bán nhà cũng như thủ tục pháp lý quá chậm.
 
 
Chẳng hạn, khu CT19 - khu đô thị Việt Hưng (Long Biên) có tổng mức đầu tư gần 180 tỷ đồng, với 515 căn hộ nhưng đến nay mới chỉ bàn giao được 270 căn...
 
 
Theo ông Trần Đức Sơn, Giám đốc Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, dự án nhà ở Việt Hưng hiện có 174 căn hộ trên tổng số hơn 800 căn cho thuê, mua.
 
 
Tuy nhiên chủ đầu tư đang "sống dở chết dở”, vì sau nhiều năm chưa thu hồi được vốn. Bỏ ra khoản tiền lớn để đầu tư vào nhà thu nhập thấp, nhưng thu hồi vốn chậm hơn rùa bò vì vậy thành phố có hô hào hơn nữa, cũng khó hút nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này.
 

Không chỉ doanh nghiệp chẳng mặn mà với nhà thu nhập thấp mà cả những người thụ hưởng chính sách này cũng đang tỏ ra ngán ngẩm loại nhà chứa rất nhiều "chính sách ưu đãi” này.
 
 
Lý giải về tình trạng cả chủ đầu tư lẫn khách hàng đều "ngán” nhà ở xã hội, bà Tô Thị Hạnh, Giám đốc Quỹ đầu tư phát triển Thành phố Hà Nội cho biết, giá bán của mặt hàng này còn ở "trên trời” trong khi cả doanh nghiệp và người dân chưa nhận được nhiều hỗ trợ từ phía nhà nước.
 
 
Có một chính sách được coi là ưu đãi đó là các dự án nhà thu nhập thập được miễn thuế, nhưng thực tế loại dự án này chỉ được miễn thuế trong năm 2009, còn đến thời điểm này thì không. Chính vì vậy, doanh nghiệp gặp không ít khó khăn.
 
 
Ngoài những cái khó trên, điều làm chủ đầu tư chán nản hơn cả đó là "bỏ tiền cả đống, thu về tiền lẻ” để hoàn vốn, tất toán công trình là điều quá khó khăn. Tuy nhiên, các chủ đầu tư cũng không thể "đòi nợ” được các hộ mua nhà vì hầu hết họ là người thu nhập thấp.
 
 
Trong khi đó do mức chi trả tiền nhà vượt quá khả năng của họ. Một lý do khác ngoài giá bán, giá thuê khá cao... thì một lý do khác góp phần làm các thượng đế không mặn mà chuyển đến nơi ở mới đó là hầu hết các dự án được xây dựng tại những khu vực xa dân cư, xa trường học, chợ..., trong khi hạ tầng của dự án lại chưa có, nên nhiều công nhân, người dân cũng không muốn dọn đến ở.
 
 
Nhà tái định cư: Chất lượng quá kém
 
 
Trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã hoàn thành việc xây dựng 12.073 nhà ở tái định cư, trong đó có 100.816 căn đã đưa vào sử dụng, 1.257 căn chưa sử dụng. Hàng năm các quận, huyện và các chủ đầu tư đăng ký xây dựng quỹ nhà tái định cư lớn, khoảng 5.000 căn/năm.
 
 
Song thực tế kết quả sử dụng qũy này của 5 năm gần đây ít hơn nhiều so với đăng ký ban đầu.
 
 
Trong khi đó các quận, huyện thực hiện công tác giải phóng mặt bằng chậm đều lấy lý do thiếu quỹ nhà tái định cư. Đây cũng là một trong những khó khăn, vướng mắc trong công tác cân đối, bố trí quỹ nhà tái định cư.
 
 
Lý giải tại sao loại nhà này ngày một vắng khách, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực nhà đất cho hay: Do một số lý do, trong đó có công trình phải hoàn thành gấp phục vụ giải phóng mặt bằng kịp thời các dự án trọng điểm nên đã đưa dân vào sử dụng sớm; trong khi đó dự án xây dựng khu đô thị tái định cư chưa hoàn chỉnh, đồng bộ thiếu các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ảnh hưởng đến điều kiện sinh hoạt và gây bức xúc đối với các hộ dân tái định cư.
 
 
Có thể nói, chất lượng các công trình tái định cư là một trong những lý do khiến loại nhà này mất khách nhất.
 
 
Không chỉ là nhà dành cho người có thu nhập thấp, nhà tái định cư, Thành phố Hà Nội đang triển khai nhiều dự án nhà cho công nhân, sinh viên, tuy nhiên ít dự án hoàn thành đúng tiến độ do vướng mắc về cơ chế, vốn và cả quỹ đất.
 
 
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Khôi cho biết, trên thực tế, nhiều dự án xây dựng nhà xã hội có số tiền vay gần chiếm một nửa tổng số vốn thực hiện dự án. Vì vậy, Sở Xây dựng phải phối hợp cùng Sở Tài chính xem xét, kiểm soát nguồn vốn của các dự án đầu tư xây dựng của các nhà đầu tư.
 
 
Ông Khôi khẳng định, thành phố luôn có chính sách ưu tiên các nhà đầu tư, nhưng phải đảm bảo yếu tố năng lực tài chính rõ ràng, chặt chẽ, bảo đảm tiến độ hoàn thành dự án, "nếu các đơn vị không đủ năng lực tài chính thì không nên nhận dự án” để khỏi ảnh hưởng đến tiến độ. Về vấn đề nhà tái định cư, quan trọng vẫn là nâng cao chất lượng của loại nhà này, chỉ có làm như vậy mới đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người dân.
 
 
 
Theo Đại đoàn kết

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo