Hà Nội nhẹ tay với các dự án bất động sản sai phạm
Năm 2012, hàng loạt dự án được kết luận có sai phạm trong việc sử dụng đất, nhưng chỉ rất ít trong số đó bị xử lý, thu hồi mà chỉ được điểm mặt chỉ tên, cho khắc phục sai phạm.
Tuy nhiên, sau hơn 1 năm, đến nay hầu hết dự án trở về nguyên trạng, thậm chí còn tồn tại hơn so với trước khi có thanh kiểm tra.
Ngày 12/7/2012, UBND TP. Hà Nội có Văn bản số 5400/UBND-TNMT chỉ đạo xử lý vi phạm trong quản lý đầu tư xây dựng, sử dụng đất tại một số dự án trên địa bàn Thành phố. Theo đó, hàng loạt dự án, khu đất đã được Đoàn kiểm tra xác định sai phạm vì sử dụng sai mục đích hoặc để trống. Nhiều khu đất, dự án trong số đó đã được Thành phố kiến nghị thu hồi.
Liên quan đến việc Hà Nội kiến nghị thu hồi các dự án chậm tiến độ, sử dụng đất sai mục đích, Văn phòng Chính phủ sau đó đã có Văn bản số 5820/VPCP-KTN gửi UBND TP. Hà Nội, yêu cầu UBND TP. Hà Nội có biện pháp xử lý kiên quyết, dứt điểm các trường hợp vi phạm. Song số lượng dự án chính thức bị xử lý, thu hồi đến thời điểm này rất khiêm tốn, trong khi nhiều dự án khác tiếp tục sai phạm hoặc để đất hoang.
Trong các dự án bị kết luận sai phạm, dư luận đặc biệt quan tâm đến hai dự án thuộc khu “đất vàng” trên đường Láng Hạ được Thành phố phê duyệt thí điểm xây dựng nhà cao tầng cho thuê, song chủ đầu tư đã không triển khai dự án, mà sử dụng đất vào mục đích khác. Đó là ô đất ký hiệu 3.10, rộng 11.255 m2, được giao cho Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà Hà Nội và ô đất ký hiệu 3.7CC, rộng 9.984 m2, được giao cho Công ty Đầu tư xây dựng số 2 (nay là Công ty Hacinco) đầu tư.
Ô đất ký hiệu 3.10 đã có quyết định giao đất từ năm 2004 cho Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà Hà Nội xây dựng thí điểm nhà cao tầng cho thuê. Dự án sau đó được điều chỉnh cả về công năng và chủ đầu tư. Khi chuyển sang làm văn phòng cho thuê và chủ đầu tư mới là Công ty TNHH Nhà nước MTV Kinh doanh dịch vụ nhà Hà Nội. Tuy nhiên, khu đất được sử dụng làm gara ô tô và bãi rửa xe. Do vậy, tại Văn bản số 5400/UBND-TNMT, UBND TP. Hà Nội đã kiến nghị thu hồi quyết định giao đất. Sau hơn 1 năm kiến nghị thu hồi, dự án đến nay vẫn chưa bị xử lý, vẫn là bãi đất trống.
Đối với lô đất ký hiệu 3.7CC, dự án cũng có quyết định giao đất từ năm 2004, toàn bộ khu đất đã giải phóng mặt bằng và chủ đầu tư xây dựng khối nhà B cao 15 tầng cho thuê. Tuy nhiên, phần diện tích đất dành cho khối nhà A, chủ đầu tư lại không triển khai, nên Thành phố đã có kiến nghị thu hồi.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó giám đốc Hacinco cho biết, chủ đầu tư đã tiến hành đóng cọc nhồi tại khối nhà A và chờ UBND quận Thanh Xuân thông qua thiết kế điều chỉnh. Trong thời gian chờ điều chỉnh, phần lớn nền dự án được đổ bê tông để làm gara ô tô và bãi rửa xe.
Được biết, trong những tháng đầu năm 2013, UBND TP. Hà Nội đã có nhiều quyết định thu hồi đất để xây dựng trường học. Thế nhưng, trong những dự án bị chủ đầu tư sử dụng sai mục đích và bỏ hoang, có kết luận sai phạm theo Phụ lục của Công văn số 5400/UBND-TNMT ngày 12/7/2012, rất ít dự án bị thu hồi hoặc xử lý.
Hàng loạt dự án tiếp tục bị bỏ hoang như: ô đất ký hiệu D23, rộng trên 5.000 m2 thuộc Khu đô thị mới Cầu Giấy của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (bỏ hoang từ năm 2008); ô đất mang ký hiệu BĐX, CXTT rộng trên 9.000 m2 thuộc Khu đô thị Mễ Trì Hạ (huyện Từ Liêm) của CTCP Tu tạo và Phát triển nhà; ô đất ký hiệu CC1, rộng 7.463 m2, thuộc Khu đô thị Mỹ Đình II (huyện Từ Liêm) của Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị (nay là Tổng công ty Phát triển nhà và đô thị)…
Trao đổi với ĐTCK, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, việc doanh nghiệp không thể thực hiện được dự án, nhưng vẫn chây ỳ, không chịu trả đất là thực tế phổ biến. Nguyên nhân lớn nhất là chế tài chưa đủ mạnh, đồng thời các cấp thừa hành ở địa phương còn nương nhẹ, khiến người nghiêm túc và kẻ chây ỳ bị đánh đồng.
“Nhà nước cần có những chế tài trong việc thu hồi, hoặc đánh thuế thật cao với những dự án chậm triển khai, chứ đừng hy vọng doanh nghiệp tự nguyện xin trả lại dự án. Có như thế, việc sử dụng đất mới có hiệu quả chung cho cả xã hội”, GS. Võ nói.
ĐTCK sẽ tiếp tục “cận cảnh” các dự án nằm trong danh sách đen để bạn đọc có cái nhìn rõ hơn về sự lãng phí tại nhiều khu đất vàng trên địa bàn TP. Hà Nội.
Theo ĐTCK
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo