Hà Nội quyết tâm đẩy mạnh thị phần hàng Việt- Cơ hội lớn cho doanh nghiệp
Đây là một trong số những chỉ tiêu đề ra trong Kế hoạch triển khai thực hiện đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2015 – 2020.
Quyết tâm có mục tiêu năm 2015, 100% người tiêu dùng và 100% doanh nghiệp Thủ đô biết đến Cuộc vận động.
Tiếp đến năm 2016 sẽ hoàn thành việc phối hợp xây dựng cơ sở dữ liệu và cập nhật mạng lưới phân phối hàng Việt Nam trên địa bàn Thành phố là cơ sở để cung cấp, tập huấn sử dụng cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam và phục vụ công tác quản lý nhà nước.
Và về dài hạn, đến năm 2020, trên 80% người tiêu dùng, doanh nghiệp Thủ đô biết đến nhóm các hoạt động phát triển thị trường với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” như hỗ trợ người tiêu dùng phân biệt hàng giả, hàng nhái, hàng Việt Nam.
Đây cũng là thời gian xuất hiện các điểm bán cố định với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” và các kênh truyền thông có chuyên mục “Tự hào hàng Việt Nam để tuyên truyền, quảng bá Cuộc vận động. Cập nhật mạng lưới phân phối hàng Việt Nam của cả nước với thành phố Hà Nội.
Đẩy mạnh thương mại điện tử
Để thực hiện để án, Thành phố Hà Nội hướng tới đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và khai thác kinh doanh trên môi trường mạng. Xây dựng 3 giải pháp ứng dụng thương mại điện tử, phần mềm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ kinh doanh trong việc quản lý sản xuất, kinh doanh, phát triển thị trường khách hàng.
Nhiệm vụ quan trọng nữa, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về tác động của công nghệ thông tin đối với hoạt động kinh doanh; sản xuất của doanh nghiệp.
Qua đó giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất hàng hóa năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh quốc tế ngày một nâng cao, bảo vệ môi trường, khai thác tối đa tiềm năng sẵn có của Thủ đô.
Đặc biệt hơn, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Thủ đô tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, đẩy mạnh các hoạt động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, hệ thống quản lý chất lượng vào sản xuất, tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị, UBND Thành phố Hà Nội giao Sở Công thương phối hợp thực hiện kết nối giữa doanh nghiệp với ngân hàng giúp các đơn vị sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nguồn vốn này sẽ ưu tiên tập trung đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, sản xuất sản phẩm công nghiệp mũi nhọn, chất lượng và khai thác tốt lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp. Đầu tư hạ tầng thương mại, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại. Đồng thời tổ chức thực hiện chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu.
“Công bố, quảng bá các máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu ngành công nghiệp cơ khí, điện tử, dệt may, công nghiệp hỗ trợ của các doanh nghiệp Việt Nam trên địa bàn thành phố để phục vụ tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng”, một giải pháp đề ra trong kế hoạch nêu rõ.
Ngoài ra cũng phải đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông để các cơ quan, đơn vị và tổ chức chính trị - xã hội khi có nhu cầu mua sắm bằng nguồn kinh phí thuộc ngân sách Nhà nước.
Các doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh trong nước khi mua sắm vật tư, thiết bị để thực hiện các dự án, công trình thì ưu tiên sử dụng các trang thiết bị, nguyên vật liệu và dịch vụ trong nước đảm bảo chất lượng.
Tổ chức các lớp đào tạo, tư vấn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Thành phố về kỹ năng bán hàng, phát triển thương hiệu, kết nối cung cầu.
Đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển thương hiệu cho sản phẩm của các doanh nghiệp, làng nghề và thương hiệu của doanh nghiệp, làng nghề, hộ kinh doanh tại chợ đầu mối. Triển khai có hiệu quả các quyết định phát triển thương hiệu cho sản phẩm chủ lực, sản phẩm làng nghề đã được UBND Thành phố ban hành.
Bền vững
UBND Thành phố Hà Nội giao Sở Công thương chủ trì, phối hợp cùng các sở, ngành Thành phố đẩy mạnh phát triển hạ tầng thương mại, phát triển mạng lưới buôn bán, bán lẻ trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Trong giai đoạn 2015 đến 2020, đặc biệt trong năm 2015, đẩy mạnh công tác phát triển hệ thống phân phối hàng hóa Việt Nam cố định và bền vững do các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phối hợp, hỗ trợ, thúc đẩy chương trình đưa hàng Việt Nam tới người tiêu dùng trên địa bàn, đặc biệt quan tâm đến khu vực nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất.
Cơ quan này cũng cần nghiên cứu, xây dựng mô hình các chuỗi cung ứng sản phẩm bền vững từ sản xuất – phân phối – tiêu dùng gắn với quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm. Từng bước nhân rộng mô hình liên kết, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia mô hình.
Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thương mại nhằm mở rộng kênh phân phối hàng Việt Nam tại các khu vực tập trung đông dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, vùng sâu, vùng xa theo hướng bền vững.
Nghiên cứu xây dựng kho phân phối hàng Việt Nam tại khu vực nông thôn. Phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng, cập nhật bản đồ số về mạng lưới phân phối hàng Việt Nam trên địa bàn Thành phố.
Nghiên cứu đề xuất chính sách nhằm củng cố và mở rộng hệ thống phân phối, xây dựng các kênh phân phối văn minh, hiện đạo đối với hàng Việt Nam, đa dạng hóa các loại hình phân phối.
Cuối cùng là thiết lập hệ thống điểm bán hàng Việt Nam bền vững trên địa bàn thành phố, điểm bán hàng Việt Nam tại chợ nông thôn cố định, bền vững do doanh nghiệp trong nước làm hạt nhân, phối hợp cùng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để hỗ trợ, thúc đẩy chương trình đưa hàng Việt Nam tới người tiêu dùng khắp địa bàn thành phố.
End of content
Không có tin nào tiếp theo