Bất động sản

Hà Nội sắp có căn hộ cho thuê 1 triệu đồng/tháng

Lần đầu tiên, tại Hà Nội xuất hiện nhà ở xã hội cho thuê giá rẻ bất ngờ. Loại hình này được dự báo sẽ phát triển trong tương lai. Theo đó, sinh viên, công nhân, lao động tự do... có thể thuê nhà ở xã hội với giá thấp hơn thị trường từ 2-3 lần.

Nhà ở xã hội tại Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội) sẽ cho thuê vào cuối năm nay. Ảnh: Lê Hữu Việt

Dự kiến, cuối năm nay, sẽ có nhà cho thuê giá rẻ. Hiện, chủ đầu tư đã nhận 600 hồ sơ, trong khi thực tế chỉ có khoảng 300 căn hộ cho thuê. Để thuê nhà xã hội giá rẻ này, các đối tượng phải đáp ứng các tiêu chí sau: Chưa được thuê mua nhà ở xã hội; chưa được nhà nước hỗ trợ nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức hoặc có nhà thuộc sở hữu nhưng có diện tích bình quân hộ gia đình dưới 5m2 sàn/người.

Đồng thời, các đối tượng này phải có hộ khẩu thường trú hoặc hợp đồng lao động thời hạn từ 1 năm trở lên và đóng bảo hiểm xã hội tại địa phương (nơi có nhà ở cho thuê).
 
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng, nhà ở cho thuê sẽ được nhân rộng trong tương lai để đáp ứng nhu cầu người dân không có đủ tiền để sở hữu nhà. “Chúng tôi khuyến khích các doanh nghiệp nhà nước, tư nhân và hộ gia đình kinh doanh loại hình nhà ở này”, Bộ trưởng Dũng nói.
 
Hiện, Cty Đầu tư Phát triển Hạ tầng Viglacera (INDECO - thuộc Tổng Cty Viglacera) đang triển khai xây dựng 1.500 căn hộ tại nhà xã hội giai đoạn 3 thuộc Khu đô thị Đặng Xá II (Gia Lâm, Hà Nội). Đây là dự án đầu tiên dành 20% quỹ nhà cho thuê theo Nghị định 188 về phát triển và quản lý nhà xã hội.
 
Ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc INDECO cho biết, dự án có 293 căn hộ dành cho thuê với giá 25.000 đồng/m2/tháng (tương đương 1 triệu đồng/căn hộ/tháng). “Các đối tượng có đủ điều kiện nộp hồ sơ tại công ty. Nếu số hồ sơ vượt quá, chúng tôi sẽ bốc thăm lựa chọn người thuê. Sau 5 năm, đối tượng thuê có thể mua lại nếu có nhu cầu”, ông Tuấn nói.
 
Sợ vết xe đổ
 
Cách đây 2 năm, người dân Hà Nội bức xúc khi mô hình thí điểm nhà ở cho thuê tại Khu đô thị Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội) bị nhiều đối tượng được thuê dùng căn hộ để nuôi chó và cho người khác thuê lại.
 
Dự án này có vốn đầu tư khoảng 300 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, gồm hơn 800 căn hộ thuộc hai khu CT19A và CT21A. Trong đó, khu CT21A gồm 515 căn hộ cho cán bộ, công chức thuê với giá ưu đãi khoảng 1,6 triệu đồng/tháng căn rộng 50m2, và khu CT19A có 300 căn bán trả góp.
 
Sự việc được phát hiện khi chính người dân sống trong khu đô thị phản ánh với báo chí. Sau đó, Sở Xây dựng Hà Nội vào cuộc xử lý các đối tượng vi phạm. Tuy nhiên, chính một cán bộ Sở Xây dựng chia sẻ, việc thu lại nhà rất vất vả. “Đối tượng thuê đều là cán bộ của thành phố; chế tài xử phạt tuy đã có, nhưng phải có nhà khác mới cưỡng chế di dời. Điều này gây khó khăn cho những người làm công tác quản lý”, vị này nói.
 
Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, nếu không quản lý tốt, nhà ở xã hội cho thuê sẽ đi vào vết xe đổ như dự án cho thuê ở Khu đô thị Việt Hưng.
 
“Cơ chế tốt, nhưng việc quản lý vận hành phải nghiêm túc thì nhà ở xã hội cho thuê mới không bị các đối tượng lợi dụng. Đồng thời, nguồn cung nhà ở này phải nhiều để đáp ứng nhu cầu của người dân đô thị”, ông Liêm nói.
 
Trao đổi với Tiền Phong, ông Vũ Ngọc Đạm, Trưởng phòng Phát triển nhà ở (Sở Xây dựng Hà Nội) cho hay, để chuẩn bị một dự án nhà ở xã hội, chủ đầu tư mất 1-2 năm. Sau khi Nghị định 188 có hiệu lực, từ nay, dự án nhà ở xã hội nào khởi công đều có 20% căn hộ dành cho thuê. Như vậy, 1 - 2 năm nữa, Hà Nội sẽ có nhiều nhà ở xã hội cho thuê.
 
Tuy nhiên, ông Đạm cũng băn khoăn, chủ đầu tư không mặn mà làm nhà ở xã hội cho thuê vì mất từ 10 - 20 năm mới thu hồi được vốn. “Sở Xây dựng đưa ra tiêu chí đánh giá đối tượng, quản lý hồ sơ để đối tượng không được hưởng hỗ trợ 2 lần.
 
Bên cạnh đó, Sở giám sát hoạt động cho thuê theo đúng đối tượng. Tùy theo mức độ vi phạm, đối tượng thuê sẽ bị hủy hợp đồng, xử phạt, tịch thu lại nhà”, ông Đạm nói.
 
Ông Đạm cho rằng, để tránh vết xe đổ nhà ở cho thuê tại khu đô thị Việt Hưng, nhà ở xã hội cho thuê do chủ đầu tư bỏ vốn và vận hành nên khác mô hình của thành phố. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm đầu tiên khi có sự cố xảy ra với loại hình nhà ở này.
 

Đối tượng được thuê nhà ở xã hội: Người có công với cách mạng; Cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước; Sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp; người làm công tác cơ yếu; Công nhân, người lao động thuộc các thành phần kinh tế làm việc tại các khu công nghiệp; Người có thu nhập thấp và người thuộc diện hộ gia đình nghèo tại khu vực đô thị; Đối tượng bảo trợ xã hội; người cao tuổi độc thân, cô đơn không nơi nương tựa; Các đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ khi hết tiêu chuẩn thuê nhà ở công vụ; Học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, trung cấp nghề và trường dạy nghề cho công nhân, không phân biệt công lập hay ngoài công lập; Hộ gia đình, cá nhân thuộc diện tái định cư mà chưa được bố trí đất ở hoặc nhà ở tái định cư

Theo Tiền Phong
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo