Góc nhìn

Hạn chế cán bộ thuế tiếp xúc doanh nghiệp

Chuyện “tham nhũng vặt” của một bộ phận công chức thuế, như lời Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thật ra không phải là chuyện mới mẻ.

Đại diện các doanh nghiệp tới quyết toán thuế ở Chi cục Thuế TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng

Nó đã trở thành một thứ “luật bất thành văn” mà bất kỳ doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh nào cũng phải biết và thực hiện.

Luật gia Vũ Xuân Tiền, trưởng ban tư vấn và phản biện chính sách Hội Các nhà quản trị doanh nghiệp (DN) VN, đã khẳng định như vậy khi trao đổi với chúng tôi về “căn bệnh” này của ngành thuế. Tuy nhiên, có lẽ đây là lần đầu tiên người đứng đầu Bộ Tài chính thẳng thắn thừa nhận “căn bệnh” này của ngành thuế VN.
 
* Như ông khẳng định, bất kỳ DN hay cá nhân kinh doanh nào cũng biết chuyện “tham nhũng vặt” của các cán bộ thuế nhưng vì sao không ai lên tiếng?
 
- Như vị tư lệnh ngành tài chính đã nói, có sự chung chia giữa cán bộ thuế và DN. Đó là khi kiểm tra, thanh tra để quyết toán thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập DN... công chức thuế sẽ đàm phán với chủ DN theo nguyên tắc “chia ba”, tức là một phần số thuế truy thu dự kiến sẽ được ghi vào biên bản và nộp vào ngân sách nhà nước, một phần chủ DN phải chi bằng tiền mặt (tất nhiên là không có chứng từ gì) cho đoàn thanh tra, còn lại là của DN. Khi kiểm tra để hoàn thuế GTGT cũng tương tự như vậy. Đoàn kiểm tra sẽ đàm phán với chủ DN để được “bồi dưỡng” 5-10% số thuế được hoàn. Nếu chủ DN đồng ý và chi ngay thì thủ tục sẽ rất nhanh, nếu không thì “hãy đợi đấy”!
Hiện tượng “chung chia” hay “bắt buộc phải chung chi” như nêu trên khá phổ biến. Tuy nhiên, không một chủ DN nào dám tố cáo vì không thể có bằng chứng. Chính vì thế chỉ ít ỏi số tiêu cực của ngành thuế được đưa ra ánh sáng.
 
* Phải chăng nhiều chính sách thuế không minh bạch, tạo điều kiện cho cán bộ thuế tùy tiện áp dụng, gây khó khăn cho người nộp thuế?
 
- Đúng là như vậy, bởi hầu hết các luật, pháp lệnh ở nước ta rất chung chung, chuyển phần lớn nội dung cho các nghị định. Các nghị định cũng chỉ nêu nguyên tắc chung và giao cho các thông tư hướng dẫn chi tiết. Không ít thông tư đã “sáng tạo” thêm những điều kiện, thủ tục nhiêu khê, rườm rà chỉ phục vụ việc nâng cao quyền lực cho cơ quan quản lý.
 
Và chính sách thuế cũng vậy. Đơn cử Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT quy định cơ sở kinh doanh đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế, không quy định về điều kiện để được tự nguyện. Tuy nhiên, thông tư 219 năm 2013 của Bộ Tài chính quy định chỉ bốn trường hợp được tự nguyện thực hiện phương pháp khấu trừ thuế GTGT, từ đó có không ít DN phải “chạy marathon” để “xin” được áp dụng phương pháp khấu trừ thuế, làm phát sinh nhiều tiêu cực.
 
Tương tự, Luật thuế thu nhập cá nhân sửa đổi quy định trường hợp cá nhân có nhà duy nhất khi chuyển nhượng thì được miễn thuế thu nhập cá nhân, nhưng hiện nay mới chỉ được áp dụng trên giấy. Bởi việc người dân tự đi chứng minh nhà duy nhất là cực khó khi sự phối hợp giữa cơ quan thuế và tài nguyên - môi trường còn chưa tốt. Nhiều người có nhà duy nhất thật thì bị nghi ngờ. Trong khi đó, nhiều trường hợp có hai, ba nhà, đất lại lợi dụng chính sách này mà chung chia với cán bộ thuế để trục lợi tiền thuế.
 
* Theo ông, ngành thuế cần làm gì để rút ngắn thời gian làm thủ tục nộp thuế, thay vì DN phải mất đến 872 giờ mỗi năm như hiện nay?
 
- Công bằng mà nói, nếu so với thời gian lên tới 1.050 giờ vào năm 2006-2007, con số 872 giờ để thực hiện thủ tục về thuế hiện nay là đã có tiến bộ, nhưng vẫn cao hơn tới 4-5 lần so với các nước trong khu vực. Để giảm được giờ nộp thuế, ngành thuế cần phải có cuộc tổng rà soát để loại bỏ những quy định chỉ phục vụ công tác quản lý và gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Ngành thuế phải đếm được có bao nhiêu thủ tục mới cắt giảm được những quy định gây phiền nhiễu, khó khăn cho DN, người dân. Đặc biệt là phải ứng dụng thành tựu của công nghệ thông tin như kê khai thuế điện tử, nộp thuế qua ngân hàng... Điều này sẽ hạn chế được nhũng nhiễu khi cán bộ thuế không tiếp xúc trực tiếp với DN.
 
Ngoài ra, nhân tố quan trọng nhất là con người. Bởi mọi quy định chính sách tốt đẹp đến mấy cũng sẽ bị vô hiệu khi đội ngũ công chức thuế các cấp không công tâm, không lấy mục đích phục vụ nhân dân làm trọng. Đã đến lúc công chức thuế cần phải cải cách thái độ, tác phong, lề lối khi tiếp xúc với người nộp thuế. Tôi xin nhấn mạnh như vậy.
Theo Tuổi Trẻ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo