Hàng loạt dự án tại Hà Nội “dính” sai phạm về đất đai
Theo đó, qua thanh tra đã phát hiện loạt sai phạm, sai nguyên tắc trong nhiều trường hợp cụ thể đối với công tác lựa chọn chủ đầu tư dự án, giải quyết hồ sơ thủ tục giao đất, tài chính đất đai, cho thuê đất, tiến độ thực hiện dự án, quản lý sử dụng đất…gây thất thoát cho ngân sách hàng nghìn tỷ đồng.
Nhiều dự án sai phạm
Kết quả thanh tra thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho thấy, việc lựa chọn các chủ đầu tư các dự án trước khi quyết định giao đất trên địa bàn Thành phố không được các sở, ngành và UBND Hà Nội thực hiện theo đúng quy định của Thành phố và Chính phủ. Hầu hết các dự án đều được chỉ định thầu, trong khi Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, cơ quan được giao nhiệm vụ là cơ quan tham mưu, đầu mối tổng hợp nhưng đã không thực hiện nhiệm vụ trên.
Cùng với đó, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện, việc giải quyết hồ sơ, thủ tục giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất của các sở, ngành và UBND Thành phố, trong đó có khoảng 20% hồ sơ giải quyết chậm, gây lãng phí về thời gian, cơ hội đầu tư, thậm chí thiệt hại về kinh tế cho nhiều chủ đầu tư đã phải rót một lượng vốn lớn cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Đối với công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các quận, huyện đạt thấp, nhất là việc cấp giấy chứng nhận cho các tổ chức, đơn vị đạt 40,9% và chỉ bằng 25% số thửa đất cần cấp. Trong khi đó, tại dự án đầu tư xây dựng nhà ở tại Trung Văn, Từ Liêm do Công ty Vinaconex 2 xây dựng sai quy hoạch, vi phạm Luật Nhà ở nhưng vẫn được UBND huyện Từ Liêm cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cho 7 hộ đã mua nhà.
Kết quả thanh tra cho thấy, trong giai đoạn 2001-2010, Hà Nội đã phê duyệt 293 đồ án trên địa bàn Cầu Giấy, Long Biên, Hoàng Mai, Từ Liêm nhưng trong đó có hơn 100 đồ án phê duyệt chưa đầy đủ căn cứ và thiếu chỉ tiêu. |
Đáng chú ý, công tác quản lý sử dụng đất của các cơ quan chức năng Thành phố thiếu chặt chẽ đã để xảy ra các vi phạm. Cụ thể, tại Công ty TNHH Một thành viên Kinh doanh dịch vụ nhà Hà Nội, là chủ đầu tư 2 dự án, trong đó dự án khu nhà ở và công trình công cộng tại Cổ Nhuế chưa được UBND Thành phố cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, chưa đầu tư xây dựng xong hạ tầng, chưa kê khai nộp tiền sử dụng đất…nhưng đã ký hợp đồng mua bán nhà với khách hàng từ năm 2007.
Đối với dự án nhà ở để bán và hạ tầng kỹ thuật tại xã Trung Văn, Từ Liêm, chưa có quyết định thu hồi, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất nhưng vẫn được phê duyệt quy hoạch 1/500, nộp tiền sử dụng đất, xây nhà bán và kinh doanh.
Kết quả thanh tra cho thấy, trong giai đoạn 2001-2010, Hà Nội đã phê duyệt 293 đồ án trên địa bàn Cầu Giấy, Long Biên, Hoàng Mai, Từ Liêm nhưng trong đó có hơn 100 đồ án phê duyệt chưa đầy đủ căn cứ và thiếu chỉ tiêu như: không thể hiện dân số, diện tích, không rõ chức năng, mục đích sử dụng.
Qua kiểm tra, có 35 dự án dọc hai bên đường Láng - Hòa Lạc (nay là Đại lộ Thăng Long) thuộc địa bàn huyện Từ Liêm, Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất có ranh giới quy hoạch chồng lấn vào phạm vi 20m hành lang an toàn công trình đường bộ.
Cũng theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, tình trạng vi phạm quy hoạch, tăng số tầng, tăng mật độ xây dựng, sai thiết kế mẫu đã và đang diễn ra phổ biến ở nhiều khu vực như: khu đô thị mới Văn Quán, Văn Phú, khu nhà ở và dịch vụ thương mại Nàng Hương, khu đô thị mới xã Cổ Nhuế, khu nhà ở công cộng tại xã Cổ Nhuế, các dự án xây dựng nhà ở để bán tại xã Trung Văn, Đông Ngạc, Cầu Diễn, huyện Từ Liêm, khu đô thị mới Việt Hưng, khu đô thị mới Pháp Vân – Tứ Hiệp…
Thất thu lớn về tài chính
Tại nhiều dự án trên địa bàn 9 quận, huyện của Hà Nội, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện nhiều sai phạm trong việc tính tiền sử dụng đất chưa đúng với quy định của Bộ Tài chính với tổng số tiền lên đến hơn 5.345 tỷ đồng. Trong số này, các cơ quan chức năng thuộc UBND thành phố Hà Nội đã tính toán và phê duyệt tiền sử dụng đất, quyết định tạm thu, tạm nộp không đúng quy định tại 4 dự án thuộc tỉnh Hà Tây cũ với số tiền hơn 2.893 tỷ đồng.
Đối với việc thực hiện thu, nộp tiền sử dụng đất, Thanh tra Chính phủ phát hiện các chủ đầu tư một số dự án chưa thực hiện đúng quy định của Bộ Tài chính, dẫn đến số tiền còn tồn đọng cần xử lý thu hồi là hơn 2.234 tỷ đồng.
Thậm chí, tại thời điểm chưa sáp nhập Hà Nội - Hà Tây, các cơ quan liên ngành của Hà Tây cũ gồm sở Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Mội trường đã làm trái quy định khi trình và được UBND tỉnh Hà Tây duyệt phương án xác định tiền sử dụng đất, tạm thu, tạm nộp trước khi có quyết định giao đất và chưa giải phóng mặt bằng đối với các dự án khu đô thị, nhà ở như: dự án Khu du lịch sinh thái cao cấp An Khánh do Tập đoàn Đầu tư và Du lịch Bảo Sơn làm chủ đầu tư; khu đô thị mới Nam An Khánh do Sudico làm chủ đầu tư; khu đô thị mới tại lô đất N1 + N3 do Công ty C.E.O làm chủ đầu tư; khu đô thị mới Dương Nội của Tập đoàn Nam Cường…
Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị thu hồi nộp về ngân sách số tiền sử dụng đất còn tồn đọng lên tới 2.574 tỷ đồng; tiền phạt chậm nộp sử dụng đất lên 1.880 tỷ đồng; các khoản do kê khai, tính toán, phê duyệt tiền sử dụng đất, cho phép thu tiền hạ tầng chưa đúng quy định 5.345 tỷ đồng. |
Theo Thanh tra Chính phủ, tại thời điểm thanh tra, tổng cộng có khoảng 15 dự án thuộc diện phải xác định lại tiền sử dụng đất đợt 1.
Bên cạnh đó, kiểm tra hồ sơ việc xác định tiền sử dụng đất một số dự án do Sở Tài chính cung cấp, tổng giá trị về kinh tế đã phát hiện cần xử lý (theo đơn giá thấp nhất tạm tính) gồm: thu hồi về ngân sách nhà nước 4.067,949 tỷ đồng do việc xác định, tính toán không đúng đơn giá tiền sử dụng đất.
Đồng thời, cần xem xét, xử lý trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong việc quyết định tạm tính tiền sử dụng đất sai quy định, gây thất thu cho ngân sách nhà nước số tiền hơn 2.069 tỷ đồng và 1.988 m2 đất.
Trên cơ sở kết quả thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị thu hồi nộp về ngân sách số tiền sử dụng đất còn tồn đọng lên tới 2.574 tỷ đồng; tiền phạt chậm nộp sử dụng đất lên 1.880 tỷ đồng; các khoản do kê khai, tính toán, phê duyệt tiền sử dụng đất, cho phép thu tiền hạ tầng chưa đúng quy định 5.345 tỷ đồng. Tổng số tiền yêu cầu thu hồi lên tới trên 9.800 tỷ đồng.
Mới đây, trong công văn gửi Thanh tra Chính phủ, thay mặt Thủ tướng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý với những kết luận trên của cơ quan thanh tra.
Phó Thủ tướng giao UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo, thực hiện khắc phục và xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Riêng việc xử lý kinh tế (tiền sử dụng đất còn tồn đọng; tiền phạt chậm nộp tiền sử dụng đất; các khoản do thực hiện kê khai, tính toán, phê duyệt tiền sử dụng đất, cho phép thu tiền hạ tầng không đúng quy định), giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và thành phố Hà Nội kiểm tra, rà soát, tính toán cụ thể, có biện pháp thu hồi triệt để, báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện trong quý 1/2013.
Hồng Lĩnh (Theo VnEconomy)
End of content
Không có tin nào tiếp theo