Hàng nghìn nhân viên ngân hàng sẽ mất việc năm 2016
Từ đầu năm đến nay, các ngân hàng lớn tại Châu Âu và Mỹ đã cắt giảm gần 100.000 việc làm và có khả năng hàng nghìn nhân viên ngân hàng tại BNP Paribas và Barclays sẽ còn mất việc vào năm 2016. Rõ ràng, làn sóng cắt giảm nhân viên của ngành ngân hàng từ năm 2007 vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện.
Tờ Financial Times cho biết hơn 10% tổng số nhân viên của 11 ngân hàng lớn tại Châu Âu và Mỹ đã bị cắt giảm từ đầu năm 2015 đến nay. Gần đây, ngân hàng Rabobank của Hà Lan đã sa thải 9.000 nhân viên, trước đó, Morgan Stanley cũng tuyên bố cắt giảm 1.200 việc làm.
Một nguồn tin của Fianancial Times cho biết Barcalays và BNP Paribas sẽ công bố việc cắt giảm nhân viên cùng với chiến lược hạ 10-20% chi phí hoạt động trong thời gian tới.
Tại Barclays, nhiều khả năng kế hoạch cắt giảm nhân lực sẽ được công bố vào ngày 1/3/2016 khi CEO Jes Staley báo cáo kết quả kinh doanh hàng năm. Trong đó, Barclays nhiều khả năng sẽ thu hẹp hoạt động của mảng ngân hàng đầu tư với khoảng 20.000 nhân viên đang làm việc. Trước đó, Giám đốc Yann Gérardin của Paribas có thể sẽ công bố kế hoạch cắt giảm vào tháng 2/2016. Ngân hàng này đã tuyên bố đang xem xét sa thải hơn 1.000 nhân viên tại thị trường Bỉ.
Rõ ràng, ngành ngân hàng hiện đã nhận ra họ có quá nhiều nhân viên trong khi doanh thu lại không hoàn toàn lạc quan. Nguyên nhân chính của tình trạng này là ảnh hưởng hậu khủng hoảng 2008 vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt, lãi suất tại Châu Âu và Mỹ đang rất thấp, khiến hoạt động giao dịch và gửi tiền của khách hàng không cao.
Những lãnh đạo mới của Deutsche Bank, Credit Suisse và Barclays đang cố gắng có những thay đổi nhằm đem đến nhiều lợi nhuận hơn cho công ty trước yêu cầu của các nhà đầu tư và cắt giảm chi phí là một trong những thay đổi đó.
Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng năm 2016 sẽ là một năm không thực sự tốt với nghề ngân hàng. Do những quy định mới nhằm đối phó tình trạng khủng hoảng như năm 2008, các ngân hàng hiện phải gia tăng vốn chủ sở hữu khi cho vay. Điều này đồng nghĩa họ phải đạt lợi nhuận lớn hơn để giữ tỷ suất lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt mức yêu cầu của các cổ đông.
Chuyên gia phân tích Jon Peace của Nomura nhận định xu thế cắt giảm việc làm của ngành ngân hàng sẽ chưa dừng lại nếu ROE không thỏa mãn được những cổ đông.
Ngoài ra, những tiến bộ về công nghệ kỹ thuật cũng ảnh hưởng đến công việc ngành ngân hàng. Các ngân hàng bán lẻ sẽ có xu hướng giảm số chi nhánh và tăng cường các dịch vụ trực tuyến. Trong khi đó, những ngân hàng đầu tư cũng giảm số văn phòng để sử dụng các công nghệ trực tuyến.
Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia phân tích Mike Mayo của CLSA cho rằng dù các ngân hàng Mỹ sa thải nhân viên ít hơn so với Châu Âu nhưng công việc ngành ngân hàng vẫn đối mặt với nhiều rủi ro.
Những tiến bộ không ngừng của công nghệ khiến máy móc dần thay thế cho con người trên thị trường tài chính Mỹ. Hơn nữa, ngành ngân hàng Mỹ cũng đang chịu áp lực lớn với thập kỷ có tăng trưởng doanh số thấp nhất kể từ cuộc Đại suy thoái năm 1929.
Trong 5 năm đầu tiên sau cuộc khủng hoảng 2008, các ngân hàng và công ty bảo hiểm Mỹ đã cắt giảm gần 400.000 việc làm. Khoảng 30 ngân hàng lớn nhất của Châu Âu cũng đã sa thải hơn 80.000 nhân viên trong khoảng 2008-2014.
Cafebiz/Trí thức trẻ
End of content
Không có tin nào tiếp theo