Hàng trăm nghìn doanh nghiệp biến mất
Thông tin trên được ông Mai Xuân Hùng - Phó chủ tịch Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết bên lề lễ công bố báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2013 tổ chức ngày 8/4. “Điều này cho thấy số doanh nghiệp trụ lại thị trường ngày càng giảm đi”, vị này cho hay.
|
Quy mô doanh nghiệp Việt Nam quá nhỏ bé so với quốc tế. |
Chuyên gia kinh tế Trương Đình Tuyển - nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) đánh giá nguyên nhân khiến doanh nghiệp lâm vào cảnh bấp bênh là môi trường kinh tế vĩ mô biến động, trong khi doanh nghiệp Việt Nam lại rất nhạy cảm với các rủi ro. Ông cũng dẫn chứng, bình quân số doanh nghiệp hoạt động tăng thêm trong mỗi năm từ 2009 - 2012 chỉ bằng một phần mười so với giai đoạn 2005 - 2009, khi Việt Nam chưa chịu tác động lớn từ suy thoái toàn cầu.
Về quy mô, doanh nghiệp Việt Nam cũng bị đánh giá nhỏ bé so với thế giới. Bà Phạm Thị Thu Hằng - Phó Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định năm 2007, số doanh nghiệp siêu nhỏ đang có xu hướng tăng lên (từ 61% năm 2007 lên 67% năm 2012), trong khi số doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp lớn lại ngày càng giảm xuống. Đặc biệt, số doanh nghiệp lớn chỉ chiếm hơn 2% trong tổng số doanh nghiệp đang tồn tại.
“Nhiều doanh nghiệp hình thành nhưng đồng vốn nhỏ nhoi, doanh nghiệp lớn chỉ chiếm hơn 2% và không đủ sức để dẫn dắt được doanh nghiệp nhỏ”, đại diện Ủy ban Kinh tế bình luận thêm.
Bên cạnh nguyên nhân khách quan do môi trường kinh doanh khó khăn, ông Trương Đình Tuyển cho rằng doanh nghiệp Việt Nam đang chịu ảnh hưởng từ sự bất bình đẳng giữa các khu vực với nhau. Cụ thể, doanh nghiệp Nhà nước hiện mới chiếm 0,9% tổng số lượng, 12,8% lao động nhưng chiếm tới 26% về vốn, tạo ra 32% GDP. "Điều này cho thấy doanh nghiệp Nhà nước quá ghê gớm", vị chuyên gia này cho biết.
Ngoài ra, doanh nghiệp Nhà nước gặp thuận lợi hơn khu vực khác trong tiếp cận vốn, đất đai, thậm chí còn không phải nộp cổ tức hay lợi nhuận về cho Nhà nước, trong khi doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm với cổ đông. “Sự phát triển của khu vực này vô hình chung đã chèn lên khu vực kinh tế tư nhân”, ông Tuyển nói.
Báo cáo của VCCI cũng chỉ ra chính sách tiền lương của khu vực doanh nghiệp Nhà nước tốt hơn doanh nghiệp khác. “Các doanh nghiệp ngoài Nhà nước đa phần có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, do đó chế độ tiền lương không cao và đầy đủ như các doanh nghiệp Nhà nước. Việc trả lương các doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước, cũng như các khoản chi phí kinh doanh khác, thường được tính toán chặt chẽ, do vậy sẽ khó có mặt bằng thu nhập bình quân cao ở khu vực này”, báo cáo cho hay.
Tuy nhiên, do doanh thu giảm sút nên lần đầu tiên sau 10 năm, thu nhập của người lao động tại khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm trong năm 2012, từ mức 102,6 triệu đồng xuống còn 95,6 triệu đồng một năm. Dù giảm, song thu nhập của lao động doanh nghiệp Nhà nước vẫn gấp 1,7 lần khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước và 1,2 lần khu vực doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Nhằm giải quyết những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp và duy trì sự tăng trưởng bền vững, chuyên gia kinh tế Trương Đình Tuyển Nhà nước phải tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, xác định đúng vai trò của doanh nghiệp Nhà nước trong nền kinh tế thị trường. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ xứng đáng cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, chẳng hạn như thành lập quỹ bảo lãnh doanh nghiệp nhỏ và vừa và đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo