Phân tích

Hàng Việt trước vận hội và thách thức mang tên TPP

(DNVN) - Theo Bộ Tài chính, khoảng từ 78-95% số dòng thuế nhập khẩu hàng Việt Nam sẽ được các nước thành viên xóa bỏ ngay khi TPP có hiệu lực, như nông sản, thủy sản, dệt may, giầy dép, đồ gỗ, hàng điện, điện tử, cao su… Các mặt hàng còn lại sẽ có lộ trình xóa bỏ thuế trong vòng 5-10 năm, trừ một số mặt hàng nhạy cảm có lộ trình hơn 10 năm hoặc áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan (TRQ)...

Hơn 65% dòng thuế sẽ được xóa bỏ

Về phần mình, Việt Nam cam kết một biểu thuế chung cho tất cả các nước TPP, trong đó hơn 65% số dòng thuế sẽ được xoá bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực và gần 98% số dòng thuế sau 10 năm; Các mặt hàng còn lại có lộ trình hơn 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan (TRQ).

Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực đối với một số mặt hàng động vật sống, thức ăn gia súc, một số sản phẩm sữa, ngũ cốc, gạo, da và sản phẩm da, cao su và sản phẩm cao su, chất dẻo, dược phẩm, thuốc trừ sâu, hóa chất, khoáng sản, một số loại giấy, nguyên liệu dệt may, da giầy, vải bông các loại, sản phẩm dệt may, phân bón, nước hoa, mỹ phẩm, máy móc thiết bị, đồ nội thất, gỗ và sản phẩm gỗ, nhạc cụ, sản phẩm sắt thép, linh kiện điện tử…

Hàng Việt đứng trước nhiều thách thức mang tên TPP.

Những nhóm có lộ trình xóa bỏ thuế quan vào năm thứ 4: gồm bánh kẹo, chè và cà phê, ngô ngọt, đồng hồ, hàng gia dụng, máy khâu, máy phát điện, đồ trang sức, vật liệu xây dựng, sữa, máy móc thiết bị, nhựa và sản phẩm nhựa, sản phẩm điện tử… Nhóm có lộ trình xóa bỏ thuế vào năm thứ 6 gồm: dầu thực vật, chế phẩm rau quả, một số sản phẩm cao su..

Nhóm có lộ trình xóa bỏ thuế quan vào năm thứ 8 gồm: bộ phận linh kiện xe đạp - xe máy, một số linh kiện ô tô, bánh kẹo, chế phẩm thủy sản, dầu mỡ động thực vật, rau quả, sắt thép, xe đạp nguyên chiếc, một số loại xe chuyên dụng…Nhóm có lộ trình xóa bỏ thuế quan vào năm thứ 10-11 gồm: thịt các loại, bia rượu, đường, trứng, muối, xăng dầu, ô tô, sắt thép, một số loại linh kiện phụ tùng ô tô, phôi thép, săm lốp …

Việt Nam cũng cam kết xóa bỏ thuế xuất khẩu đối với phần lớn các mặt hàng hiện đang áp dụng thuế xuất khẩu theo lộ trình từ 5 - 15 năm sau khi Hiệp định có hiệu lực. Một số nhóm mặt hàng quan trọng được tiếp tục duy trì thuế xuất khẩu.

TPP khi có hiêu lực cũng sẽ thực hiện đơn giản hóa và hài hòa hóa thủ tục nhằm tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, như quy định về thủ tục đối với hàng chuyển phát nhanh, quy định về xác định trước, cơ chế chứng nhận xuất xứ, cơ chế giám sát đối với xuất xứ hàng hóa, cơ chế quản lý rủi ro đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, quy định cụ thể về thời gian thông quan hàng hóa.

Ngoài ra, Hiệp định TPP quy định cơ chế tự chứng nhận xuất xứ trong thủ tục kiểm tra và xác định xuất xứ cho hàng hóa xuất nhập khẩu. Theo đó, cơ chế này cho phép doanh nghiệp nhập khẩu tự khai báo xuất xứ cho hàng hóa của mình thay cho cách thức quản lý hiện tại là doanh nghiệp phải nộp cho cơ quan hải quan giấy chứng nhận xuất xứ do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp.

 

Đặc biệt, ngày 2/11, trong một bài phỏng vấn trên kênh Mir TV, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định các quốc gia trên khắp thế giới, bao gồm cả Nga và Trung Quốc, đều được chào đón tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nếu Trung Quốc và Nga nhất trí mở cửa hợp tác thì hai quốc gia này sẽ sớm trở thành một "mảnh ghép" của TPP. Việc Mỹ mời Trung Quốc tham gia TPP là sự tiếp nối logic vì về bản chất TPP là một cộng đồng mở, đồng thời khởi động một cuộc chơi mới với nhiều toan tính và kỳ vọng khác nhau giữa Mỹ với Trung Quốc, Nga và các bên có liên quan. Là những mảnh ghép tiếp theo với nhiều ứng cử viên tiềm tàng khác nữa, hành trình thương lượng, kết nạp và chính thức có sự tham gia của Trung Quốc và Nga sẽ không quá nhanh hay đi tắt; song cũng không cần quá kéo dài vì đã có kinh nghiệm và khuôn khổ chung của TPP sau kết thúc đàm phán hôm 5/10. TPP khi có Nga, Trung Quốc sẽ tăng thêm trọng lượng để định vị xu hướng phát triển mới của thế giới theo một tầm vóc thị trường tự do rộng lớn hơn, sẽ khiến hiệp định này hấp dẫn và gia tăng hiệu quả về kinh tế và thương mại…

Việt Nam đã ký FTA riêng với Nga – Belarut - Kazaxtan và tham gia FTA giữa ASEAN-10 với Trung Quốc. Sự tham gia của Trung Quốc và Nga vào TPP không gây khó về pháp lý và thể chế nào lớn cho Việt Nam, thậm chí còn giúp Việt Nam có lợi nhờ mở rộng quy mô thị trường xuất khẩu tiềm năng được cam kết tự do hóa với mức độ cao hơn và thêm lời giải cho bài toán “xuất sứ nội khối” đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu của mình, nhất là da giầy và dệt may…Đồng thời, ngành du lịch Việt Nam sẽ có cơ hội phát triển tốt và mở rộng thị trường hơn khi liên kết chặt chẽ theo các chuỗi sản phẩm du lịch quốc tế kết nối với Nga và Trung Quốc trong cùng khuôn khổ thể chế TPP.

Áp lực gia tăng đối với hàng Việt

Tuy nhiên, kỳ vọng thu lợi từ TPP về gia tăng xuất khẩu dệt may, da giầy, nông sản… của Việt Nam sẽ có thể bị “giảm nhiệt” trước áp lực cạnh tranh trực tiếp và nhiều lợi thế truyền thống của Trung Quốc. Những dòng FDI “đón đầu TPP” hoặc “mượn đường Việt Nam” từ Trung Quốc và Nga sang Việt Nam để tới các thành viên TPP khác cũng có thể thu hẹp vì không còn ý nghĩa khi Trung Quốc và Nga là thành viên chính thức của TPP. Lao động xuất khẩu của Việt Nam sang các nước TPP và Nga cũng có thể bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp trước làn sóng lao động khổng lồ từ Trung Quốc. Không bất ngờ và cũng không còn quá sớm để cân nhắc các kịch bản tái cơ cấu kinh tế Việt Nam trong bối cảnh TPP với sự tham gia của Trung Quốc và Nga trong một tương lai không quá xa…

Đối với các nhà kinh doanh nhạy bén và giầu kinh nghiệm nước ngoài, Việt Nam là một trong những thị trường bán lẻ đầy tiềm năng trong khu vực và trên thế giới, dân số trẻ và tăng nhanh cả về quy mô, cũng như thu nhập. Hơn nữa, chính trị và môi trường xã hội ổn định; môi trường kinh doanh ngày càng ngày càng được cải thiện tự do hóa và thuận lợi hơn. Từ ngày 11/1/2015, Việt Nam chính thức cho phép thành lập các công ty bán lẻ 100% vốn nước ngoài. Theo lộ trình, từ năm 2010, trong quan hệ thương mại hàng hóa Asean + 6 đã loại bỏ 99,4% số dòng thuế. Đến năm 2014, Việt Nam có tất cả 72% dòng thuế còn 0%, từ 1-1-2015 xấp xỉ 90% số dòng thuế còn 0% và đến năm 2018, ASEAN sẽ dỡ bỏ hoàn toàn rào cản về thuế. Những thỏa thuận FTA sẽ tăng tốc lộ trình giảm thuế giữa các thành viên…

 

Nắm bắt cơ hội mới, nhiều hệ thống chuỗi cửa hàng chuyên kinh doanh hàng Nhật, Thái, Hàn Quốc… đang và sẽ hiện diện ngày càng nhiều, cung cấp hầu hết các vật dụng hàng ngoại cho người tiêu dùng Việt, từ hộp đựng gia vị, thức ăn, thau rổ, thìa, đũa, nồi, chảo, vỉ giấy thấm dầu, khăn lau bếp, nước tẩy rửa bếp… mà Việt Nam có thể sản xuất được.

Đến nay, Thái Lan có trên 300 dự án đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký gần 6,5 tỉ USD, đứng thứ 10/101 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam và thứ 2 trong số các nước ASEAN đầu tư vào Việt Nam. Hàng Thái thu hút được sự quan tâm truyền thống của một bộ phận người tiêu dùng thành thị, nhờ phù hợp thị hiếu, giá thành chỉ nhỉnh hơn hàng Việt một chút, nhưng lại rẻ hơn rất nhiều các sản phẩm xuất xứ Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Đức...Mẫu mã lại phong phú và đa dạng và chất lượng đang tin cậy hơn nhiều hàng ngoại nhập khác, nhất là về bánh kẹo, hàng tiêu dùng. Hàng xuất xứ từ Thái Lan đứng thứ hai, chỉ sau hàng Trung Quốc. Sản phẩm may mặc, đồ dùng gia dụng do Thái Lan sản xuất đã có mặt tại gần 9.000 chợ trên cả nước. Hàng điện tử, điện lạnh đã chiếm đến 70% thị phần. Hoa quả Thái Lan chiếm tới 40% thị phần nội địa nước ta.

Như vậy, khi AEC và TPP có hiệu lực, thuế quan hạ thấp nhanh chóng, hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội mới tỏa ra các nước thành viên TPP; Đồng thời, hàng ngoại sẽ có nhiều cơ hội tràn vào Việt Nam, mang lại lợi ích cho tất cả các bên, nhất là tăng cơ hội lựa chọn cho người tiêu dùng mua được hàng tốt hơn, với giá rẻ hơn, góp phần tăng động lực cạnh tranh và tái cấu trúc mạnh mẽ ngành thương mại Việt Nam theo hướng văn minh, hiện đại; đồng thời, là minh chứng cho cam kết và thành công của Việt Nam trên hành trình đổi mới và hội nhập quốc tế.

Một cuộc sàng lọc khắc nghiệt đang khởi động trên thị trường bán lẻ, với ưu thế dần nghiêng về các doanh nghiệp lớn, có tiềm lực mạnh và dầy dạn bản lĩnh thương trường. Nhiều quan ngại trước làn sóng các đại gia nước ngoài lấn sân, hớt váng-thu lợi nhuận trong thương mại nội địa, chuyển tiền về nước và tăng tiêu thụ hàng ngoại qua kênh phân phối của mình. Thậm chí, trong triển vọng kém sáng sủa hơn, từ việc nắm và chi phối hệ thống thương mại, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ ngày càng chi phối các kênh tiêu thụ và sản xuất của Việt Nam tương lai, thu hẹp thị phần hàng Việt trên thị trường Việt; đồng thời, làm tăng cảnh người Việt bán hàng thuê cho người nước ngoài ngay trên đất mình…

Nhiều cơ hội và thách thức sẽ đặt ra với các doanh nghiệp và hàng Việt Nam, đòi hỏi tính chủ động, sự chuẩn bị kịch bản ứng phó, khả năng phản ứng linh hoạt thị trường và điều chỉnh chiến lược kinh doanh, thay đổi cách nghĩ, cách làm và cả về nhận diện thương hiệu, công nghệ kinh doanh theo hướng hiện đại, văn minh, chuyên nghiệp hơn; tổ chức hiệu quả các chuỗi phân phối và tập trung chuyên sâu một số nhóm hàng chủ lực, nhất là hàng Việt, phát huy lợi thế cạnh tranh của lĩnh vực, ngành nghề, địa phương, hạn chế tối đa nhập khẩu hàng hóa chất lượng kém, giá rẻ...; Doanh nghiệp Việt đang có ưu thế về số lượng và quy mô thị phần so với các các nhà bán lẻ đến từ các nước khác. Hơn nữa, dù còn hạn chế về vốn và kinh nghiệm, năng lực vượt các hàng rào kỹ thuật và còn khá lúng túng trong tự vệ thương mại và xử lý tranh chấp quốc tế…, nhưng tự tin bởi có lợi thế am hiểu về văn hóa bản địa và chi phí kinh doanh thấp hơn so với các doanh nghiệp nước ngoài, ngày càng chủ động thúc đẩy tái cơ cấu và hình thành các chuỗi liên kết mới, gia tăng sự thân thiện, chăm sóc khách hàng; nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh về hàng hóa, dịch vụ, phát triển các tiện ích, nâng cao trách nhiệm xã hội và không ngừng xây dựng, phát triển văn hóa kinh doanh, giữ vững lòng tin, vì quyền lợi và sự hài lòng của người tiêu dùng, dù trong nước hay nước ngoài, cả hiện tại và tương lai…

 

Nên đọc
TS. Nguyễn Trần Minh Trí (Viện KT&CTTG)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo