Hãy hỏi người dân
Điều phải nói sớm ra rằng cả việc lấp sông lẫn chặt cây đều được cơ quan quản lý nhà nước thông qua, xét duyệt, không phải hành vi mờ ám, dấm dúi gì. Chúng được thực hiện công khai, giữa ban ngày ban mặt… Vậy tại sao những việc làm tưởng như “danh chính ngôn thuận” mà lại gây bão dư luận, bị phản ứng, phản đối kịch liệt, không nhận được sự đồng thuận từ số đông quần chúng, từ cơ quan ngôn luận? Câu hỏi này thực ra không khó trả lời.
Khó có thể hình dung việc một con sông cực kỳ quan trọng, đóng vai trò thiết yếu với cuộc sống của hàng chục triệu người, với hệ sinh thái khu vực rộng lớn vùng Đông Nam bộ lại dễ dàng bị san lấp, hủy hoại trắng trợn như thế. Một người dân bình thường cũng hiểu sự cố tình làm thay đổi dòng sông kiểu đó sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường.
Dù chính quyền và các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai có lý giải, biện luận mấy đi chăng nữa việc cấp phép cho doanh nghiệp lấp sông, phá sông thì cũng không thể nào gột được trách nhiệm của họ trong vụ tàn sát thiên nhiên này. Hầu hết người dân khi được hỏi có biết gì, được hỏi hoặc được lấy ý kiến gì về chuyện lấp sông hay không, đều lắc đầu.
Tương tự, cách giải thích vòng vo, né tránh, đổ qua đổ lại của những người có trách nhiệm ở Hà Nội sau khi dư luận phản ứng dữ dội về dự án chặt 6.700 cây xanh trên các đường phố thủ đô cho thấy từ bản dự án sơ sài đến quá trình thực hiện đều “có vấn đề”. Không thể như một vị trong Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội nói rằng: “Cái gì cũng phải hỏi ý kiến dân hay sao?
Bây giờ chỉ có chuyện trồng cây mà cũng phải hỏi ý kiến dân. Động cái gì cũng hỏi thì bầu ra chính quyền làm gì?”. Chả nhẽ khẩu hiệu “Vì dân, do dân” lại chỉ để trang hoàng cho đẹp? Sao không nghĩ hàng mấy nghìn cây ấy chúng can hệ đến hàng triệu người, liên quan cả vật chất lẫn tinh thần của biết bao thế hệ. Chỉ một chữ ký mà có thể xóa lá phổi, màu xanh, kỷ niệm của hàng triệu dân Hà Nội được sao.
Dân chưa cần họ hỏi ý kiến, dân chỉ thắc mắc: Nếu cây cỗi, mục, gây nguy hiểm thì chặt, thay là hợp lý, nhưng sao lại chặt cả những cây còn tốt còn khỏe? Nếu chặt cây để giải phóng mặt bằng thì đành chịu, nhưng chặt rồi lại trồng cây mới trong khi cây cũ có thể tồn tại cả chục năm, trăm năm nữa, có rỗi hơi, phí phạm lắm chăng? Rất may là ông Chủ tịch Hà Nội đã biết lắng nghe dân, hiểu sự bực bội của dân mà chỉ đạo ngưng cuộc tàn sát cây này, không thì chả biết vụ việc sẽ đi đến đâu.
Trăm sự chỉ tại cái nhìn thiển cận, xa dân, không xuất phát từ quyền lợi nhân dân. Nếu biết bàn bạc với dân, có ý thức trách nhiệm với cả cộng đồng thì đâu đến nỗi.
End of content
Không có tin nào tiếp theo