Hệ lụy khi doanh nghiệp chịu nhiều chi phí logictics
Kết quả kiểm tra của Bộ tài chính mới đây cho thấy, có đến gần 70 loại phụ phí các loại, trong đó có nhiều loại phụ phí vô lý và do không bị kiểm soát cho nên các hãng tàu đã tận dụng để áp đặt các khoản phụ phí không tương xứng với chi phí thực tế mà họ phải gánh chịu. Thu của doanh nghiệp Việt Nam rất cao nhưng thực trả cho dịch vụ xếp dỡ cảng biển Việt Nam ở mức rất thấp, làm tăng chi phí logictics của doanh nghiệp Việt Nam.
Về vấn đề chi phí logictics, theo Đại biểu Nguyễn Phi Thường, xu hướng toàn cầu cho thấy các đơn vị sản xuất thuộc mọi lĩnh vực ngành nghề khi phát triển đến một mức nào đó họ sẽ thấy cần thiết phải sử dụng dịch vụ logistics từ những nhà cung cấp chuyên nghiệp để tập trung vào lực cho sản xuất kinh doanh cốt lõi. Điều này giúp các doanh nghiệp gia tăng hiệu quả hoạt động, tiết kiệm chi phí nhân lực. Quá trình vận tải, xếp dỡ, lưu kho, trung chuyển, phân phát nguyên vật liệu và hàng hóa trong quá trình cung ứng và tiêu thụ đòi hỏi tốn kém khoản chi phí khá lớn. Các chi phí này gọi là chi phí logistics.
Theo thống kê, chi phí logistics tại các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Singapore chiếm khoảng 10% GDP. Trong khi đó, tại Việt Nam chiếm khoảng 20%, tức là khoảng trên 20 tỷ USD.
Đại biểu Thường nhận xét, về sức hấp dẫn của thị trường dịch vụ Logistics tại Việt Nam thì con số này rất ấn tượng. Tuy nhiên, xét về mặt kinh tế thì con số này cho thấy hệ thống Logistics tại Việt Nam kém hiệu quả và ảnh hưởng trực tiếp đến thương mại hàng hóa, làm giảm năng lực cạnh tranh quốc gia, kết quả nghiên cứu về mối liên quan giữa chi phí vận tải và khả năng trao đổi thương mại cho thấy nếu chi phí vận tải tăng 10% thì khối lượng trao đổi thương mại sẽ bị giảm đi 20%.
Dù giá trị dịch vụ logictics ở nước ta lên đến trên 20 tỷ USD/năm, nhưng do sự yếu kém của các doanh nghiệp Việt Nam nên chiếc bánh khổng lồ này phần lớn rơi vào doanh nghiệp nước ngòai. Từ đó dẫn đến tình trạng logictics bùng nổ, nhưng phát triển dịch vụ này theo đúng tiêu chuẩn thì lại không đạt được.
Trước thực tế này, theo Đại biểu Nguyễn Phi Thường, để thúc đẩy ngành Logicstic Việt Nam phát triển, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế cần thiết phải có một hành lang pháp lý, một hệ thống chính sách đồng bộ đủ mạnh và một đầu mối chịu trách nhiệm triển khai.
Đại biểu này cũng đề nghị, cần có kế hoạch nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông vận tải phục vụ cho hoạt động Logicstic bao gồm hệ thống đường bộ, đường sông, đường biển, đường sắt, các nhà ga, hệ thống cảng biển, cảng sông, cảng hàng không, kho tàng bến bãi cũng như các trang thiết bị xếp, dỡ vận chuyển hàng hóa container.
Liên quan đến đề nghị này, đại biểu Thường đã nhắc đến vai trò quan trọng của hệ thống cảng biển. Theo ông, trong bối cảnh toàn cầu hóa về thương mại cảng biển được xem là mắt xích quan trọng không thể thiếu của chuỗi logicstic toàn cầu. Hiện nay, hành hóa ngoại thương Việt Nam có tới 90% được thông qua bằng đường biển và cảng biển chính là điểm triển khai quan trọng trong toàn hệ thống của chuỗi dịch vụ logicstic.
Tuy nhiên, hệ thống cảng biển của Việt Nam vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thậm chí còn chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu vận tải hàng hóa xuất, nhập khẩu trong nước. Do vậy, để giảm thiểu chi phí, rút ngắn thời gian vận chuyển, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, đại biểu Thường đã đưa ra kiến nghị đẩy nhanh lộ trình xây dựng các cảng nước sâu có khả năng tiếp nhận tàu container cỡ lớn hành trình trực tiếp đi Châu Âu, Châu Mỹ. Đồng thời, Việt Nam cần phải có hệ thống chính sách và hành lang pháp lý phù hợp, thu hút đầu tư nước ngòai vào lĩnh vực này.
End of content
Không có tin nào tiếp theo