Doanh nhân

Hiểm họa ô nhiễm nguồn nước từ sân Golf

Lượng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu cực lớn sử dụng để chăm sóc cỏ trong sân golf đang trở thành mối đe dọa đối với sự an toàn của những nguồn nước ngầm, nước mặt ở xung quanh các dự án sân golf

Ở Việt Nam hiện có khoảng 30 sân golf đang hoạt động. Phần lớn những sân golf này nằm gần các khu dân cư, vị trí đẹp và đặc biệt gần các nguồn nước như sông, hồ. Quy hoạch xây dựng sân golf như vậy sẽ ảnh hưởng không tốt tới nguồn nước ngầm, nước mặt ở ao, hồ, sông, suối cạnh các sân golf.

“Trên thế giới, sân golf được xây dựng ở những nơi xa khu dân cư, đất không canh tác được hoặc hiệu quả không cao. Còn ở VN đang có xu hướng làm sân golf ngay gần các con sông. Ở các vị trí nhạy cảm như vậy rất khó để xử lý được vấn đề về môi trường. Chất độc hại rất dễ chảy tràn ra sông, thẩm thấu xuống đất và người dân ở xung quanh đó sẽ lãnh đủ" - một chuyên gia môi trường bày tỏ bức xúc.

Theo Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ) - PGS-TS Lê Anh Tuấn cho biết, có nhiều nghiên cứu trên thế giới chỉ ra rằng, sân golf là hiểm họa đối với môi trường vì mỗi héc ta sân golf phải sử dụng trung bình một lượng hóa chất gấp 3 - 5 lần số hóa chất cho một khu đất canh tác nông nghiệp cùng diện tích. Ước tính, một sân golf "ngốn" 1,5 tấn hóa chất mỗi năm. Số hóa chất này theo nước tưới, nước mưa… hòa tan vào nước, đất ở các ao hồ, sông suối và thẩm thấu vào nước ngầm, trở thành nguồn ô nhiễm nước nghiêm trọng.

Theo tính toán của TS Nguyễn Bách Phúc (Chủ tịch Hội Tư vấn khoa học công nghệ và quản lý TP.HCM - HASCON) và TS sinh học Nguyễn Đăng Diệp (Phó giám đốc Trung tâm công nghệ sinh học nông nghiệp) cho biết, chỉ tiếng riêng sân golf Tân Sơn Nhất, mỗi năm đã dùng tới 189,468 tấn phân hóa học chăm sóc cỏ, 8,88 tấn hóa chất dùng để bảo vệ cỏ (chất sát trùng, thuốc trừ sâu…)

"Cỏ sân golf là một loại cỏ rất đặc trưng, giống như “tiểu thư” vậy. Nó chịu khô không được, dư nước cũng không xong mà sâu bọ lại rất thích ăn nên người ta phải tưới nước liên tục kèm với phân bón, thuốc trừ sâu. Lượng nước phải tưới liên tục và rất lớn. Cụ thể như một sân golf 18 lỗ ở Malaysia tiêu thụ 5.000 m3 nước mỗi ngày, lượng nước này đủ cho ít nhất 20.000 hộ gia đình sử dụng", TS Tuấn cho biết.

Nguy cơ ô nhiễm nguồn nước như vậy, nhưng các sân golf vẫn đang tiếp tục mọc lên ở gần những con sông, cửa biển mà không có sự can thiệp tích cực nào. Đầu năm nay, TP.Hà Nội có công văn xin ý kiến Bộ NN-PTNT về chủ trương làm sân golf ngoài đê sông Đuống. Sân golf này có diện tích dự kiến lên đến 291 ha, đi kèm một số hạng mục như bể bơi, khu tập gym, tennis, nhà điều hành... với tổng mức đầu tư 1.368 tỉ đồng. 

Ở khu vực miền Trung, dự án Khu biệt thự golf cao cấp Đảo Hồng Ngọc lấy trọn vẹn một đảo nổi trên sông Trà Khúc thuộc xã Tịnh An (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi). Dự án được UBND tỉnh Quảng Ngãi chấp thuận đầu tư tháng 3.2011 với tổng mức đầu tư khoảng 5.000 tỉ đồng, tổng diện tích quy hoạch khoảng 233,4 ha.

Sân golf sông Giá (Hải Phòng), đã đi vào hoạt động. Sân golf nằm ngay ngã ba sông, một mặt giáp sông Móc, một mặt giáp sông Giá. Đây là một sân golf 27 lỗ do Tập đoàn Hyundai của Hàn Quốc đầu tư.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo