Hiểm họa "Sâu vàng": Sâu phàm ăn từ Trung Quốc
Superworm (sâu gạo) là loài côn trùng ăn tạp, phàm ăn, chưa có tên trong danh sách vật nuôi và có nguy cơ gây hại đến nông nghiệp như ốc bươu vàng.
Ở đâu cũng mua được sâu Trung Quốc
Có thể nói, thú chơi sinh vật cảnh ở Hà Nội đang thịnh hành hơn bao giờ hết. Không chỉ ở riêng những khu vực trung tâm, thú chơi này còn lan đến những gia đình có điều kiện ở vùng ngoại ô. “Dịch vụ ăn theo” thú chơi chim, cá cảnh ra đời, nhằm thỏa mãn nhu cầu của người chơi.
Theo những người chơi sinh vật cảnh, các loại chim, cá cảnh hạng “xoàng xoàng” giá từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng thường chỉ được ăn thức ăn công nghiệp, còn các loại chim, cá cảnh quý hiếm, có giá hàng triệu đồng thì phải ăn đồ tươi sống. Như cá rồng hay chim họa mi có giá hàng chục triệu đồng mỗi con thì chuyện ăn uống của chúng là cả một vấn đề.
Không phải ngày nào cũng bắt được côn trùng để “phục vụ” nhu cầu ăn uống của chim, cá cảnh. Vậy là nghề nuôi sâu xuất hiện. Theo những người chơi sinh vật cảnh, riêng tiền mua côn trùng mỗi tháng lên đến 500.000 - 700.000 đồng, trong đó món khoái khẩu nhất chính là sâu tươi.
Theo một số người nuôi sinh vật cảnh, thường các cơ sở bán chim, cá cảnh kiêm luôn bán thức ăn và các dụng cụ khác. Ngay tại Hà Nội, dân chơi chim và cá cảnh có thể dễ dàng mua cho mình sâu tươi tại các địa điểm bán nhiều chim cảnh, cá cảnh như Hoàng Hoa Thám, Tăng Bạt Hổ…
Ông Nguyễn Văn Khương, một người chuyên chuyển sâu tươi cho các cửa hàng sinh vật cảnh cho biết: “Để có sâu bán cho dân chơi chim cảnh, cứ cách một tuần, tôi thường hay lên các cửa khẩu ở Lạng Sơn như Tân Thanh, Hữu Nghị để nhập hàng. Mỗi lần lấy chừng 10 khay sâu, mỗi khay 7kg. Một cân sâu gạo khoảng 10.000 đồng, khi về bán lại cho cơ sở sinh vật cảnh ở đây thì khoàng 15.000 đến 17.000 đồng/kg. Mỗi lần nhập về thế này tôi bán chừng bốn đến năm ngày là hết. Tất cả số sâu này đều có nguồn gốc từ Trung Quốc, còn họ nuôi hay bắt thế nào thì tôi không biết.”
Hiểm họa như ốc bươu vàng
Ông Nam, chủ một cửa hàng sinh vật cảnh ở đường Hoàng Hoa Thám cho biết: “Sâu gạo được chia ra thành rất nhiều loại, trong đó có 3 loại phổ biến là: sâu quy, sâu rồng và sâu gạo (gọi chung là sâu Tàu). Kích thước trung bình của chúng khoảng 2-4cm và rất phàm ăn, chúng xơi từ lá cây cho đến cám gạo, cám bắp, hoa quả, thịt các loại... Sâu được những người nuôi chim, nuôi cá rất ưa chuộng, một ngày tôi phải bán được hết 2 – 3 kg sâu.”
Ông Huỳnh Ngọc Thanh, một người chơi chim có kinh nghiệm ở Hà Nội cho biết: “Dân chơi chim, cá cảnh khi mua sâu về thường để dành cho chim, cá ăn dần, chứ không phải ngày nào cũng đi mua, bởi chúng có thể sống được cả tháng, không cho ăn vẫn sống thoải mái. Thường thì khi mua về, nếu cho chim ăn không hết thì cho vào tủ lạnh, khi đưa ra ngoài một lúc là chúng lại sống lại.”
Loại sâu được nuôi để phục vụ dân chơi chim, cá cảnh không còn lạ lẫm với một số người, thế nhưng chắc chắn một điều chúng thuộc nhóm sâu phàm ăn. Mặt khác, chúng đã quen với việc sống ở mật độ dày đặc, hàng trăm, hàng ngàn con, liên tục vận động tìm kiếm thức ăn.
Nếu chúng lọt ra ngoài, với bản tính phàm ăn đó sợ rằng đây sẽ là một mối lo mới cho ngành sản xuất nông nghiệp. Vì thế, việc nuôi và bán các loại sâu này cần phải có sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan chức năng.
Theo cán bộ Phòng Nông nghiệp Lâm Đồng, loại sâu mà các hộ dân ở các địa điểm bán sinh vật cảnh đang nuôi là sâu Super worm (tên khoa học gọi là Zaphobasmorio). Đây là loại côn trùng ăn tạp, phàm ăn, chu kỳ sinh trưởng nhanh, chưa có tên trong danh sách nuôi nông nghiệp và có nguy cơ gây hại đến sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái. Vì vậy việc vận chuyển, nhân nuôi, buôn bán, phóng thích là hành vi vi phạm pháp luật. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo