Góc nhìn

Hiến pháp mang tư tưởng đột pháp

Là một trong những người trực tiếp tham gia biên tập 3 bản hiến pháp, đặc biệt với Hiến pháp năm 2013, ông được giao trọng trách làm Trưởng ban biên tập, PGS-TS Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhận định, bản Hiến pháp mới đã đáp ứng được yêu cầu đặt ra với một xã hội dân chủ, tiến bộ.
PGS-TS Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội
 
Khi bắt tay vào sửa đổi Hiến pháp năm 1992, nhiều người mong muốn có sự thay đổi đột phá. Thực tế thế nào, thưa ông?
 
Ngay từ Lời nói đầu, từ “Nhân dân” được viết hoa và tất cả từ “Nhân dân” trong Hiến pháp đều được viết hoa cho thấy sự thay đổi đột phá. Trước đây, chỉ có từ “Đảng” và “Nhà nước” được viết hoa, nên không thể hiện được quan điểm chúng ta xây dựng một chế độ xã hội pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.
 
Từ “Nhân dân” được viết hoa không chỉ là hình thức, mà thể hiện quan điểm, ở xã hội Việt Nam, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân. Nhân dân làm chủ xã hội, chế độ xã hội lấy nhân dân, lấy con người làm trung tâm.
 
Chính vì vậy, lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, quyền con người đã được hiến định?
 
Hiến định quyền con người; xếp nội dung quy định quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân chỉ đứng sau nội dung quy định về chế độ chính trị là sự thay đổi đột phá.
 
Điều này không phải là hình thức, mà hàm chứa quan điểm, tất cả các quy định về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, bảo vệ tổ Tổ quốc… cũng nhằm phục vụ và bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
 
Tất cả công dân Việt Nam được thực hiện đầy đủ các quyền đã được hiến định. Các quyền này chỉ bị hạn chế trong trường hợp đặc biệt và thực sự cần thiết. Ví dụ, ở khu vực dịch bệnh, thiên tai, hỏa hoạn, hạn hán, hoặc phát hiện có bom mìn, cơ quan quản lý nhà nước có thể cấm người dân không được tự do đi lại, sinh sống, để bảo vệ tính mạng, tài sản của bản thân người dân muốn đi lại, cư trú ở khu vực này cũng như người dân ở khu vực khác.
 
Tuy nhiên, không phải chỗ nào muốn hạn chế quyền công dân, quyền con người cũng được, mà chỉ thực hiện khi cần thiết, vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng và phải được luật định.
 
Từ “luật định”, “theo quy định của pháp luật” được lặp lại nhiều lần trong Hiến pháp khiến nhiều người cho rằng, công dân không được tự do theo đúng nghĩa, mà chỉ được thực hiện quyền của mình khi được pháp luật cho phép?
 
Cách tiếp cận này không đúng, mà cần phải hiểu rằng, mọi người có quyền thực hiện đầy đủ quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Các văn bản pháp luật không được hạn chế bất cứ quyền con người, quyền công dân nào.
 
Đơn cử, Hiến pháp quy định, công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình, có nghĩa là người dân được thực hiện ngay những quyền này, mà không cần phải chờ Quốc hội xây dựng luật. Các luật quy định về báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình chỉ quy định trình tự, thủ tục, tạo điều kiện để công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận, báo chí, lập hội, biểu tình…, chứ không hạn chế những quyền này.
 
Sự thay đổi về nhận thức trong Hiến pháp năm 2013 là thành quả của gần 30 năm đổi mới. Nếu chưa nghiên cứu kỹ, nhiều người cho rằng, bản hiến pháp của chúng ta chưa theo kịp thời đại, nhưng khi đọc kỹ, nghiên cứu kỹ sẽ thấy, hiến pháp của chúng ta tiến bộ hơn so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, như quy định nghiêm cấm trục xuất công dân Việt Nam; mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; pháp luật có trách nhiệm bảo vệ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác…
 
Khi nghiên cứu kỹ, nhiều người chỉ ra rằng, có những điều Hiến pháp quy định chưa dễ hiểu, thưa ông?
 
Ủy ban Sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cũng nhận được phản hồi này và tôi đã phải trực tiếp giải trình trước Quốc hội.
 
Cụ thể, Điều 31 quy định: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật” được nhiều người cho là luẩn quẩn, khó hiểu hơn so với quy định tại Điều 72 của Hiến pháp năm 1992: “Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.
 
Điều 31 không hề luẩn quẩn, mà chính là cách tiếp cận mới và là sự thay đổi rất căn bản để bảo vệ quyền con người và giảm thiểu được án oan sai đã và đang gây bức xúc trong dư luận xã hội. Đơn cử, khi một vụ án xảy ra, với cách tiếp cận theo Hiếp pháp năm 1992, cơ quan bảo vệ pháp luật luôn giả định những người có liên quan có tội và đi điều tra, chứng minh họ phạm tội. Còn với cách tiếp cận “người bị buộc tội được coi là không có tội…”, cơ quan bảo vệ pháp luật phải giả định cả theo hướng ngược lại, tức là đi điều tra, chứng minh người có liên quan đến vụ án không vi phạm pháp luật.
 
Tôi muốn nhấn mạnh, tinh thần xây dựng Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân không phải là khẩu hiệu chung chung, mà là tư tưởng xuyên suốt của Hiến pháp năm 2013.
 
Điều này cũng được thể hiện ngay tại Điều 4 của Hiến pháp: “Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình”. Đây là quy định rất quan trọng thể hiện trách nhiệm của Đảng với nhân dân, trách nhiệm của Đảng trong việc thực thi quyền con người, quyền công dân trong thời kỳ mới.
Theo Đầu Tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo