Phân tích

Hiện trạng sử dụng và quản lý năng lượng của các doanh nghiệp chưa nhiều

( DNVN) - Đây là nhận định của ông Dương Trung Kiên, Trưởng khoa Quản lý năng lượng (Đại học Điện lực) tại buổi Hội thảo Kinh tế Năng lương và triển vọng, được tổ chức tại Hà Nội sáng 14/12.

Theo ông Kiên, tất cả các doanh nghiệp đều đã ban hành chính sách năng lượng tuy nhiên những chính sách đó vẫn chưa rõ ràng, chưa đến được người lao động và chưa có sức lan tỏa. Về cơ cấu tổ chức, mặc dù đã có các bộ phận quản lý năng lượng nhưng chưa đúng, chưa xác định được chức năng nhiệm vụ theo quy định. Về truyền thông thì hiện nay các đơn vị vẫn chưa tuyên truyền được, rất ít tổ chức các chương trình, khóa đào tạo nâng cao nhận thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả dẫn đến kết quả đạt được chưa cao.

Toàn cảnh buổi hội thảo. Ảnh: Thanh Văn

“Qua khảo sát về 8 doanh nghiệp thuộc các nhóm ngành về hiện trạng sử dụng và quản lý năng lượng của họ thì, chúng tôi thấy đang ở mức trung bình và cho thấy kết quả làm được của chúng ta trong giai đoạn vừa qua là chưa nhiều”. Ông Kiên cho biết thêm, để phát triển hơn thì các doanh nghiệp cần phải xây dựng các chính sách năng lượng rõ ràng, có mục tiêu cụ thể; thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo để nâng cao nhận thức; xây dựng cơ chế khuyến khích, thưởng phạt định kỳ thực hiện kiểm toán năng lượng.

Bên cạnh đó, sở công thương các tỉnh cần tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc để doanh nghiệp có ý thức thực hiện hơn; đẩy mạnh các hoạt động về đào tạo quản lý năng lượng để hỗ trợ các doanh nghiệp và xây dựng quỹ đầu tư về tiết kiệm năng lượng.

Phát biểu tại Hội thảo, PSG. TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, câu chuyện năng lượng ở Việt Nam vẫn là một chủ đề lớn. Cấu trúc phát triển của Việt Nam trong năm nay cho thấy những ngành khai thác tài nguyên, đặc biệt là những ngành như than, dầu khí đã có những thay đổi căn bản trong tương quan phát triển.

PSG. TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu tại buổi hội thảo. Ảnh: Thanh Văn

"Chúng ta đang chứng kiến sự thay đổi lớn trong cấu trúc kinh tế và đặc biệt là trong bản thân ngành năng lượng. Nhu cầu phát triển kinh tế, nhu cầu về năng lượng ngày càng tăng, đòi hỏi các chủ thể phát triển năng lượng cũng phải thay đổi tư duy về thể chế để phát triển. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng về năng lượng và tôi kỳ vọng cuộc hội thảo hôm nay sẽ mang lại những giá trị nhất định, hiệu quả". PGS. TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Ngoài ra, xu hướng phát triển mạnh trong năng lượng thế giới là phát triển năng lượng tái tạo; sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và áp dụng các công nghệ thân thiện với môi trường. Năng lượng tái tạo cung cấp khoảng 19,3% tổng tiêu thụ năng lượng toàn thế giới vào năm 2015. Năng lượng tái tạo có vai trò rất quan trọng và cần thiết phải phát triển nguồn năng lượng này.

 

Theo Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng nhu cầu năng lượng sơ cấp năm 2015 đạt khoảng 31,8%; khoảng 32,3% vào năm 2030 và đạt khoảng 44,0% vào năm 2050. Cũng theo Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam, phát triển năng lượng tái tạo góp phần giảm nhẹ phát thải nhà kính trong hoạt động năng lượng so với phương án phát triển bình thường: khoảng 5% vào năm 2020; khoảng 25% vào năm 2030 và khoảng 45% vào năm 2050.

Nên đọc
Thanh Văn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo