Doanh nhân

Hiện tượng doanh nhân biến mất ở Trung Quốc

Một đặc trưng trong chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình...

Việc hàng loạt doanh nhân, nhà tài chính có tiếng của Trung Quốc biến mất trong mấy tuần gần đây đã khiến dư luận ở nước này và thế giới chú ý. Mới đây nhất, vào hôm thứ Năm tạp chí Caixin đưa tin tập đoàn Fosun Group bất ngờ mất liên lạc với Chủ tịch là tỷ phú Guo Guangchang - người được mệnh danh là “Warren Buffett” của Trung Quốc. Sáng thứ Sáu, cổ phiếu của một công ty con của tập đoàn này là Fosun International niêm yết tại thị trường Hồng Kông phải ngừng giao dịch. Đồng thời, giá trái phiếu Fosun International cũng giảm mạnh chưa từng thấy.

Doanh nhân Trung Quốc biến mất bí ẩn

Đến cuối ngày thứ Sáu, Fosun cho biết ông Guo đang “hỗ trợ cơ quan chức năng” trong một cuộc điều tra. Theo dự kiến, cổ phiếu của Fosun sẽ được giao dịch trở lại tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông vào ngày 14/12.

Trước tỷ phú Guo, cách đây chưa đầy một tháng, hai sếp của công ty chứng khoán Citic Securities đột ngột mất tung tích. Tiếp đó, một công ty chứng khoán hàng đầu Trung Quốc khác là Guotai Junan Securities báo tin không thể liên lạc được Giám đốc điều hành Yim Fung.

Theo hãng tin Bloomberg, “mất liên lạc” là cụm từ thường được dùng ở Trung Quốc trong trường hợp cơ quan chức năng tạm giữ doanh nhân hoặc quan chức để thẩm vấn, hoặc để chính thức bắt giữ. Việc tạm giữ này thường diễn ra vào thời gian và ở địa điểm không được công bố.

Các vụ doanh nhân mất tích đã trở thành một đặc trưng trong chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Người bị tạm giữ có thể là mục tiêu điều tra, hoặc được cơ quan chức năng yêu cầu hỗ trợ công tác điều tra.

Trang Sohu.com ngày 11/12 nói rằng ông Guo - người giàu thứ 17 của Trung Quốc - đang hỗ trợ cuộc điều tra nhằm vào cựu Phó thị trưởng Thượng Hải Ai Baojun. Mục đích của cuộc điều tra không được công bố, nhưng Fosun nói trong thời gian này, vị Chủ tịch vẫn có thể tham gia vào việc ra quyết định trong “những vấn đề quan trọng” của công ty.

Theo Giáo sư Zhu Lijia thuộc Học viện Quản trị Trung Quốc, vấn đề chính trong các vụ doanh nhân biến mất ở Trung Quốc là sự không minh bạch. “Không ai thực sự biết điều gì đang diễn ra”, ông Zhu nói.

Một số quan chức và doanh nhân Trung Quốc ra hầu tòa đã lên tiếng về những gì họ đã phải trải qua trong quá trình bị giam giữ.

Bạc Hy Lai, cựu Bí thư Trùng Khánh lĩnh án chung thân vì tội nhận hối lộ, đã nói tại tòa rằng ông ta bị ép phải thú tội trong quá trình thẩm vấn. Khi ra tòa và năm 2014, tỷ phú Liu Han - người bị tử hình năm 2015 vì một loạt tội danh trong đó có tội giết người - nói đã bị các điều tra viên đánh đập và ép cung.

Năm 2013, Trung Quốc đã kết án tù 5 điều tra viên thuộc Ủy ban Thanh tra kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản (CCCI) sau vụ một doanh nhân bị chết trong thời gian tạm giam để tiến hành điều tra. Trong vụ này, một quan chức văn phòng công tố Triết Giang cũng lĩnh án tù. Trong một số trường hợp, người bị tạm giữ được thả một cách âm thầm, mà không chịu bất cứ cáo buộc nào.

Cách đây vài tháng, Lei Jie, cựu Chủ tịch công ty chứng khoán Founder Securities, đã được cảnh sát thả tự do sau khi mất tích vào tháng 1 - một nguồn tin thân cận cho biết hồi tháng 11. Nguồn tin nói ông Jie được thả sau khi đã hỗ trợ một cuộc điều tra.

Một nguồn tin khác tiết lộ hồi tháng 8 rằng bà Li Yifei, Chủ tịch quỹ đầu cơ Man Group tại Trung Quốc, đã bị tạm giữ để hỗ trợ một cuộc điều tra tìm nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán Trung Quốc lao dốc mạnh. Sau đó, bà Li nói với Bloomberg rằng bà vừa trở về sau “một loạt cuộc họp” và một kỳ nghỉ ngắn, phủ nhận thông tin nói bà bị cảnh sát tạm giữ.

Sau đợt chao đảo của thị trường chứng khoán Trung Quốc vào mùa hè vừa qua, chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình bắt đầu dồn trọng tâm vào ngành tài chính và các công ty liên quan. Một loạt quan chức cấp cao tại các công ty môi giới chứng khoán hàng đầu của nước này đã bị điều tra vì tình nghi giao dịch nội gián và thao túng giá cổ phiếu.

Một bài viết cách đây không lâu của Bloomberg nói rằng giới tài chính Trung Quốc đang trải qua những ngày “sống trong sợ hãi”.

“Sẽ phải mất một khoảng thời gian nhất định để cơ quan chức năng báo tin cho công ty hoặc gia đình của người bị tạm giữ. Trong khoảng thời gian đó, công ty chỉ có thể nói không liên lạc được với người bị tạm giữ. Đó là do cơ quan chức năng lo nếu thông báo sớm về việc tạm giữ, công ty và gia đình người bị tạm giữ có thể sẽ hủy chứng cứ hoặc tẩu tán tài sản bất hợp pháp”, Giáo sư Zhu Lijia thuộc Học viện Quản trị Trung Quốc lý giải về các vụ doanh nhân biến mất.

An Huy/VnEconomy

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo