Hiệp hội doanh nghiệp

Đổi mới nghề truyền thống: Chìa khóa bứt phá của doanh nghiệp Việt

DNVN - Công ty Hồ Giáp Việt có hơn 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp và nuôi trồng. Với những đổi mới trong việc nuôi và xây dựng nhà yến, công ty Hồ Giáp Việt đã mở rộng được thị trường nuôi yến tới những vùng nông thôn, cao nguyên, thay vì tập trung ở đô thị.

Nâng tầm vị thế sơn Việt / Khát vọng nâng tầm chất lượng thiết bị y tế "Made in Vietnam"

Công ty TNHH Hồ Giáp Việt được thành lập vào năm 2017 với các ngành nghề như sản xuất máy nông nghiệp và lâm nghiệp; Lắp đặt hệ thống cấp, thoát nước, lò sưởi và điều hoà không khí; Bán buôn nông, lâm sản nguyên liệu trừ gỗ, tre, nứa và động vật sống; Bán buôn máy móc, thiết bị và phụ tùng máy nông nghiệp khác… Nổi bật nhất, công ty đạt được nhiều thành công trong lĩnh vực kinh doanh sang nuôi và xây dựng nhà yến.

Công ty Hồ Giáp Việt chuyên kinh doanh yến sào và thiết bị nhà yến.

Công ty Hồ Giáp Việt chuyên kinh doanh yến sào và thiết bị nhà yến.

Hiện nay, nghề nuôi chim yến đang có tốc độ phát triển “chóng mặt” nhờ mang lại giá trị kinh tế cao. Tổ yến là loại thực phẩm có nhiều giá trị dinh dưỡng nhưng chim yến lại vô cùng khó tính bởi dẫn dụ chưa chắc đã đến ở, đến ở chưa chắc đã làm tổ, làm tổ rồi chưa chắc đã ở lại… Do chi phí đầu tư cao mà chưa chắc đã thành công nên đến nay nghề nuôi chim yến hầu như không dành cho những hộ nông dân có thu nhập thấp.

Công ty Hồ Giáp Việt và giám đốc Nguyễn Văn Anh đã đem tới giải pháp hiệu quả giúp giảm chi phí xây dựng là dùng vật liệu composite thay thế cho sàn đúc bê tông trong nhà nuôi yến. Thông thường, nhà nuôi chim yến sẽ có thiết kế ít nhất là 2 tầng, sàn thường được đổ bê tông. Ưu điểm của giải pháp xây dựng này là kiên cố, chắc chắn. Nếu đầu tư nuôi yến thất bại thì có thể chuyển sang làm nhà ở. Nhưng sàn bê tông có khuyết điểm “chí mạng” là dễ thấm nước khiến các thanh gỗ (nơi chim yến đậu để làm tổ) bị ẩm mốc dẫn tới chim yến bệnh, yếu hoặc dễ bỏ đi. Đây là nguyên nhân phổ biến khiến nhiều nhà yến bị "bỏ hoang", không thu hút yến tới làm tổ.

Mô hình nhà yến tiết kiệm chi phí của công ty Hồ Giáp Việt.

Mô hình nhà yến tiết kiệm chi phí của công ty Hồ Giáp Việt.

 

Ông Văn Anh chia sẻ: “Nếu thay thế sàn bê tông bằng vật liệu composite sẽ có các ưu điểm như: thời gian thi công nhanh hơn, giá thành rẻ, vật liệu không bị thấm nước. Cũng do đặc tính nhẹ của vật liệu nên có thể xây dựng theo kiểu lắp ghép từng phần được, tức là yến về nhiều tới đâu thì làm rộng ra tới đó. Tuy chi phí đầu tư ban đầu thấp hơn nhiều nhưng vật liệu này cũng có nhược điểm là không được chắc chắn. Vì vậy, với cách xây dựng này người dân chỉ có thể làm nhà chuyên để nuôi chim yến chứ không làm theo kiểu kết hợp bên dưới làm nhà ở, bên trên làm nhà nuôi chim yến như cách xây dựng sàn bằng bê tông được”.

Bên cạnh thay đổi vật liệu làm sàn, anh dùng vật liệu gỗ tự nhiên để ráp trần nơi chim yến cư trú và làm tổ. Để dẫn dụ được chim yến, công ty sử dụng dàn âm thanh chia làm nhiều loại phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau: loại tiếng ngoài dùng để hấp dẫn chim yến quy tụ lại; loại tiếng hút để thu hút chim chui vào nhà; loại tiếng ở trong để chim yến tưởng rằng nhà này đã có nhiều chim yến ở mà không bỏ đi… Sau quá trình tìm hiểu tại nhiều nơi, hiện tỷ lệ thành công trong quá trình xây nhà yến của ông Văn Anh khá cao, từ trên 70% trở lên.

Phương pháp thay đổi vật liệu trần đem lại hiệu quả tốt trong mô hình nuôi yến.

Phương pháp thay đổi vật liệu trần đem lại hiệu quả tốt trong mô hình nuôi yến.

 

Sau khi xây dựng cho gia đình thành công, ông Văn Anh đã thành lập công ty, nhận tư vấn, thi công nhà nuôi chim yến cho người dân. Đến nay, anh đã thi công nhà nuôi chim yến cho hơn 20 hộ, chủ yếu ở Đồng Nai và Gia Lai. Với giải pháp xây dựng nhà nuôi chim yến của ông Nguyễn Văn Anh, chi phí đầu tư ban đầu trung bình cho một nhà nuôi chim yến rộng khoảng 80-100m2 là 300 triệu đồng. Đây là số tiền vốn mà nhiều hộ nông dân có thể đáp ứng được, mở ra cơ hội kinh doanh yến cho nhiều gia đình Việt Nam.

Với giải pháp này, ông Nguyễn Văn Anh đã tham gia Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai năm 2019 và được lọt vào vòng chung kết. Bà Nguyễn Thị Hoàng, Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ cho biết: “Dự án của anh Văn Anh tuy không đoạt giải nhưng lại là dự án duy nhất nhận được khoản đầu tư trị giá 500 triệu đồng”.

Chia sẻ về định hướng kinh doanh của công ty,ông Văn Anh hào hứng tâm sự: “Tôi nghĩ những người đầu tư nhà nuôi chim yến trị giá hàng tỷ đồng cũng giống như những con thuyền lớn. Mà thuyền lớn thì phải đi ở sông rộng, tức là đối tác đầu tư cũng phải nhiều tiền. Còn giải pháp đầu tư của tôi lại giống như con thuyền nhỏ. Tôi không đi ra sông rộng mà sẽ luồn lách vào rạch sâu, là đến với những người nông dân có vốn đầu tư nhỏ. Đây là một thị trường xây dựng nhà nuôi chim yến tiềm năng. Bởi theo tôi, điều kiện ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, thậm chí là cao nguyên, hải đảo thì phù hợp để nuôi chim yến hơn vùng đô thị”.

Bên cạnh những thành công trong ngành nuôi yến và xây dựng nhà yến, công ty Hồ Giáp Việt cũng đã nhận được nhiều giải thưởng và chứng nhận trong các lĩnh vực kinh doanh khác. Năm 2015, sản phẩm Máy gieo hạt và bón phân của công ty Hồ Giáp Việt đã vinh dự nhận được giải thưởng “Sáng tạo trẻ” toàn quốc lần thứ VIII năm 2015. Sản phẩm này cũng đồng thời đạt giải nhất cuộc thi “Sáng tạo trong tầm tay trong lĩnh vực nông nghiệp” năm 2019.

 

Chứng nhận giải “Sáng tạo trẻ” toàn quốc lần thứ VIII năm 2015 được trao cho công ty Hồ Giáp Việt.

Chứng nhận giải “Sáng tạo trẻ” toàn quốc lần thứ VIII năm 2015 được trao cho công ty Hồ Giáp Việt.

Hiện ông Nguyễn Văn Anh, Giám đốc Công ty TNHH Hồ Giáp Việt đang là hội viên Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VST). Hiệp hội là sân chơi Khoa học - Công nghệ, nơi doanh nghiệp khoa học - công nghệ Việt hội tụ, thể hiện quyết tâm tạo dựng thị trường các sản phẩm khoa học công nghệ với hàm lượng chất xám của người Việt, cho người Việt và do người Việt làm chủ.


P.V
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo