Góc nhìn

Hồ Gươm đang phải đối mặt với nhiều thách thức

Hồ Gươm đang phải đối mặt với nhiều thách thức, cần điều chỉnh cho phù hợp với không gian. Rõ nhất là sự chuyển đổi phương thức giao thông từ xe đạp lên xe máy, và bây giờ thì tràn ngập ô tô. Các kiến trúc sư ví Hồ Gươm như một bùng binh giao thông lớn của những trục đường quan trọng. Nhiều công trình xung quanh hồ bị tách khỏi cảnh quan và không gian công cộng bởi giao thông.

Bảo tồn kiến trúc quanh Hồ Gươm

Kiến trúc sư  Nguyễn Xuân Anh, đại diện Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn, Bộ Xây dựng phát biểu tại Hội thảo bảo tồn và phát huy giá trị không gian kiến trúc văn hóa lịch sử Hồ Hoàn Kiếm (Hồ Gươm) diễn ra ngày 8/10, tại Hà Nội.

 
Những ý đồ sử dụng thấp kém trên nền một không gian đắt giá
 
Kiến trúc sư  Nguyễn Xuân Anh  cho rằng, Hà Nội đã thành một thành phố cực kỳ lớn. Điều này kéo theo nhiều hệ lụy mà hiện nay rõ nhất là thực trạng ô nhiễm môi trường đang xảy ra ngay tại chính trái tim thủ đô.
 
“Các công trình như Hàm Cá Mập, nhà hàng Thủy Tạ, Long Vân và nhiều nhà ống cao vút đều là biểu hiện của những ý đồ sử dụng thấp kém đang khai thác trên nền một không gian đắt giá. Các dấu tích lâu đời của các triều đại xưa xung quanh hồ cũng không còn nhiều. Mô hình nhiều cái đang tầm thường hoá”, Kiến trúc sư  Nguyễn Xuân Anh nhìn nhận.
 
Hãy nhìn Hồ Gươm không phải là một vật thể cố định. Đó là di sản sống nên không phải duy trì hiện tại, hay quay về quá khứ mà nên biến chuyển theo thời gian. 
 
Theo ông Xuân Anh, nên biến 3/4 khu vực Hồ Gươm trở thành không gian đi bộ. Nơi đây sẽ hội tụ những điểm thương mại cao cấp chứ không phải thuần túy rẻ tiền. Biến Hồ Gươm thành không gian đi bộ lý tưởng sẽ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và sẽ là cơ hội giao lưu lớn.
 
Tuy nhiên, để biến được thành phố đi bộ thì cần phải có thời gian, vì hiện nay phương tiện xe máy đang rất nhiều. Hơn nữa, nhất thiết phải cần sự hỗ trợ, khai thác tốt không gian đô thị xung quanh để tăng sức chịu tải của đô thị. 
 
Hãy để Hồ Gươm dân dã như nó vốn có
 
Nói về việc bảo tồn và phát huy giá trị các công trình di tích lịch sử xung quanh Hồ Gươm, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính cho rằng đó là điều trong tầm tay, không có gì phải băn khoăn cả. 
 
Khu vực Hồ Gươm chính là một thành phần đặc sắc, nổi trội của di sản phố phường Hà Nội. Đó là vết tích của đô thị mang trong mình sự chuyển tiếp từ làng sang phố, là nơi mà những nét cơ bản như tính tự nhiên, tính đa dạng, tính quán tính của một đô thị phát triển theo phương thức Á Đông.
 
Theo ông Kính, không nên có xu hướng đồng nhất hoá kiến trúc Hồ Gươm, cũng đừng cố gắng kéo chuẩn mực về độ sang trọng mà hãy để nó dân dã như vốn có. Hồ Gươm là một lòng chảo quý báu, không được chọc thủng lòng chảo này.
 
“Hà Nội sang trọng lên không phải ở tiền tài, kiến trúc đô thị mà sang lên từ những nét mộc mạc, không phải sang bằng của cải mà sang bằng văn hoá. Cho nên hãy đụng chạm đến Hồ Gươm một cách nhẹ nhàng, tinh tế”, ông Kính nêu quan điểm.
 
Đề cập đến cảnh quan kiến trúc Hồ Gươm, KTS Doãn Minh Khôi, Viện Quy hoạch và Kiến trúc đô thị cho rằng, các đô thị phương tây thường tạo nên điểm nhấn cho không gian trung tâm bằng những toà nhà cao tầng, hoặc những công trình kiến trúc cổ toạ lạc trên các quả đồi cao trong thành phố.
 
Còn ngược lại, Hà Nội tạo nên điểm nhấn cho khu vực trung tâm cũ bằng mặt hồ nước thanh tịnh của Hồ Gươm. Hồ Gươm không tạo nên một dòng chảy nhờ các con sông, nhưng lại tạo dòng chảy của cuộc sống đô thị bao quanh nó. 
 
Đó chính là đặc điểm hấp dẫn nhất của cảnh quan thiên nhiên bé nhỏ của Hà Nội, chứa đựng sức lôi cuốn đối với không chỉ cư dân thành phố mà cả khách nước ngoài. 
Như Trâm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo