Hộ kinh doanh vẫn được vay vốn ngân hàng
Trước thông tin các hộ kinh doanh cá thể không được vay vốn ngân hàng theo Thông tư số 39/2016/TT-NHNN, nhiều người tỏ ra lo lắng vì hoặc phải làm thủ tục thành lập doanh nghiệp phức tạp, rườm rà, hoặc phải vay vốn với tư cách cá nhân sẽ có lãi suất cao hơn. Mặc dù vậy, theo giải thích của NHNN, những quy định mới này chỉ mang tính thuật ngữ và hoàn toàn không xáo trộn hoạt động tín dụng đối với khách hàng là hộ kinh doanh cá thể.
Đại diện phía NHNN cho biết, theo quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2017), chủ thể tham gia quan hệ dân sự chỉ bao gồm pháp nhân, cá nhân và để phù hợp, Ngân hàng Nhà nước đã bổ sung quy định vào Thông tư 39 (có hiệu lực từ ngày 15/3/2017), các đối tượng được vay vốn tại tổ chức tín dụng chỉ là pháp nhân, cá nhân. Việc này chỉ thay đổi hình thức là tên gọi, còn bản chất thì vẫn cơ bản như cũ.
Do đó, đến ngày 15/3 khi thông tư 39 của NHNN có hiệu lực, về mặt thủ tục hầu như không có sự điều chỉnh và hoạt động tín dụng đối với khách hàng là hộ cá thể vẫn diễn ra bình thường, không có sự xáo trộn so với trước. Còn về lãi suất, đây là quan hệ kinh tế giữa bên vay và cho vay, mức lãi suất tùy vào các chương trình của ngân hàng và từng giai đoạn, nhu cầu thị trường, mức độ rủi ro hay giá trị khoản vay, không có sự phân biệt giữa doanh nghiệp hay là hộ cá thể.
Giải thích rõ hơn với báo chí, ông Đoàn Thái Sơn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, quy định về chủ thể tham gia quan hệ dân sự (bao gồm cả hợp đồng vay vốn) chỉ bao gồm cá nhân, pháp nhân đã được quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 (đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017). Quy định về khách hàng vay vốn tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN là thực hiện (phải bảo đảm phù hợp với Bộ Luật Dân sự 2015) quy định đã có hiệu lực của Bộ luật Dân sự 2015.
Quy định mới khắc phục việc TCTD tiếp tục ký hợp đồng cho vay với hộ kinh doanh và các tổ chức khác không có tư cách pháp nhân, điều này sẽ tiềm ẩn rủi ro cho TCTD cho vay vì có thể bị tuyên vô hiệu hợp đồng do bên vay không đủ tư cách chủ thể.
Hiện nay, nhiều người đang hiểu rằng khoảng hơn 5 triệu hộ kinh doanh nếu không chuyển đổi thành doanh nghiệp sẽ không thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng. Nếu muốn, các chủ hộ phải vay với tư cách cá nhân.
Hơn nữa, thực tế, ở góc độ hộ gia đình một số chủ hộ kinh doanh đang băn khoăn vì họ chưa muốn nâng cấp lên thành doanh nghiệp. Tâm lý của các hộ kinh doanh không thích lên doanh nghiệp không chỉ vì vướng bận thêm khâu sổ sách kế toán bài bản mà còn vì tập tục, thói quen kinh doanh truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, e ngại thủ tục hành chính, khác với lợi ích của việc tự khai thuế, không đóng thuế nếu chưa có lời và tự chịu trách nhiệm.
Đại diện NHNN cho biết, theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015, từ 1/1/2017, hộ kinh doanh không còn là chủ thể ký kết tất cả các loại hợp đồng (không chỉ riêng đối với hợp đồng tín dụng ngân hàng). Thông tư 39 đã có quy định, việc vay vốn ngân hàng sẽ phải thực hiện theo tư cách cá nhân. Thông tư 39 không có bất kỳ quy định nào buộc hộ kinh doanh phải thành lập doanh nghiệp để vay vốn.
Về việc các hồ sơ đang thực hiện vay vốn tại ngân hàng hiện nay theo quy định cũ, ông Đoàn Thái Sơn cho biết Điều 34 Thông tư 39 đã có quy định chuyển tiếp, cho phép tiếp tục thực hiện các hợp đồng đã ký trước ngày Thông tư có hiệu lực.
Đại diện Vụ Pháp chế NHNN cũng phủ nhận quan điểm cho rằng, nếu vay lại phải thay đổi rất nhiều hồ sơ, thủ tục, giấy tờ và đặc biệt phải vay với lãi suất cao hơn, có thể sẽ tính theo lãi suất cho vay tiêu dùng khiến chi phí sản xuất đội lên nếu đứng dưới vai trò cá nhân vay vốn.
Ông Đoàn Thái Sơn cho biết, theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 và Thông tư 39, trách nhiệm hoàn trả vốn vay là của cá nhân vay vốn, việc vay vốn của cá nhân không ràng buộc trách nhiệm của hộ kinh doanh.
“Lãi suất vay do TCTD quyết định tùy thuộc vào mục đích vay vốn (kinh doanh hay tiêu dùng), thời hạn vay, mức độ rủi ro, tính khả thi của phương án vay vốn, chi phí đầu vào của từng TCTD; thông thường không phụ thuộc vào tư cách vay vốn là hộ kinh doanh hay cá nhân”, đại diện Vụ Pháp chế khẳng định.
End of content
Không có tin nào tiếp theo