Phân tích

Hồ sơ Panama: Ranh giới mong manh giữa lách thuế và trốn thuế

(DNVN) - Liên quan đến việc 189 cá nhân và tổ chức người Việt có tên trong hồ sơ Panama, các chuyên gia cho rằng ranh giới giữa lách thuế và trốn thuế rất mong manh.

Tin tức trên báo Doanh nhân Sài Gòn, hôm 10/5 (giờ Việt Nam), cùng với việc công khai danh sách hơn 200.000 công ty vỏ bọc ở những “thiên đường thuế” (trong Hồ sơ Panama), Hiệp hội Các nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) cũng đã công bố kết quả cuộc điều tra Offshore Leaks. 

Danh sách Offshore Leaks tiết lộ thông tin của hơn 100.000 công ty có trụ sở tại các “thiên đường thuế” do người nước ngoài thành lập, trong đó có 189 cái tên có liên quan đến Việt Nam. Tuy nhiên, bản thân ICIJ cũng đã khẳng định: “Việc thành lập các công ty và quỹ tín thác offshore thường là hợp pháp”.

189 cá nhân và tổ chức người Việt có tên trong hồ sơ Panama. Ảnh Internet.

Offshore là từ chỉ pháp nhân được thành lập tại một nơi nhưng hoạt động kinh doanh ngoài lãnh thổ nơi đăng ký. Những công ty này không có giá trị thế chấp, bởi chỉ có hồ sơ xử lý thông tin nội bộ.

Một số quốc gia/vùng lãnh thổ được gọi là “thiên đường thuế” vì ở đó có chính sách ưu đãi về thuế, như giảm hoặc miễn hoàn toàn. Đây chính là “thiên đường” cho các công ty đa quốc gia khi họ có thể chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh của công ty ở quốc gia có mức nộp thuế cao sang đó để được hưởng mức thuế suất thấp hoặc được miễn hoàn toàn. 

Theo phân tích của ông Đỗ Thiên Anh Tuấn - Giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright: “Thay vì 100 đồng lợi nhuận kiếm được ở Việt Nam, doanh nghiệp sẽ phải nộp 20 đồng thuế; thì nếu 100 đồng đó phát sinh ở Panama thì họ chẳng phải nộp đồng thuế thu nhập nào, hoặc nếu có thì rất ít”. Đây là một cách lách thuế.  

TS. Quách Mạnh Hào - giảng viên ngành tài chính tại Đại học Lincoln (Anh quốc) cũng khẳng định: “Nếu lập ra các công ty vỏ bọc để đầu tư ra nước ngoài, đó là việc hết sức bình thường. Nếu các công ty vỏ bọc đó quay lại nắm giữ các tài sản trong nước, đó là việc không bình thường. Nhưng ngay cả trong tình huống này, nếu họ khai báo thuế và minh bạch giao dịch đầy đủ, thì nó cũng trở thành bình thường”.

Tuy nhiên, “lách thuế” (do doanh nghiệp tận dụng được các khe hở của pháp luật, lợi dụng sự lỏng lẻo trong quản lý và các tình huống mà pháp luật chưa dự liệu được trên thực tế) khác hẳn với “trốn thuế” - là hành vi vi phạm pháp luật.

 

Theo luật sư Nguyễn Duy Hùng (đoàn luật sư Hà Nội), nếu các tổ chức, cá nhân có tên trong Hồ sơ Panama lợi dụng chính sách thông thoáng của quốc gia, vùng lãnh thổ đó để tiến hành đầu tư mang tính hình thức, mở công ty nhưng không hoạt động, thuê công ty luật ở các vùng quốc gia, lãnh thổ đó quản lý, nhằm che đậy những hành vi rửa tiền, che giấu tài sản hay những giao dịch bất hợp pháp thì có thể bị điều tra, xem xét mức độ vi phạm để xử lý theo quy định.

Theo ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng Cục Thuế, Bộ Tài chính cho biết trên báo Vietnamnet, khi được hỏi về việc nếu doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, có hoạt động ở các "thiên đường thuế" thì sẽ có ảnh hưởng thế nào đến ngân sách Việt Nam, ông Phụng cho biết, một doanh nghiệp đăng ký hoạt động tại quốc gia "thiên đường thuế" và nếu họ chỉ hoạt động ở trong "thiên đường thuế" đó thì không ảnh hưởng.

Nhưng nếu như họ thành lập công ty ở đó trong khi có hoạt động đầu tư kinh doanh ở Việt Nam thì chúng ta sẽ phải xem xét thêm. Đó là việc họ chuyển tiền từ Việt Nam về "thiên đường thuế" đó đã được thực hiện nghĩa vụ thuế tại Việt Nam hay chưa. Muốn kết luận được thì phải có những xem xét cụ thể.

Ông Phụng cũng cho biết: "Mặc dù thời điểm hiện nay, dư luận đặt nhiều kỳ vọng đối với cơ quan quản lý trong việc làm rõ vấn đề, nhưng chúng tôi phải thực hiện hết sức chặt chẽ.

Cơ quan thuế trước tiên sẽ phải thu thập được thông tin doanh nghiệp từ danh sách đó rồi tìm hiểu sâu thêm và việc thu thập này cũng đã được chúng tôi triển khai ngay từ tháng 2. Sau đó, chúng tôi sẽ xem quốc tế công bố thông tin gì rồi từ đó đối chiếu với dữ liệu của chúng tôi xem các tổ chức, cá nhân này có liên quan gì với hồ sơ thuế của chúng tôi hay không.

 

Bước tiếp theo, chúng tôi phải làm việc với các cơ quan quản lý Nhà nước về đầu tư, với cơ quan phụ trách chuyển tiền như ngân hàng, thậm chí cơ quan phòng chống tham nhũng... rồi dựa trên cơ sở chia sẻ thông tin đó, mới có thể đưa ra được kết luận chính xác vấn đề."

Nên đọc
Dã Quỳ (T/H)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo