Học bình tĩnh trước thành công của người khác
Ngoài niềm vui thắng lợi, điều nữ đạo diễn này thấy đọng lại rất lâu là cảm giác ấm áp, chân tình khi những đạo diễn khác tuy không gặt hái thành công, nhưng đã ùa đến ôm lấy người đạo diễn Việt Nam để chúc mừng thật chân thành. Nhiều người còn nán lại để trò chuyện về dự án phim họ vẫn theo đuổi dù không tìm được kinh phí từ cuộc thi này.
Chị Hồng Lê nói, các bạn ở châu Âu, Hàn Quốc đã kể rất thoải mái về phim của họ với đồng nghiệp vừa đoạt giải, kể về khó khăn, về những vấn đề họ đang theo đuổi, đủ thấy mức độ chân thành rất cao, khiến tôi rất khâm phục văn hóa ứng xử của các đồng nghiệp trên thế giới.
Giữa người được giải và không được giải, dự án phim và niềm đam mê nghệ thuật của họ là bình đẳng, chẳng chút hoài nghi hay ganh tị và chia rẽ. Một văn hóa nền đủ để họ có thể bình tĩnh và chia sẻ trước thành công của người khác. Ấn tượng đó cũng xuất phát từ hiện tượng nhiều người sau một chặng đường thành công thường cảm thấy rất cô đơn.
Một phụ nữ thành đạt kể một câu chuyện mà chị bảo nếu nhân vật chính không phải là chị thì cũng thấy khó tin. Cùng một nhóm bạn lên đường du lịch phía Bắc, nhưng đích đến của chị là Hà Nội và buổi dự nhận giải thưởng cá nhân. Chuyến đi chỉ vui vẻ đúng đến buổi nhận giải. Nhận giải thưởng xong, chị cũng chỉ nhận được vài lời chúc mừng gượng gạo.
Hôm sau, không may chị bị cảm sốt, không ra khỏi phòng. Suốt ngày chị chờ nghe điện thoại xem các thành viên trong đoàn có ai quan tâm, thăm hỏi, hoặc mua thức ăn chăm sóc, nhưng tuyệt nhiên không thấy gì. Sáng hôm sau, chị xuống ăn sáng, gặp lại bạn bè thành viên trong đoàn, ai nấy lạnh nhạt, như không hề nhận ra chị đã vắng mặt một ngày trong chuyến đi.
Học cách bình tĩnh trước thành công của người khác
Câu chuyện đó không có gì lạ. Một diễn viên nổi tiếng sau khi nhận huy chương vàng cũng bị xem như người lạ trong đoàn làm phim cũ, bị bạn bè đồng nghiệp quay lưng và lấy đó làm bài học nhớ đời, coi như trả giá cho một lần lên đỉnh vinh quang.
Người thành công ngoài niềm vui còn như nhìn thấy tất cả những cay đắng, những hy sinh và cống hiến của mình, mong muốn chia sẻ nó với tập thể hoặc mong nó là thành tựu giúp ích cho cuộc sống. Thế nhưng người thành công khó có thể tìm được môi trường tốt để chia sẻ những kinh nghiệm, hoặc đơn giản chỉ để chia sẻ niềm vui!
Bỗng nhớ ngày xưa, ở làng tôi, một gia đình có đứa con học hành vinh hiển, họ tộc được vinh danh. Tôi nhớ mãi ông tộc trưởng đã cầm bàn tay bà mẹ có đứa con vừa lấy bằng phó tiến sĩ ở Liên Xô trở về, ông tộc trưởng nói: "Chúng tôi cám ơn bàn tay già nua, gân guốc của chị đã đưa một đứa trẻ bình thường của tộc họ chúng ta vào đời và học hành thành tài. Nhiệm vụ của tộc họ chúng ta là gìn giữ niềm tự hào này và động viên cháu ra giúp nước giúp làng".
Mộc mạc thế, nhưng gia đình có người con học thành đạt kia đã giữ nguyên niềm tin và niềm tự hào ấy, để trở thành một gia đình gương mẫu, được kính trọng của làng xóm, và trở lại giúp đỡ mọi người. Thành công rồi mà không có nền tảng trân trọng và chia sẻ, thành công trở thành bé nhỏ, ý nghĩa không được nhân rộng, giá trị của thành công trở thành chuyện cá nhân.
Ngày xưa ông bà có từ "ném bùn" ý nói làm vấy bẩn một giá trị. Ngày nay, với trào lưu của mạng xã hội, xuất hiện hẳn từ "ném gạch" tăng độ quyết liệt của gièm pha, phá đám ngày càng đáng ngại. Kèm theo tin hoa hậu đăng quang là tin scandal "tình - tiền - phẫu thuật thẩm mỹ”.
Mỗi một thành công của người Việt Nam khi ra quốc tế trở về sẽ phải hứng chịu cảnh "vạch lá tìm sâu" từ trong nước. Sống theo thói quen gièm pha không công nhận sự thành công của người khác là thái độ sống nguy hiểm cho nền tảng xã hội, phá hủy các giá trị, đặc biệt là giá trị về lao động và sáng tạo - hai yếu tố nền tảng của phát triển.
Thiên Thanh/Doanhnhansaigon
End of content
Không có tin nào tiếp theo