Học giả Ấn Độ: 'Trung Quốc dùng kế bên miệng hố chiến tranh'
|
Việc Trung Quốc đưa giàn khoan đến thềm lục địa Việt Nam và điều các tàu quân sự hộ tống hung hăng tấn công tàu Việt Nam được đánh giá là sự tái diễn chính sách "bên miệng hố chiến tranh". Ảnh: CNOOC |
Tiến sĩ Ấn Độ Subhash Kapila, một nhà cố vấn về quan hệ quốc tế và các vấn đề chiến lược của Nhóm Nghiên cứu Nam Á, cho rằng những động thái khiêu khích mới đây của Trung Quốc với Việt Nam trên Biển Đông nằm trong một chiến lược có toan tính. Chúng diễn ra ngay sau chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama đến châu Á - Thái Bình Dương nhằm tái khẳng định cam kết của Mỹ với hai đồng minh Nhật Bản và Philippines trước Trung Quốc. Điều này cho thấy rằng chính sách "bên miệng hố chiến tranh" của Bắc Kinh là có thể dự đoán được.
Ông Subhash Kapila nhắc lại cụ thể rằng sau khi đưa giàn khoan HD981 đến vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, Trung Quốc đã gia tăng sự hiện diện quân sự của mình ở đây bằng một đội tàu chiến và hàng chục tàu loại khác. Ngày 6/5, số lượng tàu chiến của Trung Quốc được cho là lên tới 53 chiếc. Các chiến đấu cơ MIG 29 của không quân Trung Quốc cũng bay lượn ở khu vực trên.
Việt Nam đã điều các tàu thi hành nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền ra ngăn cản các tàu và giàn khoan của Trung Quốc, đồng thời công khai với dư luận quốc tế những hình ảnh chi tiết về hành vi tấn công của Bắc Kinh. Tuy nhiên, "cuộc đối đầu Việt - Trung diễn trong ba ngày qua không có sự kiềm chế nào của Trung Quốc", ông Kapila nói. Bắc Kinh sau đó biện bạch đúng như dự đoán rằng đội tàu và giàn khoan của nước này "đang hoạt động trong vùng biển thuộc chủ quyền Trung Quốc".
Ông Kapila cho hay, truyền thông đã nhận thấy và bình luận rộng rãi về sự khôi phục chính sách "bên miệng hố chiến tranh" của Bắc Kinh trên Biển Đông, sau những căng thẳng vẫn đang âm ỉ lâu nay ở khu vực này.
Tiến sĩ Kapila cho rằng ý đồ của Trung Quốc có mối liên quan đến bối cảnh và những sự kiện trong khu vực và thế giới hiện nay. "Hội nghị cấp cao ASEAN sắp diễn ra tại Myanmar. Liệu có phải Trung Quốc muốn tiếp tục chia rẽ ASEAN khiến khối này trở nên vô ích trong xung đột Biển Đông?", ông nghi ngờ.
Ông cũng cho rằng Trung Quốc có thể đã chọn Việt Nam để làm mới chính sách bên miệng hố chiến tranh trong bối cảnh Mỹ đang phân tâm về vấn đề Ukraine nên sẽ không thể phản ứng gì với các hành động của Trung Quốc. Việc Trung Quốc lắp đặt giàn khoan trong vùng biển Việt Nam cũng có thể là sự đáp trả với thỏa thuận mở rộng thăm dò dầu khí giữa Việt Nam và Ấn Độ tại Biển Đông.
"Nhìn chung, động cơ thúc đẩy Trung Quốc lộ rõ chiến lược ở Biển Đông dường như là củng cố sự hiện diện quân sự trên toàn vùng biển để thực hiện yêu sách đường lưỡi bò thông qua từng bước chống lại Việt Nam", ông Kapila nói.
Học giả này nhận định bước gia tăng quân sự tiếp theo của Bắc Kinh có thể là tuyên bố một "vùng nhận dạng phòng không" (ADIZ) phía trên Biển Đông. Khi đó Mỹ trong tư cách siêu cường với những lợi ích đáng kể ở Biển Đông sẽ vào cuộc, ông nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo