Hội nhập AEC: Lãnh đạo doanh nghiệp Việt còn lúng túng
Theo nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, sở dĩ Việt Nam quyết định hội nhập kinh tế quốc tế là để mở rộng thị trường, tranh thủ vốn, công nghệ từ bên ngoài và cùng với đó là đổi mới tư duy về thế giới bên ngoài.
Tuy nhiên, ông Vũ Khoan nhận định, trong hội nhập Việt Nam sẽ gặp phải tình trạng các lãnh đạo doanh nghiệp chưa nắm sâu, còn lúng túng nhiều trong hành động do hệ thống pháp luật chồng chéo thiếu minh bạch. Đặc biệt, cơ sở hạ tầng còn yếu kém; chất lượng, hiệu quả xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước vẫn hạn chế.
Bên cạnh đó, dòng vốn FDI tăng cao nhưng tỷ trọng công nghệ cao chưa nhiều, kinh nghiệm điều hành nền kinh tế thị trường vốn còn hạn chế.
Mặc dù nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại về việc hội nhập sâu rộng của Việt Nam, nhưng TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tỏ ra khá lạc quan.
"Hội nhập tuy khó khăn nhiều, thách thức lớn nhưng tôi tin Việt Nam sẽ đi nhanh là kiểu gì cũng sống, cộng với tư tưởng lớn, sự chuyên nghiệp Việt Nam sẽ sống và đi nhanh hơn", ông Thành bày tỏ.
TS. Võ Trí Thành nhận định AEC sẽ bao gồm 4 trụ cột: Một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất; Một khu vực kinh tế cạnh tranh; Sự phát triển kinh tế công bằng; Hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Để nắm bắt và tận dụng cơ hội kinh doanh.
Tại hội thảo, các chuyên gia đều đánh giá khi tham gia AEC, Việt Nam, Indonesia và Thái Lan là 3 nước được hưởng lợi nhiều nhất. Trong đó Việt Nam có thế mạnh về kinh doanh hàng tiêu dùng, bất động sản, sản xuất và truyền thông.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn có những khó khăn do phụ thuộc vào các yếu tố sản xuất đầu vào. Ngành công nghiệp phụ trợ còn chưa phát triển. Đặc biệt, sự chồng chéo trong hệ thống pháp luật còn tồn tại sẽ là những rào cản để thu hút đầu tư nước ngoài.
Nói về những tác động đến các định chế tài chính như ngân hàng khi tham gia AEC, theo lộ trình đã cam kết đến năm 2015, Việt Nam phải mở cửa hơn trong ngành ngân hàng bảo hiểm và thị trường vốn với tỷ lệ sở hữu nước ngoài có thể lên đến 70% nhưng hiện nay, tỷ lệ này mới là 30%. Điều này buộc hệ thống ngân hàng cần chuẩn bị kỹ càng về cả nhân sự, các sản phẩm dịch vụ và cơ sở hạ tầng.
Năm 2015 là năm hội nhập sâu rộng của Việt Nam với hàng loạt các FTA đã, đang được kết thúc đàm phán và ký kết. Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã ký hai FTA với Hàn Quốc (ngày 5/5) và Liên minh kinh tế Á-Âu và dự kiến trong tháng 6 này sẽ ký FTA với Liên minh EU. Tại khu vực Đông Nam Á, theo lộ trình, Việt Nam sẽ cùng với các quốc gia ASEAN hình thành Cộng đồng kinh tế (AEC) ngày 31/12/2015. Đây là một bước ngoặt đánh dấu sự hội nhập toàn diện các nền kinh tế khu vực Đông Nam Á, tiến tới hình thành một cộng đồng chung, dựa trên 3 trụ cột là kinh tế - chính trị, an ninh – văn hóa, xã hội |
End of content
Không có tin nào tiếp theo