Việt Nam đã đặt một chân vào bên trong cánh cửa hội nhập sâu và rộng với kinh tế toàn cầu nhưng rất nhiều doanh nghiệp vẫn còn thờ ơ, chưa quan tâm và đầu tư đúng mức cho vận hội mới
Trong khi doanh nghiệp (DN) các nước đã sớm nhận ra những lợi thế của Việt Nam khi tham gia các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), nhất là Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và đã ồ ạt đầu tư vào nước ta để đón đầu cơ hội từ hội nhập của Việt Nam, thì nhiều DN trong nước lại đủng đỉnh đứng ngoài.
Còn thờ ơ trước vận hội lớn
Trong 8 FTA mà Việt Nam đang hoặc đã ký kết đàm phán, FTA với Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc và với Liên minh thuế quan gồm Nga, Belarus và Kazakhstan có khả năng kết thúc đàm phán và ký kết trong năm 2015. Ở phạm vi khu vực, việc thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) dự kiến cũng hình thành vào cuối năm nay.
Theo TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nguyên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), chỉ có trên 30% DN Việt Nam cho biết sẵn sàng hội nhập, gần 70% DN vẫn còn thiếu hiểu biết về AEC. Ông Thành cho rằng DN phải nhận thức về AEC một cách đầy đủ hơn, xem đây là một thị trường để nắm bắt cơ hội kết nối với các chuỗi sản xuất của khu vực và thế giới.
TS Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, cho rằng ngay cả DN hoạt động ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM cũng rất lơ mơ về hội nhập. Trong khi đó, DN mới là đối tượng chính tham gia hội nhập nên cần hiểu các tiêu chí hội nhập, phân công cụ thể thì mới có thể cạnh tranh ngang ngửa với DN các nước. Trong TPP, Việt Nam được xếp là quốc gia phát triển kém nhất, trong AEC thì nằm trong tốp quốc gia phát triển trung bình.
Theo ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM, nguyên tắc chung của bất kỳ cuộc chơi nào cũng là “biết người biết ta - trăm trận trăm thắng”. Bảy năm gia nhập WTO, đến nay, vẫn còn không ít DN không biết Việt Nam cam kết gì và được gì từ tổ chức này. Với các hiệp định đang đàm phán, phần lớn DN chỉ biết một cách chung chung, lờ mờ chứ không nắm được họ sẽ được lợi gì, thiệt gì từ các ký kết ấy.
“Lâu nay DN sản xuất, xuất khẩu theo đặt hàng từ đối tác nên không quan tâm đến hội nhập hoặc chỉ tìm hiểu qua loa vì cho rằng không ảnh hưởng đến việc làm ăn của mình. Những DN nhỏ thì chọn thị trường ngách trong nước nên cũng không quan tâm. Trong tương lai gần, DN, hàng hóa các nước tràn vào Việt Nam nhiều hơn, DN trong nước sẽ khó trở tay” - ông Hưng đánh giá.
Các cơ quan nhà nước, hiệp hội cũng chậm
Năm 2014 và đầu 2015, các nhà đầu tư lớn từ nước ngoài rầm rộ nhảy vào Việt Nam, thâu tóm một số thương hiệu lớn trong nước và sắp tới sẽ đẩy nhanh việc “bành trướng”. DN trong nước đứng trước nguy cơ không chỉ thua trên sân nhà mà còn thua ở việc tận dụng các cơ hội do hội nhập mang lại.
Theo các chuyên gia kinh tế, có ít nhất 3 việc DN cần phải làm gấp. Đó là tìm hiểu sâu hơn về pháp luật và các cam kết hội nhập, sự thay đổi của các chính sách trong nước để thích nghi; đẩy mạnh cạnh tranh bằng chất lượng thay vì chỉ tập trung vào cạnh tranh về giá; tăng cường kết nối vào chuỗi sản xuất toàn cầu.
Theo ông Phạm Ngọc Hưng, lẽ ra nhà nước phải ngồi lại với các hiệp hội để bàn bạc ngành nào sẽ bị tác động thế nào, ứng phó ra sao và có trung tâm thông tin về hội nhập để hỗ trợ DN. Chúng ta chưa làm được như vậy. Một số DN đã có chuẩn bị, đầu tư cho hội nhập nhưng bộ phận này chưa nhiều.
“Nước đã lên tới chân rồi, nhiều DN vẫn chưa có động tĩnh gì để đối phó. Không bao lâu nữa, nước lên đến cổ thì có muốn nhảy cũng không còn kịp! Hiện nhà nước đã có chủ trương hỗ trợ sản xuất, DN phải tự nhìn lại, đánh giá mình và vạch ra chiến lược kinh doanh phù hợp, mang tính cạnh tranh chứ nếu giẫm chân tại chỗ thì sẽ teo tóp dần ” - ông Phạm Ngọc Hưng khuyến cáo.
Nhiều doanh nghiệp sớm nắm bắt cơ hội
Trước cơ hội lớn chưa từng có với 8 FTA đã ký và 7 FTA sẽ ký trong vòng 5 năm tới, Việt Nam có tổng cộng 57 đối tác, trong đó có rất nhiều nền kinh tế hàng đầu thế giới, chiếm 95% GDP toàn cầu, 84% thương mại thế giới và 65% dân số. Xuất khẩu với thuế suất 0% sang 57 thị trường này sẽ là thuận lợi lớn. Phải làm gì trước vận hội đó? Hơn ai hết, DN phải trả lời câu hỏi này.
Nhìn thấy được cơ hội trước mắt, một số DN đầu ngành tại Việt Nam như Tôn Hoa Sen, Thép Việt, Nhựa Rạng Đông, Nhựa Duy Tân, May Sài Gòn 3… đã mạnh dạn tái cơ cấu, tăng đầu tư, nâng tầm thương hiệu tại thị trường nội địa và vươn ra xuất khẩu.
Công ty CP Phân bón Bình Điền cũng từng bước vươn ra thị trường khu vực. Ngoài thị trường Lào, Campuchia đã phát triển ổn định, Bình Điền đang tập trung phát triển thị trường Myanmar và sắp tới là Thái Lan. Ông Phan Văn Tâm, Giám đốc Marketing Công ty Bình Điền, cho biết công ty không xuất khẩu theo đơn đặt hàng của đối tác như một số DN mà chọn cách làm khác. Với một thị trường mới, Bình Điền nghiên cứu, thí nghiệm sản phẩm mới sao cho phù hợp. Do có đầu tư, nghiên cứu kỹ như vậy nên sản phẩm của Bình Điền được người tiêu dùng chấp nhận.
Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) cũng là tập đoàn nhanh chân đón đầu cơ hội. Khởi nghiệp từ chế biến gỗ, HAGL sớm chuyển hướng sang bất động sản và nông nghiệp, trong đó đầu tư mạnh vào nông nghiệp ở Lào và Campuchia với cao su, mía đường, cọ dầu, bắp và nuôi bò sữa, bò thịt. Hiện tập đoàn đã trồng hơn 44.500 ha cao su ở nước ngoài, hơn 12.300 ha cọ dầu, hơn 10.000 ha mía đường và 5.000 ha bắp, đến nay đã thu lợi lớn từ các loại nông sản này.
Mới đây, sau 7 tháng hợp tác với Vissan, HAGL đã ra mắt dòng sản phẩm mới: thịt bò tơ Úc tươi sống. Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn HAGL, cho biết HAGL đã hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực nhưng chưa có ngành nghề nào sử dụng công nghệ cao và thu lợi nhuận cao như nuôi bò.
“Vì vậy, chúng tôi sẽ dồn lực để phát triển các dự án chăn nuôi cả bò sữa lẫn bò thịt. Bò Úc được HAGL lựa chọn kỹ càng, nhập về Việt Nam nuôi tại các trang trại của tập đoàn ở Gia Lai, Lào, Campuchia. Trong năm nay, HAGL sẽ phát triển đàn bò thịt lên 100.000 con và tiến tới trong năm 2016 là 200.000 con. Chúng tôi đang xây dựng kế hoạch năm 2016 sẽ nhập con giống từ Úc về nuôi và cho sinh sản tại Việt Nam, đến năm 2017 sẽ có bò tơ Việt Nam giống Úc” - ông Đức khẳng định.
Phải tự lực để tự cường!
Theo ông Cao Sĩ Kiêm, DN Việt Nam có năng suất lao động thấp, trình độ công nghệ lạc hậu nên chi phí sản xuất và giá thành cao. Nếu thị trường chung với thuế suất 0% nội khối có hiệu lực thì nhiều DN sẽ gặp khó khăn trong việc cạnh tranh tiêu thụ hàng, rủi ro sẽ nhiều hơn. Lợi thế của chúng ta là thị trường tiêu thụ lớn, nguồn lao động dồi dào, dư địa thị trường còn nhiều. Song song đó, trong quá trình mở cửa, DN chịu khó học tập, tiếp thu khoa học tiên tiến, cách quản trị mới để áp dụng thì cũng mở ra cơ hội thành công hơn.
Nếu không tự mạnh lên, Việt Nam sẽ trở thành một thị trường gia công và là vùng trũng tiêu thụ. Thời điểm này so với 3-4 năm về trước, nền kinh tế đã bắt đầu tăng trưởng. Những DN còn tồn tại, trụ vững đến giờ này đã được sàng lọc, trui rèn qua thử thách khó khăn và có khả năng thích nghi cao.
Theo Người Lao Động