Phân tích

Hội nhập TPP, "nếu không tận dụng cơ hội chúng ta sẽ chỉ làm thuê trên đất của mình"

(DNVN) - Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và việc tham gia TPP đang tới gần, nếu không nhận biết định lượng cụ thể về các cơ hội và thách thách, không tận dụng được cơ hội để cải thiện sức khỏe bên trong của mình... thì chúng ta sẽ chỉ làm thuê trên mảnh đất của mình", đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng nhận định.

Điều hành kinh tế vĩ mô đang đi đúng hướng
Trong 2 ngày 2 – 3/11 vừa qua, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016. Tại phiên thảo luận, đa số ý kiến các đại biểu đã đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong điều hành kinh tế vĩ mô thời gian qua.

Dẫn chứng các con số minh chứng cho kinh tế vĩ mô đã tăng trưởng ổn định, GDP năm 2015 ước đạt trên 6,5% cao nhất trong 5 năm qua; chỉ số giá tiêu dùng giảm mạnh xuống còn khoảng 2%, thấp nhất trong vòng 15 năm qua. Theo ĐB Nguyễn Cao Sơn - Hòa Bình, năm 2015 tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, giá dầu thô giảm sâu, đồng nhân dân tệ đột ngột giảm giá, một số nền kinh tế lớn suy giảm tăng trưởng, đặc biệt tình hình căng thẳng ở Biển Đông đã tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Quốc hội thảo luận tình hình KT-XH. Ảnh: VGP.

Tuy nhiên, với sự lãnh đạo điều hành quyết liệt và hiệu quả của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, nền kinh tế nước ta đã vượt qua giai đoạn khó khăn và có bước phục hồi rõ nét. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, tăng trưởng GDP ước đạt 6,5% cao hơn kế hoạch đề ra, tín dụng tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước, thị trường ngoại hối mặt bằng lãi suất tương đối ổn định, tỷ giá được điều hành linh hoạt, nợ xấu giảm còn 2,9%.

Cũng theo vị đại biểu này, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan có bước tiến mới; tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng được đẩy mạnh và đạt kết quả tích cực.

Cùng chung nhận định trên, ĐB Nguyễn Ngọc Hòa - TP Hồ Chí Minh cho rằng, thời gian qua Việt Nam đã có những thành tựu theo nổi bật. Theo đó tình hình kinh tế bị tác động mạnh bởi những diễn biến bất ổn khó lường như kinh tế thế giới khôi phục chậm, giá dầu giảm ở mức thấp… tuy vậy, chúng ta đã có nhiều nỗ lực xoay sở với tình hình, với những giải pháp linh hoạt và phù hợp. Do đó vẫn bảo đảm được tăng trưởng kinh tế cao hơn năm vừa qua ở mức 6,5%, vừa bảo đảm thu ngân sách. 

ĐB Trần Ngọc Vinh - TP Hải Phòng cho rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát và đồng hành của Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt linh hoạt, kịp thời của Chính phủ, cùng với nỗ lực phấn đấu của toàn dân, toàn quân và cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế - xã hội của nước ta đã đạt được kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực.

“Cử tri cả nước ghi nhận và đánh giá cao Chính phủ đã thực hiện tốt việc quản lý giá, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Tăng trưởng kinh tế tiếp tục được duy trì và tăng cao ở những năm cuối, GDP năm 2015 ước đạt trên 6,5% cao nhất trong 5 năm qua. Chỉ số giá tiêu dùng năm 2015 giảm mạnh xuống còn khoảng 2%, thấp nhất trong vòng 15 năm qua. Đã hoàn thành và vượt 13/14 chỉ tiêu đề ra”, ĐB Trần Ngọc Vinh nhận định bằng các con số.

 

Theo ĐB, việc sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước đạt kết quả nhất định. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có chuyển biến tích cực, doanh nghiệp mới thành lập tăng lên so với cùng kỳ năm trước.

Đánh giá đây là năm cuối thực hiện kế hoạch 5 năm, ĐB Nguyễn Công Bình - Yên Bái cho rằng, kết quả nổi bật là tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý và phục hồi khá cao, lạm phát ở mức thấp, từ 11,7% năm 2010 còn 2% năm 2015, làm cho người dân an tâm hơn, niềm tin vào đồng tiền Việt Nam tăng lên. Đây là cơ sở để thực hiện tốt nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và tạo đà cho năm 2016 cũng như các năm tiếp theo.

Sức nóng từ TPP và AEC

 Cũng tại phiên thảo luận, dù đánh giá cao nỗ lực điều hành của Chính phủ, tuy nhiên các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế của nền kinh tế trên nhiều lĩnh vực, qua đó các đại biểu cho rằng, Chính Phủ cần nâng cao quản lý hơn nữa nhằm thực hiện thực sự có hiệu quả mục tiêu tổng quát của Nghị quyết Quốc hội là hoàn thành cơ bản cơ cấu lại nền kinh tế để phát triển nhanh và bền vững, hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội”.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa Đoàn - TP. Hồ Chí Minh cho rằng, Việt Nam cần xã hội hóa phân bổ các nguồn lực, để mọi thành phần và lực lượng trong xã hội tiếp cận được với các nguồn lực; có giải pháp phát triển doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân. Bên cạnh đó, vị đại biểu này cũng kiến nghị chúng ta cần có chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ Việc đầu tư xâydựnng doanh nghiệp và  tập đoàn kinh tế lớn. Phát huy mạnh mẽ trong thu hút và sử dụng Nguồn nhân lực, thu hút lực lượng này vào …

 

Cũng tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu lo ngại về việc thờ ờ của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân khi Việt Nam gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Theo ĐB Trần Khắc Tâm - Sóc Trăng, cơ hội đến từ Hiệp định TPP là rất nhiều mà chúng ta không tận dụng được cơ hội thì nền kinh tế chúng ta sẽ bị đánh chiếm bởi đội quan viễn chinh và cuối cùng chúng ta vẫn làm thuê trên đất nước mình.

“Sức nóng TPP đã tới gần, nếu không nhận biết định lượng cụ thể về các cơ hội và thách thách, không tận dụng được cơ hội để cải thiện sức khỏe bên trong của mình, thì nền kinh tế của chúng ta - nền kinh tế nhỏ nhất trong 12 nền kinh tế thành viên tham gia TPP hoàn toàn bị đánh chiếm bởi đội quân viễn chinh kinh tế hùng hậu của nước ngoài và cuối cùng chúng ta chỉ là người làm thuê trên mảnh đất của mình”, đại biểu Trần Khắc Tâm thẳng thắn nói.

Vị đại biểu tỉnh Sóc Trăng cũng nhận xét rằng việc đàm phán hàng loạt các hiệp định tự do (FTA) vẫn chỉ như là việc của riêng Chính phủ chứ không phải việc của doanh nghiệp, người dân và phần lớn bộ máy công chức.

“Thật bất ngờ, doanh nghiệp - đội quân được coi là tiên phong trong hội nhập, thì một điều tra gần đây cho thấy có đến 76% doanh nghiệp không biết gì về cộng đồng kinh tế ASEAN và 60% được hỏi cho rằng AEC không ảnh hưởng đến mình”, ông Tâm chia sẻ.

 

Đưa ra giải pháp để hội nhập thành công, vị đại biểu này cho rằng, giải pháp quan trọng và cấp bách nhất đối với Việt Nam hiện nay chính là đột phá vào con người. Chỉ có sự đồng lòng từ trên xuống dưới, sự cần cù của mỗi người dân, nhẫn nại và sáng tạo của mỗi doanh nghiệp, tận tụy của từng công chức thì chúng ta mới vượt qua được khó khăn trong giai đoạn hội nhập. Vị đại biểu bày tỏ hoàn toàn đồng tình với Chính phủ về việc đầu tiên cần làm ngay trong 2016 là phải loại bỏ bằng được những cán bộ, công chức nhũng nhiễu, yếu kém ra khỏi bộ máy nhà nước.

Cũng chia sẻ về sức nóng về việc tham gia hội nhập, đại biểu Nguyễn Cao Sơn - Hòa Bình cho biết, việc kết thúc đàm phán hiện định TPP là cơ hội cho Việt Nam tham gia sân chơi chung với các nền kinh tế lớn trên thế giới nhưng cũng là thách thức không nhỏ với các doanh nghiệp. 

Đưa ra giải pháp hội nhập, đại biểu kiến nghị Chính phủ tăng cường các biện pháp tuyên tuyền, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân tiếp cận đủ các thông tin về hiệp định. Đồng thời cần chuẩn bị các điều kiện, có cơ chế, chính sách phù hợp giúp các doanh nghiệp khi tham gia hội nhập phát triển bền vững; đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, cần hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng và hiện đại hóa quy trình sản xuất, xây dựng và phát triển thương hiệu hàng Việt Nam.

Đại biểu cũng đề nghị đẩy mạnh rà soát hệ thống chính trị pháp luật đảm bảo tính đồng bộ chặt chẽ tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước; xem xét loại bỏ những quy định không phù hợp trong quá trình hội nhập. Vẫn theo đại biểu, nhiều hiệp hội doanh nghiệp các tỉnh đề nghị Bộ Xây dựng xem xét điều chỉnh thông tư số 01 ban hành ngày 20/3/2015 và có hướng dẫn rõ ràng hơn... 

Tại phiên thảo luận, đa số các đại biểu đều nhất trí rằng, để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, các ĐBQH nhất trí với các nhóm giải pháp của Chính phủ nêu ra, đồng thời đề nghị cần hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp, nâng cao khả năng dự báo và phân cấp mạnh hơn cho địa phương; tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế tập trung tái cơ cấu trong nông nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt và chính sách tài khóa thắt chặt; huy động và bố trí hợp lý các nguồn lực về vốn ngân sách, vốn vay ODA cho đầu tư phát triển…

 

HOÀNG THIÊN
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo