Hơn 1 triệu Yen mục nát của chị ve chai xử lý thế nào?
Chiều 2/6, chị Huỳnh Thị Ánh Hồng đã được công an quận Tân Bình bàn giao số tiền 5 triệu yen mà chị đã nhặt được trong thùng loa khi đi mua ve chai cách đây 1 năm. Ngay sau đó, chị Hồng cùng luật sư Hà Hải (hỗ trợ pháp luật miễn phí cho chị Hồng trong vụ 5 triệu yen) đã đến Ngân hàng Hàng hải (Maritime Bank) để đề nghị hỗ trợ giao dịch.
Đến chiều muộn, chị Hồng chính thức rút được 5,24 triệu yen. Trong đó 4,08 triệu yen là đủ tiêu chuẩn giao dịch. Còn 1,16 triệu yen vì lý do mục rách nên không đủ tiêu chuẩn lưu thông.
"Tỷ phú ve chai" sau khi tham khảo ý kiến luật sư đã quyết định đổi 4 triệu yen ra VNĐ và nhận về số tiền hơn 700 triệu VNĐ. Còn 8 tờ tiền 10.000 yen, chị Hồng giữ lại làm kỷ niệm.
Chị Hồng trong ngày nhận được tiền tại nhà băng
Với số tiền 1,16 triệu yen, phương án giải quyết từ phía ngân hàng là liên hệ với một số ngân hàng trong nước để hỗ trợ đổi, đồng thời scan các mẫu tiền, gửi cho một ngân hàng đối tác tại Singapore chuyên thu đổi các loại tiền kém chất lượng. Tuy nhiên, phía Singapore cho biết với hiện trạng mục rách như số tiền trên, họ phải chuyển thẳng cho Ngân hàng trung ương của Nhật để giám định, ra quyết định thu đổi và đưa ra tỷ lệ thu đổi. Nếu số tiền này được ngân hàng nước ngoài chấp nhận đổi, mức phí thường rất thấp, khoảng 0,02%. Thời gian dự kiến cho quy trình thủ tục này khoảng 2 tháng.
Một vấn đề khác được nhiều người quan tâm là liệu chị Hồng có phải đóng thuế cho số tiền 5 triệu yen đã nhặt được hay không? Về vấn đề này, lãnh đạo Cục Thuế TP HCM thừa nhận đây là trường hợp chưa từng xảy ra và không thuộc đối tượng nào trong số 10 nhóm thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân theo luật hiện hành. Do vậy, cơ quan không biết căn cứ vào đâu để áp dụng thuế. "Chúng tôi đang chuyển vấn đề này lên Tổng cục Thuế nhờ tham mưu", đại diện này cho biết.
End of content
Không có tin nào tiếp theo