Doanh nhân

Huawei: Bí quyết trở thành hãng smartphone lớn thứ 3 thế giới

Tại Trung Quốc, Huawei là thương hiệu nội duy nhất có khả năng cạnh tranh với Samsung và Apple trong các dòng sản phẩm smartphone có giá trên 500 USD.

Hồi năm 2003, khi tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc lần đầu tiên tham dự Đại hội Di động Toàn cầu (Mobile World Congress – MWC) tại Barcelona, họ không kiếm nổi một chỗ trong khu triển lãm chính và buộc phải ra bờ biển dựng lều. Ông Vincent Peng - chủ tịch khu vực châu Âu của Huawei kể lại với Financial Times: "Bất kỳ người nào đi ngang qua cũng hỏi: "Huawei là ai?". Ai cũng thắc mắc là liệu chúng tôi có sản xuất nổi thiết bị hạ tầng viễn thông hay không, và Huawei có trụ lại được ở châu Âu không, hay chỉ tới đây để tìm hiểu thị trường thôi".

Tới năm 2016, gian trưng bày của Huawei đã chiếm tới phân nửa một khu nhà tại MWC, nơi họ trưng bày những sản phẩm viễn thông mới nhất cho các nhà mạng đang muốn áp dụng công nghệ 5G. Từ chỗ có chưa tới 200 nhân viên hồi năm 2003, giờ đây chỉ riêng ở châu Âu Huawei đã có 7 trung tâm nghiên cứu với 1.200 nhân sự. Trên toàn cầu, Huawei đang có hơn 170.000 nhân viên, với doanh thu gần 61 tỷ USD trong năm 2015.

Không chỉ thường trực trong danh sách 3 nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, Huawei còn đang nuôi tham vọng chiếm lĩnh luôn thị trường smartphone, với sự tăng trưởng có thể nói là thần kỳ trong vòng vài năm trở lại đây. Theo các số liệu mới nhất từ IDC, Huawei hiện đang chiếm 8,5% thị phần smartphone toàn cầu, với doanh số 28,3 triệu điện thoại được bán ra trong quý I/2016, tăng 64% so với cùng kỳ năm 2015. Trước đó, trong cả năm 2015, Huawei đã bán được 108 triệu điện thoại, tăng gần 70% so với 2014 và đóng góp 1/3 doanh thu của cả tập đoàn.

Điều đáng chú ý hơn nữa về quý I/2016 là trong khi doanh số của Apple lẫn Samsung đều giảm so với 1 năm trước (đặc biệt Apple giảm tới hơn 16%), thì Huawei lại có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Tại sân nhà Trung Quốc, Huawei đã trở thành số 1 thị trường trong cùng quý, và cũng là thương hiệu nội địa duy nhất có thể cạnh tranh với Samsung và Apple trong dòng sản phẩm có giá trên 500 USD.

Huawei: Bí quyết trở thành hãng smartphone lớn thứ 3 thế giới

Trong quý I/2016, Huawei đã đạt mức tăng trưởng 64% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhà nghiên cứu Anthony Scarsella của IDC bình luận: "Huawei đã chứng tỏ là họ có thể bán các thiết bị ngày càng cao cấp hơn. Tại Trung Quốc, Huawei đã được xem là thương hiệu cao cấp, và giờ đây họ đang đối đầu trực diện với các ông lớn về mặt chất lượng, thông qua những sản phẩm có mặt trên toàn cầu như Nexus 6P (sản phẩm hợp tác giữa Google và Huawei)".

Trong một cuộc phỏng vấn hồi đầu tháng 6 này với Wall Street Journal, trưởng bộ phận điện tử tiêu dùng của Huawei (Huawei CBG) là Richard Yu cho biết công ty đang nuôi tham vọng trở thành nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới trong vòng 4-5 năm tới, với hơn 20% thị phần. Xem ra, tham vọng này không phải là quá xa vời: không chỉ thành công ở các thị trường đang phát triển tại châu Á và châu Phi, Huawei giờ đây cũng đã trở thành thương hiệu smartphone lớn thứ 3 tại các thị trường “khó tính” ở châu Âu và Úc. Một giáo sư kiêm nhà ngoại giao kỳ cựu của Ba Lan là Bogdan Goralczyk chia sẻ: "Gần đây tôi có ra cửa hàng điện thoại và được khuyên là thay vì mua Samsung thì nên dùng Huawei sẽ tốt hơn. Càng ngày càng nhiều người nhận ra các sản phẩm này tốt hơn kỳ vọng rất nhiều".

Bí quyết thành công

Được hỏi về chiến lược thành công của Huawei, chủ tịch khu vực Nam Thái Bình Dương của hãng là ông Peter Tong đã dẫn lại câu nói của Lý Băng, vị quan thời nhà Tần có công xây dựng đập Đô Giang Yển vẫn còn được sử dụng sau hơn 2.000 năm: "Đào kênh sâu, dựng đê thấp". Theo ông Tong, "Chiến lược của Huawei là hướng về dài hạn… Chúng tôi tự xem mình là những tay đua marathon. Nếu muốn tăng trưởng trong ngành công nghiệp này, chuyện có nền tảng vững mạnh là rất quan trọng. Muốn có sản phẩm tốt, mọi chi tiết đều phải thật mạnh: thiết kế, giao diện, tốc độ, phần mềm…".

Trong khi nhiều thương hiệu điện thoại Trung Quốc khác chủ yếu dựa vào ưu thế giá rẻ, các chiến dịch marketing hào nhoáng hay kênh phân phối sáng tạo, Huawei lại chọn lựa sức mạnh chính là nền tảng công nghệ. Là một công ty hàng đầu thế giới về thiết bị viễn thông, Huawei có sẵn lợi thế rất lớn trong việc phát triển và ứng dụng công nghệ mới.

Huawei: Bí quyết trở thành hãng smartphone lớn thứ 3 thế giới

Phòng lab đặc biệt được Huawei sử dụng để kiểm tra độ vọng của loa smartphone.

Với 45% nhân sự làm việc trong mảng nghiên cứu và phát triển (R&D), Huawei có thể tự thiết kế và sản xuất những bộ chip CPU và GPU dành cho smartphone không thua kém của Qualcomm, Apple hay Samsung. Đây là điều mà rất ít hãng smartphone khác có thể làm được. Không phải ngẫu nhiên mà Huawei đã 3 năm liền đứng trong danh sách 50 công ty sáng tạo nhất toàn cầu của Fast Company. Nhờ đó, Huawei có thể bắt đầu tự tin tung ra những sản phẩm cao cấp để cạnh tranh toàn cầu, xóa bỏ dần hình ảnh cũ “điện thoại Trung Quốc rẻ tiền”.

Theo nghiên cứu của IHS hồi 2015, chi phí phần cứng và công lắp ráp cho smartphone P8 của Huawei cũng ngang ngửa với mức của iPhone 6S và Galaxy S6. Ông Jim Xu, Phó chủ tịch mảng điện tử tiêu dùng của Huawei, tiết lộ: "Huawei trả rất nhiều chi phí cho bản quyền sở hữu trí tuệ. Ví dụ, mỗi chipset của Qualcomm chúng tôi trả tới 5 USD. Không nhiều công ty ở Trung Quốc có thể làm được điều này". Cuối năm ngoái, sản phẩm Nexus 6P đến từ sự hợp tác giữa Huawei với Google đã được một số tạp chí công nghệ lớn như The Verge hay PC Advisor gọi là “smartphone Android tốt nhất thị trường”.

Gần đây nhất, với việc cho ra mắt sản phẩm điện thoại flagship mới nhất là P9, Huawei đang không hề che giấu tham vọng là đối đầu trực tiếp với iPhone 6S và Samsung Galaxy S7. Với mức giá thấp hơn 15-20%, P9 có thông số kỹ thuật hoàn toàn ngang ngửa 2 đối thủ lớn nhất, trong khi lại nhẹ hơn và mỏng hơn.

Huawei: Bí quyết trở thành hãng smartphone lớn thứ 3 thế giới

Cỗ máy đặc biệt chuyên dùng để kiểm tra độ bền cho cổng USB của P9.

Theo đánh giá của The Verge, P9 được thiết kế dễ dùng nhất trong các điện thoại Android hàng đầu hiện nay, và là “bước tiến lớn của một thương hiệu có khả năng cạnh tranh với những đối thủ đỉnh cao nhất”. GSM Arena thì đặt tựa cho bài đánh giá P9 rất ngắn gọn là “Ascension” (thăng hoa), và nhận xét rằng “cảm giác cầm P9 giống như một món đồ trang sức”, cũng như không hết lời khen ngợi chức năng nhận dạng vân tay cực nhanh, màn hình IPS thuộc hàng tốt nhất hiện nay, và pin dùng lâu.

Không dừng lại ở các tiến bộ kỹ thuật thông thường, P9 còn đánh dấu một bước ngoặt về mặt chiến lược của Huawei. Thông qua việc hợp tác với hãng Leica của Đức, vốn không chỉ là thương hiệu máy ảnh hàng đầu thế giới mà còn là một phần không thể thiếu của lịch sử nghệ thuật nhiếp ảnh, Huawei đã phát triển công nghệ camera kép đặc biệt cho P9. Với 1 camera màu và 1 camera trắng đen được ghi rõ cái tên Leica ở mặt sau, P9 có chức năng chụp ảnh khá nổi trội so với các đối thủ.

Huawei: Bí quyết trở thành hãng smartphone lớn thứ 3 thế giới

Bộ camera kép gắn nhãn Leica của P9 mang lại nhiều cải thiện về chất lượng ảnh.

Theo đánh giá từ Wall Street Journal, ảnh chụp bằng P9 có cân bằng trắng (white balance) và dải tần nhạy sáng (dynamic range) tốt hơn cả iPhone 6S và Galaxy S7. Ngoài ra, WSJ cũng nhận xét P9 có chức năng xóa mờ phông nền có thể so sánh với các máy ảnh chuyên dụng, và điều hay nhất là nhờ có camera kép lưu lại thêm thông tin nên ảnh có thể được thoải mái chỉnh lại điểm focus và độ mờ phông nền sau khi chụp. GSM Arena thì đánh giá P9 có khả năng chụp ảnh trong điều kiện thiếu sáng thuộc hàng tốt nhất hiện nay. Xem ra, việc hợp tác với Leica không chỉ mang lại giá trị thương hiệu cho Huawei như một số người đã đồn đoán, mà còn mang lại chất lượng thực sự đỉnh cao.

Kết hợp công nghệ chất lượng cao, đối tác có thương hiệu nổi tiếng và mức giá hợp lý, xem ra Huawei đã có một át chủ bài mới cực mạnh để trở thành một thương hiệu cao cấp toàn cầu. Chỉ 6 tuần sau khi ra mắt P9 và P9 Plus hồi hôm 6/4, Huawei đã bán được hơn 2,6 triệu điện thoại, tăng đáng kể so với thế hệ P8 trước đó. Tại Anh và Pháp, số lượng P9 bán ra đã cao gấp 10 lần P8 tính trong cùng kỳ.

Huawei: Bí quyết trở thành hãng smartphone lớn thứ 3 thế giới

Với mức giá thấp hơn đáng kể trong khi có tính năng và công nghệ tương đương iPhone 6S và Galaxy S7, liệu Huawei P9 có trở thành sản phẩm mở đường cho ngành công nghiệp smartphone Trung Quốc?

Theo đánh giá từ Strategy Analytics, Huawei "đã thành công trong việc đạt được 2 điều mà trước giờ nhiều thương hiệu Trung Quốc và cả Nhật Bản chưa làm được, đó là đạt mức doanh số hơn 100 triệu sản phẩm và xây dựng bản sắc thương hiệu bên ngoài thị trường sân nhà". Hãng tư vấn này cũng đánh giá “ánh hào quang từ thương hiệu Leica cùng thông điệp "thay đổi cách bạn nhìn thế giới" của Huawei sẽ giúp công ty này tiếp tục thăng tiến trên bảng xếp hạng thương hiệu dẫn đầu toàn cầu”.

Doanhnhansaigon/NCĐT

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo