Doanh nhân

IMF “khen” ổn định kinh tế vĩ mô Việt Nam

Phát biểu tại Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam ngày 5/12, đại diện thường trú của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Jonathan Dunn đã đưa ra nhiều khuyến nghị với Việt Nam về chính sách.

Điểm lại tình hình kinh tế thời gian qua, đại diện IMF cho rằng nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô bắt đầu từ 2011 của Việt Nam đã mang lại kết quả rất khả quan. Tuy nhiên, thâm hụt ngân sách vẫn còn lớn do thu ngân sách đã giảm đáng kể trong khi chi thường xuyên tăng lên. Với thâm hụt ngân sách lớn, nợ công và nợ do Chính phủ bảo lãnh đã tăng mạnh trong những năm gần đây.

IMF cũng cho rằng, việc cải cách cơ cấu còn khiêm tốn, giải quyết nợ xấu còn chậm, tiến độ cổ phần hóa các ngân hàng thương mại nhà nước và các doanh nghiệp nhà nước còn chậm.

IMF đánh giá cao mức ổn định của nền kinh tế Việt Nam

Điểm lại tình hình kinh tế thời gian qua, đại diện IMF cho rằng nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô bắt đầu từ 2011 của Việt Nam đã mang lại kết quả rất khả quan.


Cơ hội lý tưởng


Bình luận về các vấn đề chính sách, đại diện IMF nhấn mạnh, môi trường lạm phát thấp hiện tại là cơ hội lý tưởng để chuyển sang cơ chế sử dụng lạm phát làm neo danh nghĩa cho chính sách tiền tệ. Đồng thời, cho phép tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn để giúp nền kinh tế tránh được các cú sốc bên ngoài.

Nhìn chung, khuôn khổ này, theo IMF sẽ giúp tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô. Tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn cũng sẽ tạo điều kiện tăng dự trữ quốc tế và có thể hỗ trợ tăng trưởng thông qua việc tăng tính cạnh tranh hoặc tạo thuận lợi cho điều chỉnh kinh tế vĩ mô đối với các dòng vốn vào, nếu những dòng vốn này phát sinh trong bối cảnh TPP. Theo IMF, chính sách tiền tệ có thể vẫn được nới lỏng trong ngắn hạn vì lạm phát thấp, nhưng nên thiên theo hướng thắt chặt hơn nếu áp lực lạm phát xuất hiện.

Tăng trường tín dụng cao, nếu được duy trì có thể sẽ làm dấy lên những quan ngại về ổn định tài chính, do vậy nên được kiềm chế thông qua việc thắt chặt các chính sách an toàn vĩ mô, đại diện IMF khuyến nghị.

Gợi ý tiếp theo từ ông Jonathan Dunn là Việt Nam nên theo đuổi chính sách củng cố tài khóa theo hướng thúc đẩy tăng trưởng và duy trì chi ngân sách cho đầu tư và chi xã hội quan trọng.

Ưu tiên hàng đầu

Nhấn mạnh cải cách khu vực tài chính vẫn tiếp tục là ưu tiên hàng đầu, đại diện IMF đánh giá, một hệ thống ngân hàng lành mạnh và được quản lý tốt sẽ hỗ trợ tăng trưởng thông qua làm trung gian chuyển các nguồn lực tới các ngành hoạt động có hiệu quả nhất.

Tái cơ cấu ngân hàng dựa trên những đánh giá phân tích,củng cố khu vực ngân hàng và nhận diện các tổn thất do nợ xấu cũng như xử lý nợ xấu, tất cả những việc này cần phải được đẩy mạnh, IMF bình luận.

Đại diện IMF cũng cho rằng một thành phần quan trọng là cải cách pháp lý để tạo điều kiện chuyển nhượng tài sản thế chấp và hỗ trợ xử lý các ngân hàng không có khả năng tồn tại. Cần tăng cường nỗ lực cổ phần hóa các ngân hàng thương mại nhà nước và tái cấp vốn cho các ngân hàng với nguồn vốn từ các cổ đông mới hoặc hiện tại.

VAMC nên có các nguồn lực và nhận được những hỗ trợ pháp lý cần thiết để nhanh chóng xử lý các khoản nợ xấu và bán tài sản thế chấp. Nói rộng hơn, sự phát triển thị trường vốn và cơ chế định giá cho các khoản nợ doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ qua việc loại bỏ những giới hạn hiện tại đối với thị trường trái phiếu Chính phủ trong nước, đại diện IMF bình luận.

Nguyễn Lê/VnEconomy

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo