Doanh nhân

IMF và WB cam kết thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Tại Hội nghị Mùa Xuân 2016 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) ở Washington (Mỹ), giữa bối cảnh những lo ngại kéo dài về trạng sa sút của kinh tế toàn cầu, các Bộ trưởng Tài chính thế giới cam kết sẽ chung tay thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Hội nghị kêu gọi các nước triển khai cách tiếp cận theo 3 hướng gồm: chính sách tiền tệ, chi tiêu tài chính và cải cách cơ cấu, để thúc đẩy các hoạt động kinh tế toàn cầu.

Bên cạnh đó, một số thành viên mong muốn WB và IMF triển khai kế hoạch dự phòng với nguồn lực tài chính khẩn cấp lớn hơn trong trường hợp thế giới rơi vào tình trạng suy thoái. Tuy nhiên, lời kêu gọi đã không được nhiều nước hưởng ứng.

Trong bối cảnh ngày càng nhiều các quốc gia đang phát triển mong muốn IMF và WB giúp đối phó với tình trạng sụt giảm trên các thị trường hàng hóa và nguồn tín dụng ngày một siết chặt hơn, hội nghị lần này đã không có phản ứng rõ ràng trước lời kêu gọi thiết lập một kế hoạch hỗ trợ ở quy mô quốc tế nếu tăng trưởng bắt đầu chững lại.

Trước đó, IMF đã điều chỉnh hạ triển vọng tăng trưởng toàn cầu trong năm nay xuống 3,2%, đồng thời cảnh báo dòng người tị nạn, những biến động trên thị trường tài chính, xu hướng vỡ nợ doanh nghiệp và khả năng Vương quốc Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) là các mối đe dọa nghiêm trọng đối với nền kinh tế toàn cầu đang bấp bênh.

Câc tổ chức cam kết thúc đẩy kinh tế toàn cầu.

Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde. (Nguồn: Reuters)

Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde đã miêu tả tuần qua như là một quá trình để "chuyển từ trạng thái tiêu cực mà chúng ta đang phải đối mặt sang cách tiếp cận lạc quan để xác định các giải pháp".

Tại hội nghị này, đại diện các nước cũng bàn luận về vụ rò rỉ “Hồ sơ Panama” gây chấn động thế giới, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của "cuộc chiến" chống nạn trốn thuế và rửa tiền trong việc giúp các quốc gia củng cố tài chính và thúc đẩy tăng trưởng.

Các Bộ trưởng Tài chính đến từ năm nền kinh tế hàng đầu của châu Âu gồm Anh, Pháp, Đức, Italy và Tây Ban Nha đã đề xuất lập một danh sách đen các “thiên đường trốn thuế” nếu những nước này không chia sẻ các dữ liệu đăng ký doanh nghiệp và thông tin thuế.

Mục đích của yêu cầu này là nhằm xác định chủ thể thực sự đứng sau các công ty, các quỹ tín thác và các thực thể khác nhằm ngăn chặn việc trốn thuế, với các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cần hành động để chấm dứt việc giữ bí mật thông tin về các công ty "ma" giúp tiếp tay cho hành vi trốn thuế, rửa tiền và tham nhũng. 

Doanhnhansaigon

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo