Jack Ma: Hàng giả Trung Quốc còn tốt hơn hàng thật
Các thương hiệu toàn cầu từ lâu vẫn dựa vào các nhà máy ở Trung Quốc và các nước có chi phí sản xuất rẻ khác để tăng lợi nhuận. Nhưng lâu ngày, các nhà máy này trở nên khôn ngoan hơn và đã sử dụng mạng Internet, bao gồm các trang thương mại điện tử của Alibaba, để bán thẳng sản phẩm của mình đến tay người tiêu dùng - Jack Ma nói tại hội nghị nhà đầu tư Alibaba ngày 14/6.
Tuy vậy, ông cũng nói rằng Alibaba vẫn là hãng thương mại điện tử đi đầu thế giới trong việc chống hàng giả, hàng nhái.
“Không phải hàng giả làm hàng thật gặp kho khăn, mà là do những mô hình kinh doanh mới”, Jack Ma phát biểu ở Hàng Châu, Trung Quốc.
“Cũng những nhà máy đó, nguyên vật liệu đó, chỉ là không dùng thương hiệu hàng thật mà thôi”, ông nói.
Nhà sáng lập tập đoàn thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba - Jack Ma
Theo giới quan sát, nếu Alibaba không thể “quét” sạch hàng giả, hàng nhái trên các trang của mình, các công ty và người tiêu dùng nước ngoài có thể sẽ mất niềm tin với công ty thương mại điện tử này.
Trong khi đó, Jack Ma đặt mục tiêu hơn một nửa doanh thu của công ty đến từ thị trường nước ngoài trong vòng 1 thập niên tới. Sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc khiến vấn đề này càng trở nên cấp bách đối với Alibaba.
Trước đây, Alibaba là một thành viên của Liên minh Chống hàng giả Quốc tế (IACC). Tuy nhiên, tháng 5 vừa qua, tổ chức phi lợi nhuận này đã tạm dừng địa vị thành viên của Alibaba sau khi có những nghi vấn về xung đột lợi ích.
“Chúng tôi mong muốn được làm việc cho những công ty có thương hiệu”, Jack Ma nói, nhấn mạnh rằng Alibaba có khoảng 2.000 nhân viên chuyên làm nhiệm vụ xử lý hàng giả, hàng nhái. “Chúng tôi không thể giải quyết vấn đề 100% vì đây là cuộc chiến chống lại một đặc tính của con người. Nhưng chúng tôi có thể giải quyết vấn đề tốt hơn bất kỳ chính phủ, tổ chức hay cá nhân nào trên thế giới”.
Một số sản phẩm hàng giả, hàng nhái của Trung Quốc - Ảnh: Bloomberg.
Alibaba cho rằng mình xứng đáng tiếp tục là thành viên của IACC, vì công ty có dữ liệu, công nghệ, và mong muốn chống hàng giả, hàng nhái trên các chợ điện tử của mình. Theo số liệu mà ông Michael Evans, Chủ tịch Alibaba, đưa ra hồi tháng 5, trong năm 2015, công ty này đã hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật của Trung Quốc trong việc bắt giữ 300 người, phá hủy 4 cơ sở sản xuất hàng giả, và tịch thu số sản phẩm giả trị giá 125 triệu USD.
Alibaba dự báo sẽ tiếp cận với 423 người mua sắm trên mạng trên toàn thế giới trong năm nay, chủ yếu thông qua trang Tmall.com và trang Taobao Marketplace. Mục tiêu của Alibaba là tiếp cận 2 tỷ người tiêu dùng vào năm 2036 và tăng gấp đôi tổng giá trị hàng hóa lên mức nghìn tỷ Nhân dân tệ, tương đương 911 tỷ USD, vào tài khóa 2020.
Jack Ma nói rằng việc đạt mốc 2 tỷ người tiêu dùng đòi hỏi Alibaba phải thành công hơn tại thị trường nông thôn Trung Quốc, nơi có khoảng 700 triệu dân. Alibaba cũng tính chuyện mở rộng hoạt động ở Malaysia, Indonesia và Ấn Độ, nhưng Jack Ma cho rằng công ty dễ thành công hơn với thị trường nông thôn Trung Quốc, vì Alibaba hiểu rõ hơn về thị trường trong nước.
Tổng hợp theo VnEconomy
End of content
Không có tin nào tiếp theo