Doanh nhân

Kẻ khóc người cười trong cơn sốt giá vàng

Những người trót mua vội cả chục cây vàng đúng lúc "nóng sốt" giá 39-40 triệu đồng giờ chỉ biết tiếc ngẩn ngơ, trong khi các nhà buôn vàng có hai ngày sôi động bất ngờ và thu về khoản doanh thu đáng kể.

Trong ngày 6/7, thị trường đã chứng kiến nhiều người tìm đến các tiệm vàng để giao dịch, trong đó lượng khách mua vào chiếm đa số - điều hiếm thấy trong suốt mấy năm giao dịch trầm lắng vừa qua. Một khách hàng tên Mai hớn hở len khỏi đám đông, miệng cười tươi rói khoe với bạn rằng đang chờ ở trụ sở Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn mua vàng. Sau khoảng chục phút chờ đợi, cuối cùng chị đã mua được 10 lượng. Và đó cũng là lúc vàng miếng SJC đạt 40 triệu đồng - lập kỷ lục về giá kể từ tháng 6/2013.

Tuy nhiên, chị Mai không ngờ là mức đỉnh này chẳng giữ được bao lâu và nhanh chóng quay đầu giảm mạnh khoảng 2,8 triệu đồng trong ngày giao dịch 7/7, đưa giá bán ra của nhà vàng vào cuối ngày về sát 37,2 triệu đồng, còn mua vào là 36,7 triệu đồng. Điều này có nghĩa là chỉ trong vòng 24 tiếng, nếu chị Mai bán lại sẽ bị lỗ đến 3,3 triệu đồng một lượng, tức mất 33 triệu đồng cho 10 cây vàng.

Cơn sốt giá vàng

Những cơn sốt giá vàng thường mang lại "nỗi đau" cho không ít người khi muốn đầu tư lướt sóng trúng thời điểm giá đỉnh. 

Chạy theo cơn lốc vàng trong ngày 6/7 có lẽ không chỉ chị Mai mà còn nhiều nhà đầu tư vàng "nghiệp dư" khác đã bung tiền mua ngay lúc giá ở mức đỉnh 40 triệu đồng để rồi giờ đây phải cay đắng do giá giảm quá nhanh.

Chị Hương Giang, quận 6, TP HCM tính toán, 4 cây vàng mà chị mua tại thời điểm lúc 15h hôm 6/7 (giá khoảng 39,5 triệu đồng) thì giờ đã lỗ tới hơn 11 triệu đồng. "Với người giàu, số tiền kia chẳng thấm vào đâu nhưng vợ chồng tôi công chức sống nhờ vào lương, làm gì ra chừng ấy tiền trong một ngày", chị than thở.

Tại Hà Nội, tầm 10h sáng ngày 7/7, người phụ nữ tầm 50 tuổi đeo khẩu trang kín bưng đứng lấp ló trước cửa hàng vàng của Bảo Tín Minh Châu trên phố Trần Nhân Tông, Hà Nội. Bà tần ngần nửa muốn bước vào, nửa không nên cứ hỏi nhân viên bảo vệ giá vàng bây giờ bao nhiêu. Bà kể, hôm qua cháu trai vừa mua 12 cây  đúng lúc giá gần 40 triệu nên giờ nghe tin giá giảm xuống còn hơn 36 triệu đồng (giá mua vào) mà tiếc ngẩn ngơ. "Hôm qua thấy nó mua, tôi còn định sáng nay cũng ra mua một chỉ tích trữ mà đến đây lại thấy mọi người đi bán nhiều hơn nên cũng hoảng", bà thành thật nói.

Trong khi đó, những người mua vàng thời điểm trước đây ở mức thấp nhưng chưa kịp bán ngay lúc vàng ở mức cao cũng không giấu vẻ tiếc nuối. Bên trong cửa hàng Bảo Tín Minh Châu là một dãy dài xếp từ cửa ra vào kéo lên trên tầng 2 - khu vực giao dịch vàng miếng. Sau 10h, khi nhân viên ở đây thông báo chỉ ưu tiên ai mua vàng được lên tầng 2 trước, những người bán sẽ phải xếp hàng và thậm chí, bán ra trên 2 cây sẽ không được trả tiền mặt ngay do "hết ngân quỹ".

Nghe thông tin này, chị Ngọc, đang tính bán gần chục cây vàng đã mua từ cuối tháng trước giá 33,6 triệu càng thêm sốt ruột. "Nếu xếp hàng chờ lâu, đến khi được bán khéo giá lại giảm thêm nữa. Từ sáng ở nhà xem mạng giá mới 39 triệu mà đến nơi đã còn hơn 37 triệu", chị nói.

Trong khi đó, với các nhà vàng, hai ngày qua được xem như "bội thu" một cách bất ngờ sau thời gian dài thị trường im ắng. Như tại Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, trong ngày 6/7 đã bán ra 1.400 lượng vàng, mua vào 900 lượng với mức giá cao khoảng 38-39 triệu đồng. Sang ngày 7/7, đại diện doanh nghiệp này cho biết một tiếng đầu khi giá mới giảm nhẹ lượng khách mua vào vẫn đông nhưng sau đó người bán kéo đến ùn ùn. Chỉ từ sáng đến trưa, hệ thống này đã mua vào gần 1.000 lượng, với mức giá trung bình khoảng 36,7-37 triệu đồng.

Cơn sốt giá vàng

Nhiều người đi mua cả chục cây vàng ngay cả khi giá đang lên rất cao và chênh lệch mua bán giãn tới 2 triệu đồng. Ảnh: Anh Tú

Như vậy, nếu chỉ tính riêng khoản tiền hưởng chênh lệch giữa giá mua và bán một triệu đồng mỗi lượng trong ngày 6/7 thì với 900 lượng (bán ra - mua vào cùng ngày), doanh nghiệp này đã thu vào hơn 900 triệu đồng. Còn với ngày 7/7, chỉ trong buổi sáng đã thu mua gần 1.000 lượng với mức giá quanh 37 triệu đồng, tức là thấp hơn so với bán ra hôm qua 2-3 triệu đồng một lượng thì doanh nghiệp cũng lãi kha khá.

Tương tự, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC trong hai ngày 6 và 7/7 cũng ghi nhận tổng lượng giao dịch hơn 3.000 lượng - con số khá lớn sau thời gian dài đìu hiu. Còn tại PNJ, đại diện doanh nghiệp cho biết trong hai ngày qua, tổng lượng mua và bán lên đến tầm 1.100 lượng, tăng gấp nhiều lần so với những ngày bình thường trước đó.

"So với các ngày trước đây, lượng giao dịch tăng gấp đôi thậm chí 2,5 lần. Cuối ngày hôm qua khi gần đóng cửa vẫn có khách xin mua thêm. Mọi người kéo đến phần lớn do tâm lý đám đông, khi chênh lệch trên 2 triệu đồng vẫn đi mua rồi khi giá giảm lại ùn ùn đi bán", đại diện DOJI cho biết thêm.

Các chuyên gia nhận định, ngày 6/7 đã có sự khan hiếm giả tạo, đẩy giá vàng trong nước lên cao hơn so với giá thế giới trong vòng một tuần qua. Việc chênh lệch giá vàng giữa mua vào và bán ra giãn rộng, theo ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty vàng Việt Nam - VGB thì các doanh nghiệp đã đẩy rủi ro về phía người dân vì giá mua và giá bán cách nhau cả triệu đồng một lượng, nên khi mua vào, khách hàng coi như đã chấp nhận lỗ một triệu đồng và phải chờ giá tăng bằng hoặc hơn mức này mới bán được. Trong khi đó, chênh lệch cao lại giúp các cơ sở kinh doanh vàng kiếm lời.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, Nhà nước không cần phải quản lý mức chênh lệch này vì sau khi doanh nghiệp mua vàng và tung ra thị trường, khi đó thị trường lên thì giá lên, thị trường xuống thì giá xuống và ắt sẽ tự điều chỉnh về mức cân bằng.

Một chuyên gia nhiều năm trong lĩnh vực vàng phân tích, Ngân hàng Nhà nước có thể độc quyền nhập khẩu vàng chứ không nên quản lý giá trần bán vàng. Đây là điều nên làm để tránh việc chỉ đạo cứng nhắc hoặc làm mất giá thị trường. Nếu Ngân hàng Nhà nước áp giá bán, khi giá vàng tăng, nhà điều hành buộc phải tung vàng ra bán với giá thấp hơn. Điều đó còn nguy hiểm hơn.

"Còn hiện nay người dân có quyền lựa chọn. Đó là quyền mua hoặc là từ chối. Nếu thấy rẻ thì mua vào, đắt thì không mua nữa, còn ai muốn đầu cơ, lướt sóng thì phải chấp nhận xác suất rủi ro 50:50", vị này nói.

Hôm 6/7, dù giá thế giới chững lại nhưng giá vàng trong nước tăng hàng giờ với mức điều chỉnh cả triệu đồng khiến các doanh nghiệp cũng mạnh tay giãn biên độ mua bán để hạn chế rủi ro. Theo đó, đầu ngày, chênh lệch dao động quanh 400.000 đồng, sau đó nâng lên 700.000 đồng lúc cuối buổi trưa và chính thức chạm một triệu đồng vào giữa buổi chiều cho đến khi chốt ngày.

Còn hôm 7/7, giá trong nước lại giảm ngược chiều quốc tế, biên độ mua bán cũng dần co hẹp lại, về cuối ngày duy trì quanh 600.000 đồng mỗi lượng. Các doanh nghiệp đều lý giải họ nới rộng mức chênh lệch để chủ động phòng ngừa rủi ro trước những biến động khó lường của thị trường.

Trước những cơn sốt - lạnh của giá vàng, Ngân hàng Nhà nước cũng đã lên tiếng và cho rằng, biến động thị trường vừa qua chỉ là nhất thời, chưa có xu hướng rõ ràng. Những thông tin đa chiều từ thị trường thế giới đã tác động đến tâm lý trong nước. Nhiều chuyên gia liên tục cảnh báo các nhà đầu tư và người dân nên thận trọng để tránh bị thua thiệt. "Do vậy, người dân cần hết sức bình tĩnh trong mọi quyết định mua, bán của mình, tránh những rủi ro không đáng có gây thiệt hại cho bản thân như giai đoạn trước đây", lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo.

Lệ Chi - Thanh Lan/Vnexpress

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo