Doanh nhân

Kem Tràng Tiền: từ 3,5 tỷ đến giá 500 tỷ đồng

Khu phố trung tâm Tràng Tiền có giá thuê mặt bằng khoảng 50 USD mỗi m2. Với diện tích 1.500 m2, tiền thuê đất của Kem Tràng Tiền đã là con số khổng lồ. Nhưng năm 2000, khi cổ phần hóa, số tiền định giá chỉ ở mức 3,2 tỷ đồng. Và hôm nay lần đầu tiên sau suốt 5 qua, người trong cuộc chính thức thừa nhận đã nắm quyền kiểm soát Kem Tràng Tiền - thương hiệu kem đã gắn bó với người dân thủ đô.

Định giá cổ phần

1.500 m2 đất ở vị trí kinh doanh lý tưởng không được tính vào định giá doanh nghiệp, nhưng những người chủ mới của lại được toàn quyền sử dụng mảnh đất miễn phí trong 10 năm. Sau 8 năm, Công ty Tràng Tiền đã trải qua 4 hội đồng quản trị khác nhau. Những cổ đông mới luôn sẵn sàng trả cho cổ đông cũ mức giá cao hơn, vì nhiều lý do, và có tính đến giá trị sử dụng khu đất.

Mâu thuẫn của các cổ đông công ty kem Tràng Tiền về bản chất là giá trị bất động sản. Ảnh: muivi.com

Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng, không có gì bất hợp lý nếu những người chủ tương lai của doanh nghiệp sử dụng giá trị đất đai bất động sản vào những mục đích ngoài ngành nghề kinh doanh truyền thống, dù việc sản xuất kinh doanh vẫn có hiệu quả. "Điều này có thể xảy ra, đó là giá trị thật của doanh nghiệp so với giá trị xác định khi đưa vào cổ phần hóa sẽ có độ vênh. Chính vì vậy, nó làm cho giá cổ phiếu của doanh nghiệp bị đẩy lên rất cao. Khi tính toán chuyển sang một loại hình kinh doanh khác có lợi hơn, doanh nghiệp không vi phạm các quy định của cơ quan quản lý".

Các doanh nghiệp được cổ phần hóa trước năm 2007 đều không được tính giá trị sử dụng đất vào định giá doanh nghiệp. Công ty Tràng Tiền được định giá 3,2 tỷ đồng và cũng được bán đúng với giá 3,2 tỷ. Cũng có những doanh nghiệp được định giá thấp, nhưng vẫn bán được giá cao. Sự khác nhau còn ở phương thức bán cổ phần. Cổ phần của Tràng Tiền ban đầu chỉ được bán cho nội bộ người lao động, nên chỉ bán được với giá đó.

Trên thực tế, những người từng nắm giữ cổ phần của Tràng Tiền đều không bỏ qua giá trị sử dụng đất của công ty. Ngay từ năm 2002, những mâu thuẫn trong nội bộ doanh nghiệp, tranh cãi giữa các cổ đông, người lao động… đã diễn ra và thường xoay quanh vấn đề bất động sản. Vào thời điểm đó, luật sư Bùi Vinh Quang, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn Quốc gia Việt Nam, đã được mời như người đại diện cho một phía cổ đông của công ty để giải quyết các tranh chấp.

Luật sư Bùi Vinh Quang cho rằng mâu thuẫn chủ yếu dẫn đến tranh chấp giữa các cổ đông trong công ty kem Tràng Tiền về bản chất là giá trị bất động sản. Một số cổ đông ngoài ồ ạt mua cổ phần của Công ty Kem Tràng Tiền chỉ trong vòng 1,2 ngày bởi công ty này đang nắm giữ những mảnh đất đắc địa mà có thể nói, có tiền cũng không mua được. Trong công ty cổ phần, để một cá nhân chiếm hữu diện tích đất rất khó, trừ trường hợp cá nhân đó chiếm hữu 65% cổ phần của công ty.

Một trường hợp khác là khách sạn Kim Liên, cũng ở Hà Nội và rộng gấp nhiều lần công ty Tràng Tiền, được định giá hơn 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc bán cổ phần rộng rãi ra công chúng, đã giúp khách sạn Kim Liên được bán với giá cao hơn định giá và gần hơn với giá trị thực. Để các quy định phù hợp hơn với thực tiễn, năm 2007, một Nghị định mới đã được ban hành quy định giá trị đất đai phải được tính vào định giá cổ phần hóa. Nhưng văn bản hướng dẫn mới chỉ đưa ra trình tự định giá mà chưa hướng dẫn cách thức định giá. Giá trị thị trường của đất đai cần được tính như thế nào vẫn còn là câu hỏi khiến nhiều doanh nghiệp và cả các chuyên gia lúng túng.

Giá bán 500 tỷ

Trong báo cáo tài chính hợp nhất đã được kiểm toán 2010 của Ocean Hospitality, tại khoản phải thu dài hạn khác phản ánh các khoản tiền chi ra để công ty thực hiện các dự án kinh doanh bất động sản, ông Hà Trọng Nam (bên liên quan của công ty) đã nhận 500 tỷ đồng để thực hiện hợp đồng nhận chuyển nhượng 634.700 cổ phần của Công ty cổ phần Tràng Tiền.

Ngày 21/01/2011, Hội đồng Quản trị Ocean Hospitality thông qua quyết định nhận chuyển nhượng cổ phần Công ty Cổ phần Tràng Tiền. Theo đó, Ocean Hospitality sẽ nhận chuyển nhượng 634.700 cổ phần chiếm 99,17% vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Tràng Tiền.

Kem Tràng Tiền tọa lạc trên khu đất 1.500m2 ngay sát Hồ Gươm.Kem Tràng Tiền là một trong những thương hiệu ẩm thưc mạnh của thủ đô từ những năm 1959. Năm 2000, Kem Tràng Tiền được cổ phần hóa, nhưng cổ phần trong đợt IPO đó chỉ bán nội bộ công nhân viên của công ty, với tổng giá trị là 3,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau 10 năm, khi OCH có ý định mua lại, đơn vị này đã định giá gấp hơn 150 lần để nắm số cổ phần kiểm soát.

Báo cáo tài chính của Ocean Hospitality đã ghi rõ: “Công ty đã thực hiện đánh giá lại tài sản do Công ty Cổ phần Tràng Tiền quản lý, sử dụng bằng việc thuê chuyên gia đánh giá lại tài sản. Ban Giám đốc tin tưởng rằng giá giao dịch là phù hợp. Ban Giám đốc Công ty đã đánh giá một cách thận trọng và tin tưởng rằng việc chuyển nhượng quyền tham gia góp vốn nêu trên là hợp lệ và chắc chắn sẽ thực hiện được và theo đó sẽ không bị suy giảm giá trị”.

 

Được biết, OCH vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, trong đó 75% thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Dương (OGC), do đó lĩnh vực thế mạnh của công ty cũng là xây dựng và kinh doanh khách sạn. Năm 2013, doanh thu từ mảng khách sạn đạt hơn 310 tỷ đồng, song mảng kinh doanh bánh kẹo và đồ uống cũng mang lại hơn 232 tỷ đồng cho công ty.

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo