Khách hàng có yên tâm góp vốn cho Hải Phát Thủ đô giải cứu Usilk city?
Chưa hoàn thiện cơ sở pháp lý việc chuyển nhượng dự án
Được khởi công xây dựng từ quý II/2008, Dự án Usilk City – KĐT Văn Khê mở rộng là một tổ hợp nhà ở, gồm 13 tòa nhà cao tầng hiện đại từ 25 - 50 tầng với hơn 2.700 căn hộ được xây dựng trên khu đất 9,2 ha (phường La Khê, quận Hà Đông).
Dự án có tổng mức đầu tư trên 10.000 tỷ đồng, do Công ty CP Sông Đà Thăng Long làm CĐT và được kỳ vọng là một trong những dự án góp phần làm thay đổi bộ mặt Thủ đô sau ngày mở rộng địa giới hành chính.
Tuy nhiên, việc mua bán nhà ở hình thành trong tương lai dưới hình thức thanh toán tiền nhà theo thời gian quy định, chứ không theo tiến độ công trình nên khi dự án bị ngừng trệ, cũng là lúc Sông Đà Thăng Long đã thu được hàng nghìn tỷ đồng tiền ứng trước của khách hàng.
Sau 8 năm ngừng thi công, Công ty CP Đầu tư Hải Phát Thủ đô đã “nhảy” vào giải cứu dự án này, đàm phán chuyển nhượng thành công toà nhà CT2-105 với giá trị khoảng 50 tỷ đồng và hiện đã xây tiếp lên tới tầng thứ 20 của toà nhà 50 tầng với 750 căn hộ.
Đầu năm 2016, Hải Phát Thủ đô tiếp tục đàm phán mua lại toà nhà CT1-104 và tiến hành tái khởi động hoạt động xây dựng, cũng như ký thoả thuận hợp tác toàn diện với Sông Đà Thăng Long để thực hiện toàn bộ dự án. Tuy nhiên, ngay sau đó UBND TP Hà Nội đã có quyết định thanh tra toàn diện dự án Usilk city.
Theo tìm hiểu của PV, việc tiến hành đàm phán, ký kết thoả thuận chuyển nhượng dự án cũng như phương án hợp tác toàn diện của 2 doanh nghiệp trên chỉ là thoả thuận dân sự, chưa được UBND TP. Hà Nội chấp thuận nên chưa có tính pháp lý ràng buộc cụ thể.
Tuy nhiên, Hải Phát Thủ đô đã tự ý tiến hành khởi công xây dựng gần 20 tầng toà nhà CT1-105, đồng thời nhiều lần có văn bản và gọi điện đề nghị khách hàng ký phụ lục HĐ. Theo đó, nếu các khách hàng không ký trước 31/3/2016 với Hải Phát Thủ đô thì sau 31/3, công ty sẽ không chịu trách nhiệm với khách hàng mà sẽ chuyển trả về phía Sông Đà Thăng Long giải quyết.
Khách hàng “dè chừng” quyết định tiếp tục góp vốn
Sau hành trình 8 năm đòi nhà, ngày 23/4 vừa qua, ban đại diện cư dân cùng hàng chục khách hàng tại dự án này tiếp tục tập trung phản đối sự chậm trễ của CĐT, yêu cầu Sông Đà Thăng Long trả nhà, hoặc có phương án xử lý dứt điểm vụ việc, cũng như có cơ chế giải quyết hợp lý.
Anh Nguyễn Bằng Tường, thành viên Ban đại diện khách hàng cho biết: “Chúng tôi đã mất niềm tin vào CĐT, cũng bởi bài học cũ vẫn còn hiện rõ, cho nên khách hàng cũng không dám chuyển hợp đồng sang Công ty Hải Phát Thủ đô.
Nếu chuyển hợp đồng sang Hải Phát Thủ đô thì số tiền ngày xưa khách hàng đã đóng với Sông Đà Thăng Long, nhưng công ty này không chịu trả tiền phạt, nếu bây giờ chuyển sang CĐT là Hải Phát Thủ đô mà một thời gian nữa, nếu Hải Phát Thủ đô xây được khoảng vài tầng rồi kêu họ hết tiền thì khách hàng như chúng tôi biết theo ông nào? Hiện chúng tôi đang phải chịu rủi ro về mặt pháp lý rất cao”.
Anh Tường cho biết thêm, khách hàng đang rất băn khoăn về tỷ giá hợp đồng (USD). Phía Hải Phát Thủ đô yêu cầu về mặt tỷ giá rất cao, ngày xưa khách hàng ký HĐ với Sông Đà Thăng Long là 19,5 hay cùng lắm là 20 mà đã chậm giao nhà hơn 2 năm rồi. Bây giờ lại bắt khách hàng áp dụng tỷ giá hiện tại là 22 rất bất hợp lý”.
Nhiều khách hàng cũng tỏ rõ sự lo lắng, hoài nghi về trách nhiệm pháp lý của Hải Phát Thủ đô trong dự án này nên “chần chừ” ký phụ lục hợp đồng và tiếp tục đóng tiền các đợt tiếp theo cho Hải Phát Thủ đô.
Được biết, phía Hải Phát Thủ đô cũng đã có cam kết sẽ trả tiền phạt cho khách hàng kể từ khi nhận bàn giao tòa CT2-105 cho đến khi hoàn thiện. Tuy nhiên, nhiều khách hàng cho biết đơn vị này chưa có bất kỳ văn bản, biên bản cam kết nào liên quan tới trách nhiệm như đã nói. Việc Hải Phát Thủ đô “hứa hẹn” có bên thứ 3 là ngân hàng để bảo lãnh dự án, “trấn an” khách hàng, nhưng nội dung này cũng chưa được thông tin cụ thể.
Ban đại diện cư dân cũng cho biết, rất mong UBND TP Hà Nội cùng các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc xử lý nghiêm sai phạm theo quy định của pháp luật, cũng như có những cơ chế hỗ trợ để dự án tiếp tục triển khai; đồng thời mong muốn có bên thứ 3 là ngân hàng đứng ra bảo lãnh để các cư dân yên tâm tiếp tục nộp tiền thực hiện dự án.
Doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin!
End of content
Không có tin nào tiếp theo