Doanh nghiệp

Khát vọng phù điêu ngọc trai

Mặc dù bị cả gia đình phản đối và thậm chí những người dân xung quanh gọi là “lão khùng”, nhưng ông Phạm Văn Hướng (70 tuổi, ngụ ấp Ngọc Lâm 3, xã Phú Xuân, H.Tân Phú) vẫn hằng ngày mày mò, ôm ấp một ao đầy vỏ ngọc trai sông, hễ nghe ở đâu có bán con trai sông có kích cỡ lớn thì không ngại xa xôi đều tìm đến mua về, để “thí nghiệm”. Và rồi, những người nói ông Hướng “khùng” đều ngã ngửa bất ngờ khi ông được trao giải ba của “Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đồng Nai năm 2013” với đề tài “Kỹ thuật

 Vậy là khát vọng phù điêu ngọc trai âm thầm thiêu đốt ông suốt hơn 20 năm đã lung linh toả sáng. Ông Hướng kể về ý tưởng nuôi cấy phù điêu ngọc trai nước ngọt.

Ăn, ngủ cùng… con trai
 
Theo hướng dẫn của Sở Khoa học và công nghệ, hiện ông Hướng đã gửi hồ sơ công trình nghiên cứu ra Hà Nội dự thi “giải thưởng KOVA” do tập đoàn sơn KOVA tổ chức. Ngoài ra, ông Hướng còn nằm trong danh sách xét duyệt nông dân tiêu biểu năm 2014 của tỉnh Đồng Nai.
 
“Nếu như người ta ăn cùng bóng đá, ngủ cùng bóng đá thì tôi ăn cùng con trai, ngủ cùng con trai. Thậm chí, nửa đêm tôi còn lọ mọ dậy cầm đèn pin ra ao để xem con trai di chuyển ra sao, ăn ngủ thế nào. Khi tôi làm công việc này, người thân và hàng xóm cứ cho rằng tôi bị “khùng”, nhưng tôi không quan tâm đến những gì họ nói. Thậm chí, vợ tôi và các con tôi cũng phản đối, nhưng không nói thẳng ra. Nhưng chính nhờ niềm đam mê và kiên trì, không chùn bước trước khó khăn nên tôi thành công như hôm nay”, ông Hướng tâm sự.
 
Cách đây khoảng 25 năm, ở xã Phú Xuân (H.Tân Phú) có phong trào nuôi ngọc trai nước ngọt. Lúc bấy giờ, huyện Tân Phú có tổ chức mời các chuyên gia về tập huấn cho một số nông dân. Sau khi tập huấn trở về, bà con đua nhau nuôi ngọc trai ồ ạt nhưng chỉ được một thời gian ngắn rồi bỏ cuộc, vì khi cấy nhân vào con trai để lấy ngọc thì chúng đều bị chết hoặc không nhả ngọc. Không bỏ cuộc, ông Hướng vẫn kiên trì tự nghiên cứu. 
 
Các sản phẩm phù điêu ngọc trai của ông Hướng.
 
Sau hơn 20 năm, công trình “kỹ thuật nuôi cấy phù điêu ngọc trai” đã khiến mọi người có cái nhìn khác về ông. Ông Hướng chia sẻ: “Lúc đó tôi không hiểu mô tê gì về con trai sông cả. Nhưng từ nhỏ đến lớn, tôi đã quá cực khổ với nghề nông nên muốn nghiên cứu một cái gì có giá trị sau này làm tài sản cho con cháu. Không những thế, tôi có đam mê kỳ lạ với con trai nước ngọt này, tôi tin là mình sẽ thành công. Cho nên, tôi quyết định theo đuổi tới cùng công việc nuôi cấy ngọc trai nước ngọt”.
 
Đến những năm 1990, ông Hướng bắt đầu học hỏi những kiến thức nuôi cấy ngọc trai từ những người được đi tập huấn, sau đó ông đi khắp các địa phương từ Tân Phú tới huyện Định Quán xa xôi để tìm mua vài ký trai về thả xuống ao trước nhà nuôi thử nghiệm. Ban đầu, ông áp dụng theo cách nuôi cấy truyền thống là cấy vào con trai bằng nhân tròn để nó cho ra các hạt ngọc trai tròn nhưng đều thất bại. Đa số trai đều chết sau khi cấy, con nào vượt qua được thì cho ra viên ngọc trai rất nhỏ, viên nào lớn lắm cũng chỉ bằng hạt đậu xanh.

Thành công nhờ…cái đinh gỉ!
 
Trong lúc đang bế tắc tìm lối ra cho con trai sông, nhiều lúc đã cảm thấy chán nản muốn bỏ cuộc thì may mắn bất chợt đến, ông Hướng được người bạn tặng cho quyển tài liệu hướng dẫn phương pháp nuôi cấy ngọc trai nước ngọt trong một lần học tập kinh nghiệm. Từ cuốn tài liệu, ông phát hiện được một kinh nghiệm quý báu của nước ngoài, ông Hướng suy nghĩ và thử nghiệm bằng việc cho con trai ngậm một cái đinh bị gỉ sét, sau một thời gian lấy lên thì con trai đã bọc lên cái đinh bị gỉ sét đó. 
 
Từ đó, ông luận ra rằng, con trai có thể bọc được nhiều vật thể khác chứ không chỉ là những hạt cát tròn theo kiểu truyền thống. Và ông Hướng đã nảy ra ý tưởng mới. Đó là đặt những tượng Phật nhỏ xíu vào trong những loài trai to. Sau 4 - 5 năm, các tượng Phật này được phủ một lớp xà cừ và trở thành phù điêu ngọc trai. 
 
Một ý tưởng hoàn toàn mới lạ tại nước ta lúc đó khi mà trên thị trường chỉ mới có được tượng Phật ngọc, nhưng chưa hề có tượng Phật khảm ngọc trai, ông Hướng đã quyết tâm thực hiện bằng được điều này. “Lúc đó, tôi suy nghĩ, sao mình không cấy những bức hình phù điêu vào bên trong con trai để trở thành phù điêu ngọc trai” - ông Hướng chia sẻ.
 
Nghĩ là làm, ông Hướng đã rủ người hàng xóm là chú Nguyễn Văn Chính cùng nghiên cứu để tìm ra chất liệu tạo hình phù điêu sao cho phù hợp. Đến đây thì bác và cả ông hàng xóm “chịu chết” vì làm hoài không được, cứ hễ gắn hình phù điêu vào là trai bị chết. 
 
Thế rồi cuối cùng, sau nhiều thất bại, ông Hướng và ông Chính đã tìm ra được chất liệu phù hợp, vật liệu đó là ximăng. Sau một thời gian dài khảo sát, tìm hiểu nhu cầu của thị trường, ông Hướng quyết định tạo phù điêu có nội dung tôn giáo như: tượng Phật A Di Đà, Phật bà Quan Thế Âm hay tượng Chúa, Đức Mẹ… 
 
Bác giải thích, những phù điêu mang tính chất tâm linh đang được thị trường ưa chuộng. Ông Hướng chia sẻ, phương pháp cấy bức hình phù điêu vào bên trong con trai rất khó khăn và khác với cách cấy truyền thống (cấy hạt nhân tròn). Theo cách cấy truyền thống, người ta phải mở miệng con trai ra và cấy hạt nhân tròn vào phần thịt. Còn bức hình phù điêu có kích cỡ quá lớn nên phải cắt vỏ trai rồi cấy vào. 
 
Công đoạn cắt và cấy hình phù điêu vào con trai rất quan trọng, nếu không cẩn thận mà cắt trúng thịt thì con trai sẽ chết, hoặc cấy không đúng chỗ thì sản phẩm tạo ra không đẹp.“Tùy theo con trai lớn hay nhỏ và dựa vào kích thước của bức hình phù điêu mà cấy số lượng nhiều hay ít. Hiện nay, tôi có thể cấy từ 4 đến 6 bức hình phù điêu loại nhỏ vào một con trai” - ông Hướng cho biết. 
 
Theo kinh nghiệm, trai nuôi từ một năm trở lên là có thể cấy được hình phù điêu. Tuy nhiên, con trai càng lớn thì sẽ tạo ra sản phẩm phù điêu ngọc trai càng đẹp, màu sắc của bức phù điêu trở nên rực rỡ hơn. Chất lượng của ao và nguồn nước tốt hay xấu sẽ quyết định đến sản phẩm ngọc trai phù điêu. Nếu cả hai yếu tố trên đều đạt yêu cầu, trong vòng 12 tháng là thu hoạch được, còn ngược lại phải 2 năm trở lên.
 
Trải qua suốt 20 năm đầu tư công sức nghiên cứu, số lượng trai dùng để thử nghiệm đã lên đến cả tấn, chi phí đầu tư hàng chục triệu đồng, cuối cùng ông Hướng cũng đã thành công với công trình “kỹ thuật nuôi cấy phù điêu ngọc trai”. Tình cờ, một người quen đến nhà chơi và thấy được sản phẩm do ông làm ra nên đã giới thiệu tham dự Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đồng Nai. Hội đồng chấm điểm đánh giá cao công trình nghiên cứu vì đã hoàn thành một nghiên cứu mang tính độc đáo. 
 
Ông Hướng tâm sự: Mới đây, đại diện Hội Nông dân xã có đến trao đổi về việc thành lập một tổ hợp để nhân rộng mô hình này đến bà con nhưng tôi chưa đồng ý vì đang đăng ký quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, điều ông Hướng đang trăn trở chính là ông có ý tưởng độc đáo nhưng chưa có nguồn lực mạnh về kinh tế để phát triển sản phẩm mới lạ và có giá trị này. “Nếu được tôi sẽ hợp tác để cùng khai thác sản phẩm mới này với những người quan tâm, hoặc là tôi sẽ bán ý tưởng để đưa phù điêu ngọc trai trở thành thương hiệu mạnh ở Đồng Nai, hợp tác với các doanh nghiệp để phát triển khả năng sản xuất và đưa sản phẩm ra thị trường”- ông Hướng tràn trề hy vọng nói.
Lao động
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo