Góc nhìn

Khó vào công chức vì gặp quan chức… 'yếu'

Nhà nước tổ chức thi tuyển công chức cốt chọn được người thực tài phục vụ cho xã hội, nhưng thực tế thì gạt người tài ra ngoài đầu tiên chính là các vị quan chức quan liêu và yếu kém về năng lực.

Đại diện Sở GDĐT Hà Nội giải thích về vụ thạc sĩ tốt nghiệp ở Pháp  nhưng vẫn thi trượt công chức.

Mới đây, ông Lê Hoài Trung, Phó giám đốc thường trực Sở Nội vụ TP.HCM giải thích với báo chí việc từ chối các chứng chỉ ngoại ngữ TOEIC hay TOEFL trong thi công chức là vì đó là chứng chỉ của nước ngoài. Theo ông, qui định của pháp luật VN chỉ chấp nhận chứng chỉ quốc gia (về ngoại ngữ) là các chứng chỉ A, B, C.

Cách giải thích này của ông Trung đã bị dư luận chỉ trích nặng nề. Người ta thất vọng vì một vị quan chức của sở Nội vụ, đơn vị có trách nhiệm trong quản lý nhà nước về nội vụ, có “quyền sinh, quyền sát” đối với việc tuyển công chức nhà nước sao lại yếu kém và lạc hậu đến thế.

Lâu nay, vấn đề thi tuyển công chức ở ta luôn có chuyện lùm xùm.

TS Trịnh Ngọc Thạch, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã từng nói với báo chí: “Thi công chức hình thức có vẻ công khai với xã hội, nhưng bên trong vẫn có chuyện muốn tuyển ai thì tuyển. Vừa rồi Bộ Công thương và mấy nơi chưa thi đã biết ai đỗ rồi. Thậm chí, ứng viên vào dự thi còn biết trước đề, vào thi cứ thế chép ra thôi”.

Rồi chuyện “chạy” vào công chức cũng rất loạn. Vì thế mới có chuyện Bộ Nội vụ từng phải lập hẳn một tổ công tác để truy việc “chạy” công chức 100 triệu ở Hà Nội.

Vậy mà với nhiều đối tượng minh bạch, thi bằng chính thực lực của mình lại gặp không ít gian nan. Đã có nhiều vị đậu tiến sĩ, thạc sĩ khoa học ở nước ngoài nhưng về thi công chức trong nước vẫn trượt như thường. Nguyên nhân ư? Thì không đạt yêu cầu tất bị loại.

Theo giải thích của các vị có trách nhiệm, không phải cứ đậu tiến sĩ, thạc sĩ ở nước ngoài về là giỏi, là có thể đạt được các tiêu chuẩn mà các cuộc thi công chức đặt ra. Hóa ra, muốn phục vụ quê hương cũng đâu có dễ.

Báo chí cũng đã tốn không ít giấy mực để nói về chuyện này, đến nỗi giờ đây hễ nhắc tới thi công chức là người ta thường nghĩ ngay tới những khó khăn vẫn được giăng ra khắp nơi ngoài phòng thi.

Xin trở lại chuyện người có bằng thạc sĩ ngành quản trị kinh doanh tại Úc, có trình độ tiếng Anh quốc tế IELTS 6.5 nhưng vì không có chứng chỉ B tiếng Anh nên bị loại khỏi cuộc thi công chức tại TP.HCM. Trong việc này, người ta đã hy vọng chỉ là nhân viên tiếp nhận hồ sơ gây khó dễ, nhưng khi được ông Lê Hoài Trung giải thích rõ ràng thì người ta phẫn nộ. Nó cho thấy các quan chức trong bộ máy hành chính của ta không chỉ trình độ kém mà còn rất trì trệ và thiếu vắng tinh thần chức trách.

Ông Trung đã tỏ ra lạc hậu với chính các quy định của Nhà nước về thi tuyển công chức. Đề phù hợp với thực tế, tháng 2.2012, Bộ giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 05 /2012/TT- BGDĐT, trong đó có qui định về về việc qui đổi một số chứng chỉ ngoại ngữ tương đương cấp độ B1, B2 khung châu Âu. Theo đó, cấp B1 tương đương IELTS (4.5); TOEIC (450); TOEFL (450 PBT, 133 CBT, 45 iBT). Cấp B2 tương đương IELTS (5,5); TOEIC (600); TOEFL (500 BPT, 173 CBT, 61 iBT). Lãnh đạo của một sở nội vụ mà không biết hay không chịu cập nhật những quy định sát sườn đó thì quả là… “bó tay”.

Nhà nước tổ chức thi tuyển công chức cốt chọn được người thực tài phục vụ cho xã hội, nhưng với thực tế này thì gạt người tài ra ngoài đầu tiên chính là các vị quan chức quan liêu và yếu kém về năng lực.

Việc đặt ra các quy định trong quá trình tuyển công chức là điều bình thường, bởi cái gì cũng có tiêu chí, tiêu chuẩn của nó. Quy chế, quy định luôn cứng nhắc, nhưng việc vận dụng và đưa những quy định đó vào cuộc sống một cách linh hoạt, hiệu quả chính là trách nhiệm của những người như ông Trung và các đồng nghiệp, thuộc cấp của ông. Nếu hành xử như một rô-bốt thì các quy định sẽ luôn là quy định “chết”, không có giá trị thực tế.

Sự yếu kém của các quan chức trong bộ máy hành chính nhà nước được thể hiện thường xuyên trên các phương tiện truyền thông thời gian gần đây khiến người ta không khỏi ngậm ngùi: Cán bộ cấp dưới thì yêu cầu rất cao về đủ loại kiến thức, phải thi tuyển gắt gao nhưng càng lên cao thì càng “buông”.

Với riêng ông Lê Hoài Trung, một điển hình tiên tiến của TP.HCM nhờ đạt thành tích xuất sắc trong chỉ đạo, điều hành công tác cải cách hành chính tại thành phố, sau sự việc này liệu còn mấy người dân còn có thể tin?

Theo Thanh niên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo