Dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II đặt tại xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Đây là 2 dự án sử dụng nhiên liệu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) có tổng công suất dự kiến 3.000MW, bao gồm 2 nhà máy Tuabin khí chu trình hỗn hợp, công suất mỗi nhà máy 1.500MW.
Năng lực tài chính nhà thầu có vấn đề sai lệch
Tổng mức đầu tư 2 nhà máy điện và hệ thống kho chứa LNG ước tính khoảng 3,13 tỷ USD. Sau khi thực hiện các bước của dự án, Nhà máy điện Long An I sẽ đi vào vận hành vào tháng 12/2025, nhà máy điện Long An II vận hành vào tháng 12/2026. Đây là dự án với quy mô rất lớn nhưng có những vấn đề xung quanh cần phải được minh bạch để bảo đảm đúng các quy định của pháp luật về đầu tư.
Với quy mô tổng vốn đầu tư, diện tích dự án khá lớn, bộ đôi Nhà máy điện LNG Long An I và II được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, cũng như giảm tải gánh nặng tài chính cho EVN trong việc phát triển nguồn điện mới.
Dù vậy, quá trình dự án này về tay VinaCapital và GS Energy (một tập đoàn năng lượng đến từ Hàn Quốc) lại khá “cấp tập”. Mặc dù dự án rất lớn nhưng thời gian nộp hồ sơ của các nhà đầu tư rất ngắn, chỉ 15 ngày kể cả ngày lễ, ngày nghỉ cuối tuần theo quy định của pháp luật Việt Nam (31/12/2020 đến 15/01/2021). Trong giai đoạn này, các nhà thầu lớn ở nước ngoài gặp khó bởi đại dịch COVID -19 nên với thực tế 10 ngày làm việc đã là rào cản hạn chế cho các nhà thầu nộp hồ sơ.
Mặt khác, dư luận cũng không khỏi đặt ra nhiều dấu hỏi về năng lực của nhà đầu tư, cũng như tính minh bạch trong việc UBND tỉnh Long An công bố số liệu tài chính đơn vị chủ đầu tư.
Về phía VinaCapital, Bộ Tài chính cho biết (thời điểm tháng 4/2020), theo tài liệu gửi kèm công văn số 1097 ngày 20/2/2020 của Bộ Công Thương không có báo cáo tài chính (BCTC) riêng đã kiểm toán bằng tiếng Việt của VinaCapital, mà chỉ có BCTC bằng tiếng Anh năm 2017, 2018, 2019 của Vietnam Opportunity Fund Limited (VOF). Do đó, Bộ Tài chính cho rằng không có cơ sở để tham gia ý kiến đối với năng lực tài chính của VinaCapital Group.
Mặt khác, chính sách đầu tư của VOF quy định mỗi khoản đầu tư không vượt quá 20% giá trị tài sản ròng của công ty tại thời điểm đầu tư. Trong năm 2019, VOF có tổng tài sản 974,6 triệu USD, tổng nợ 19,4 triệu USD; hoạt động sản xuất lỗ 28,1 triệu USD; tài sản ròng 955,2 triệu USD.
“Như vậy, theo chính sách của quỹ VOF có thể đầu tư với một dự án tối đa là 191,04 triệu USD. Trong khi đó, tổng vốn chủ của dự án là 2,191 tỷ USD, nên quỹ không đủ năng lực tài chính tham gia dự án”, Bộ Tài chính cho biết.
Về phần GS Energy, đây là tập đoàn năng lượng lớn ở Hàn Quốc. Được biết, GS Energy đã tham gia vào nhiều dự án thăm dò và sản xuất dầu khí ở Trung Đông, Bắc Mỹ và Đông Nam Á.
Theo số liệu cung cấp bởi UBND tỉnh Long An (CV số 2688 về việc Phúc đáp CV số 2844/BCT-ĐL của Bộ Công Thương và dự án NMNĐ LND Long An I và Long An II), doanh thu GS Energy trong năm 2019 là 2.407 triệu USD, thu nhập ròng (Net income) đạt 1.339 triệu USD.
Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản tại ngày 31/12/2019 là 9.171 triệu USD, Vốn chủ sở hữu 5.825 triệu USD.
Dù vậy, tìm hiểu của phóng viên cho thấy, hầu hết các chỉ tiêu tài chính công bố bởi GS Energy thấp hơn nhiều so với số liệu cung cấp từ UBND tỉnh Long An.
Đơn cử, theo dữ liệu trên website của GS Energy Corporation (đã quy đổi theo tỷ giá 1 won = 0,00087 USD), doanh thu công ty trong năm 2019 đạt 2.094 triệu USD, tăng trưởng 6% so với năm 2018. Dù vậy, thu nhập ròng 253 triệu USD, giảm đến 52,1%.
Có thể thấy, chỉ tiêu doanh thu/thu nhập ròng theo công bố của GS Energy thấp hơn lần lượt 13% và 81,11% so với các con số thông báo từ tỉnh Long An.
Trên bảng cân đối kế toán, các chỉ tiêu tổng tài sản công ty, vốn chủ sở hữu, nợ giảm lần lượt 13,01%; 13% và 13,03%.
Ở các năm 2017 và 2018, cả 5 chỉ tiêu doanh thu, lãi ròng, tài sản, vốn chủ sở hữu, nợ phải trả do GS Energy công bố cũng thấp hơn so với dữ liệu cung cấp của UBND tỉnh Long An.
Duy chỉ có năm 2016, các số liệu GS Energy cung cấp cao hơn số liệu từ UBND tỉnh Long An.
Đáng chú ý, trong 9 tháng đầu năm 2020, GS Energy đã lỗ đến 277,5 triệu USD.
GS Energy chưa cập nhật số liệu bảng cân đối kế toán 9 tháng đầu năm 2020. Xét đến ngày 31/12/2019, tài sản GS Energy đạt 7.978 triệu USD đồng, tăng 1,7% so với số đầu kỳ. Nợ phải trả 2.910 triệu USD. Vốn chủ sở hữu 5.068 triệu USD.
Hiệu quả kinh doanh của GS Energy cũng suy giảm trong giai đoạn 2016 – 2019. Có thể thấy, chỉ số ROE và ROA công ty đạt “đỉnh” trong năm 2017 ở mức lần lượt 14,02% và 8,77% và giảm dần ở các năm sau đó.
Năm 2019, ROE và ROA đạt lần lượt 4,99% và 3,17%. Mức thấp nhất giai đoạn 2016 – 2019.
Chưa có phê duyệt quy hoạch ngành của cấp có thẩm quyền
Ngày 28/12/2020, UBND tỉnh Long An ban hành văn bản số 7902/UBND-KTTC về việc chọn nhà đầu tư dự án nhiệt điện LNG Long An 1 và Long An II. Tại văn bản này, các căn cứ pháp lý nêu lên để UBND tỉnh Long An chấp thuận chủ trương lựa chọn nhà đầu tư, không có văn bản nào phù hợp với quy định pháp luật liên quan đến quy định của ngành điện về quy hoạch tổng sơ đồ điện.
Trong văn bản được nêu làm căn cứ là Quyết định số 428/QĐ - TTg ngày 18/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến 2030 (Tổng sơ đồ điện VII điều chỉnh). Tại văn bản này, quy hoạch được cấp có công suất nhỏ hơn và công nghệ khác với dự án “Nhà máy nhiệt điện (LNG) Long An I và Long An II”.
Căn cứ tiếp theo là Công văn số 1080/TB - VPCP ngày 13/8/2020 của Văn phòng Chính phủ, thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh các dự án Nhà máy nhiệt điện (LNG) Long An I và Long An II từ sử dụng điện than chuyển sang nhiên liệu khí hóa lỏng. Theo chúng tôi tìm hiểu, đây là các chủ trương để từ đó xây dựng quy hoạch ngành điện chứ không phải là quyết định mang tính chất quy phạm pháp luật để làm căn cứ lựa chọn nhà đầu tư.
Hiện nay dự thảo quy hoạch điện VIII đang được cấp có thẩm quyền xem xét để quyết định phê duyệt, mặc dù trong dự thảo có nêu quy hoạch của Nhà máy nhiệt điện (LNG) Long An I và Long An II nhưng việc tổ chức lựa chọn nhà đầu tư khi chưa có văn bản chính thức phê duyệt quy hoạch là chưa bảo đảm các quy định của pháp luật liên quan đến ngành điện.
Tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chưa bảo đảm
Theo tìm hiểu của phóng viên, thông báo số 3500/TB-SCT ngày 31/12/2020 về việc xét chọn nhà đầu tư dự án “Nhà máy nhiệt điện (LNG) Long An I và Long An II” đã ban hành các tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư. Trong thông báo này, đã không xây dựng tiêu chí ký quỹ để thực hiện dự án đầu tư đã được quy định tại Luật đầu tư 2014. Tại Điều 27 Nghị định số 118 /2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật đầu tư đã quy định, ký quỹ thực hiện dự án đối với quy mô dự án này là 1% trên tổng mức đầu tư tương đương khoảng 300 triệu USD.
Đây là dự án lớn, có sử dụng hàng trăm hecta đất để xây dựng công trình, bên cạnh đó là bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Việc không xây dựng tiêu chí ký quỹ thực hiện dự án có thể phát sinh những rủi ro tiềm ấn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội.
Cần xem xét lại toàn diện về pháp lý và quy trình thực hiện dự án đầu tư
Dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II là 2 dự án sử dụng nhiên liệu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) có tổng công suất dự kiến 3.000MW, bao gồm 2 nhà máy Tuabin khí chu trình hỗn hợp, công suất mỗi nhà máy 1.500MW. Tổng mức đầu tư 2 nhà máy điện và hệ thống kho chứa LNG ước tính khoảng 3,13 tỷ USD.
Với tổng mức đầu tư lớn, nhưng với những băn khoăn và dư luận về sự “gấp gáp” trong lựa chọn đối tác và đối tác được lựa chọn qua đấu thầu lại là Nhà thầu đã được tỉnh Long An làm văn bản “đề nghị” Chính phủ cho phép lựa chọn từ trước (trích văn bản số 10/ TTr-UBND ngày 10/02/2020 của UBND tỉnh Long An gửi Thủ tướng Chính phủ). Bên cạnh sự gấp gáp là các quy định và trình tự thủ tục chuẩn bị đầu tư chưa chặt chẽ, năng lực nhà thầu có sự sai khác trong các báo cáo có thể dẫn đến rủi ro cho dự án. Dư luận đang mong muốn các cấp có thẩm quyền xem xét toàn diện dự án để bảo đảm minh bạch và tuân thủ chặt chẽ các quy định pháp luật nhằm đưa đến hiệu quả cao nhất của dự án, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của Đất nước.
Theo Trần Ngọc/DN&TH