Khoa học - Công nghệ

Tế bào bạch cầu chiến đấu với ung thư như thế nào?

Các nhà khoa học đã cho công bố một đoạn video ấn tượng, ghi lại cảnh các tế bào bạch cầu T - những "sát thủ" của hệ miễn dịch săn tìm và phá hủy tế bào ung thư trong cơ thể.

Bí ẩn ít biết về bộ phận 'bị thừa' trên cơ thể người / Bí ẩn hòn đá như một cơ thể sống, lớn lên khi gặp nước mưa

Các nhà nghiên cứu Anh và Mỹ đã sử dụng những kỹ thuật ghi hình tân tiến nhất (kể cả kỹ thuật ghi hình 3D đa màu, tua nhanh thời gian độ phân giải cao; kỹ thuật soi kính hiển vi tiêu điểm đĩa xoay và kỹ thuật soi kính hiển vi tấm lưới ánh sáng) để "chộp" lại hoạt động của các tế bào T. Những "sát thủ" của hệ miễn dịch này là các tế bào bạch cầu có vai trò đặc biệt, chuyên phá hủy các tế bào ung thư hoặc các tế bào bị virus xâm chiếm.

Ảnh cắt từ clip

Giáo sư Gillian Griffiths, giám đốc Viện nghiên cứu Y học thuộc trường Đại học Cambridge (Anh), người đứng đầu nghiên cứu mới, giải thích: "Bên trong cơ thể của tất cả chúng ta luôn có một đội quân gồm toàn các sát thủ, với chức năng chính là tiêu diệt hết lần này đến lần khác. Những tế bào này tuần tra khắp cơ thể của chúng ta, nhận diện và phá hủy các tế bào ung thư hoặc bị nhiễm virus. Chúng làm điều đó với sự chính xác và hiệu quả rất lớn".

Một thìa cà phê máu có thể chứa tới gần 5 triệu tế bào T, với chiều dài mỗi tế bào đạt khoảng 10 micrômét, tức là tương đương 1/10 độ rộng của một sợi tóc người.

Trong đoạn video, các tế bào T xuất hiện như các khối tròn vô định hình màu cam hoặc màu xanh lục, di chuyển đây đó rất nhanh, liên tục kiểm tra môi trường của chúng. Khi một tế bào "sát thủ" T phát hiện một tế bào ung thư (màu xanh dương trong video), "các ngón tay" màng của nó sẽ thám hiểm bề mặt của đối tượng khả nghi để xác thực nhận dạng.

Tế bào T sau đó kết dính với tế bào ung thư và tiêm các protein độc (màu đỏ) vào các đường đặc biệt gọi là vi quản tới bề mặt chung, nơi tiếp giáp cả 2 tế bào. Tiếp đến, tế bào T chọc thủng bề mặt của tế bào ung thư và chuyển vào đó các protein độc của nó.

 

"Trong cơ thể của chúng ta, nơi các tế bào kết nối thành khối với nhau, việc tế bào T tập trung liều tấn công độc hại vào mục tiêu là cốt yếu, vì nếu không nó sẽ gây tổn hại tới cả các tế bào hàng xóm khỏe mạnh. Một khi các độc tố tế bào được tiêm vào tế bào ung thư, số phận của nó đã được định đoạt và chúng ta có thể quan sát thấy nó tàn tạ và chết đi. Tế bào T sau đó tiếp tục hành động, hăm hở tìm kiếm các nạn nhân mới", giáo sư Griffiths cho biết thêm.

Đoạn video do nhóm của giáo sư Griffiths tạo ra, đã cung cấp bằng chứng hình ảnh quý giá, giúp làm sáng tỏ cách thức hoạt động của tế bào T trong cơ thể người. Báo cáo nghiên cứu vừa được đăng tải trên tạp chí Immunity.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm