Phân tích

Không cho đấu giá trực tuyến là tụt hậu

Với các phương thức được đưa ra tại Dự thảo Luật Đấu giá tài sản, nhiều ý kiến cho rằng việc không cho phép đấu giá trực tuyến là “tụt hậu”
Ảnh minh họa
 
Đấu giá bằng bỏ phiếu
 
Nhằm minh bạch hóa, công khai hóa hơn nữa quá trình bán đấu giá tài sản, qua đó góp phần làm lành mạnh hóa và tăng cường hiệu quả của việc bán đấu giá, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người có tài sản và các bên tham gia đấu giá khắc phục tình trạng những người tham gia đấu giá liên kết với nhau để thông đồng, dìm giá và tình trạng người tham gia đấu giá bị tác động, khống chế khi trả giá, ngoài phương thức trả giá trực tiếp như quy định của pháp luật hiện hành, Dự thảo Luật nghiên cứu quy định một số phương thức bán đấu giá khác như đấu giá bằng bỏ phiếu và các hình thức khác.
 
Đại diện Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) cho rằng, quy định như Dự thảo là “quá đơn giản và truyền thống”. Đại diện này cho biết, trên thế giới hiện nay đã phổ biến hình thức đấu giá qua Internet hoặc qua tin nhắn, Việt Nam cũng đã áp dụng hình thức bán đấu giá qua trang Web, người nước ngoài không định cư ở Việt Nam cũng có thể tham gia. Do đó, đại diện này cho rằng quy định các hình thức như Dự thảo là tụt hậu, cần phải nghiên cứu bổ sung. 
 
Ông Hồ Quang Huy - Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm chia sẻ, từ kinh nghiệm đăng ký giao dịch bảo đảm cũng cho thấy, việc đăng ký theo phương thức truyền thống đã lỗi thời, không còn phù hợp, việc đăng ký qua hình thức điện tử đã phát huy hiệu quả trên thực tiễn. Ông Huy đề xuất Luật nên dành một chương riêng quy định về đấu giá điện tử. 
 
Còn ông Trương Khánh Hoàn, Vụ Pháp luật hình sự hành chính thì gợi ý, Luật chỉ nên quy định nguyên tắc cho phép đấu giá điện tử, còn cụ thể phương thức nào nên để Chính phủ quy định cho phù hợp tình hình.
 
Hủy kết quả đấu giá: Phải rõ trình tự
 
Theo quy định của pháp luật hiện hành về bán đấu giá tài sản thì kết quả bán đấu giá được hủy theo thỏa thuận của các bên (đối với tài sản thi hành án thì phải có thỏa thuận với người phải thi hành án), theo phán quyết của Tòa án hoặc theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính.
Tuy nhiên, thực tế bán đấu giá tài sản thi hành án phát sinh trường hợp người mua được tài sản và tổ chức đấu giá tuân thủ đúng các quy định, đã thực hiện các nghĩa vụ mà sau thời gian dài vẫn không nhận được tài sản nên có yêu cầu hủy kết quả bán đấu giá nhưng không thể thỏa thuận được với người phải thi hành án. 
 
Do vậy, Dự thảo Luật đã nghiên cứu, bổ sung quy định về việc hủy kết quả bán đấu giá trong trường hợp này để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người mua được tài sản bán đấu giá.
 
Cũng theo Dự thảo, trong trường hợp kết quả bán đấu giá tài sản bị hủy thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau tài sản đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải trả bằng tiền. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, đại diện Thanh tra Bộ Tư pháp nêu thực tế, khó khăn nhất hiện nay là việc hủy kết quả đấu giá như thế nào do pháp luật chưa có quy định cụ thể. Do đó, đại diện này đề nghị Dự thảo Luật cần quy định rõ trình tự hủy và cơ chế giải quyết việc hủy để việc áp dụng được thuận lợi. 
 
Hàng hóa dễ hỏng được đấu giá theo thủ tục rút gọn 
Bên cạnh trình tự, thủ tục chung, Dự thảo Luật quy định trình tự, thủ tục rút gọn để tạo điều kiện xử lý nhanh, phù hợp với thực tiễn đối với một số trường hợp đặc thù như hàng hóa dễ hư hỏng, hàng hóa có giá trị thấp, hàng hóa bán đấu giá không thành, bán đấu giá lại, qua đó tiết kiệm thời gian, chi phí cho việc xử lý tài sản. 
Cũng theo Dự thảo, khi bán những loại tài sản này, tổ chức bán đấu giá không phải thực hiện lại việc niêm yết thông báo đấu giá, thực hiện một lần thông báo công khai việc bán đấu giá trên phương tiện thông tin đại chúng của địa phương nơi có tài sản bán đấu giá trước ngày mở cuộc bán đấu giá.
 
Theo Pháp Luật Việt Nam
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo