Doanh nhân

Không có đam mê thì không thể thành công!

Là Chủ tịch Tập đoàn Quảng cáo JWT từ năm 31 tuổi, năm 33 tuổi, bà Chu Thị Hồng Anh trở thành Chủ tịch Tập đoàn Truyền thông Mindshare, nay gọi là GroupM.

 

Ba năm sau đó, bà thành lập Công ty Chu Thị, đơn vị tiên phong tham gia xã hội hóa truyền hình, sản xuất những chương trình truyền hình với lượng rating đến nay vẫn rất cao, như Sức sống mới, Yêu thương cuộc sống, Chúng tôi muốn biết, Nhà bẩn nhà sạch, Người nội trợ tài ba, và gần đây nhất là chương trình Bảy ngày vui sống đang phát sóng hằng ngày trên VTV1.

 

Điều đáng ngạc nhiên là bí quyết dẫn người phụ nữ này đến thành công rất đơn giản: “Cháy hết mình” cho những đam mê, ước mơ và sở thích cá nhân.

* Thành công khi còn rất trẻ, bà có nghĩ rằng mình gặp nhiều may mắn?

- Tôi rất may mắn khi có nhiều cơ hội đến với mình. Tôi thích làm việc và luôn tìm thấy niềm vui, ý nghĩa cũng như lợi ích của việc mình làm, dù có gặp nhiều thử thách và trở ngại. Có lẽ, điều này giúp tôi đến với thành công nhanh hơn dự định của chính mình.

Trong từng bước đường, tôi nghiệm ra, ai cũng đều phải trải qua những lúc thất bại, quan trọng là khả năng phục hồi và nhanh chóng bước tiếp con đường mình đã chọn.

* Được đánh giá là “tướng bà” ngành quảng cáo, với bà, danh hiệu này có là áp lực?

- Tôi nghĩ bất cứ công việc và chức danh nào đều phải có áp lực khi muốn làm tốt nhất và để mọi người không thất vọng về mình. Áp lực ở đây là trách nhiệm, sự trông cậy và tin tưởng của cộng sự.

Chính áp lực này đã giúp tôi vượt qua những lúc “xuống tinh thần” để luôn là chỗ dựa và là sự trông cậy cho những người làm việc với tôi. Như vậy, đôi lúc áp lực cũng là điều tốt.

* Với bà, thế nào là một người thành đạt?

- Đối với tôi, thành đạt không phải là có địa vị xã hội thật cao hay tài sản vật chất thật lớn, mà đó là sự yêu mến và trân trọng của người khác khi nhắc tới mình.

* Cụ thể là đối với nhân viên?

- Cuộc đời tôi chứng kiến nhiều thăng trầm, của gia đình có, của những người quanh mình có. Được đó rồi mất đó. Tôi biết, chỉ có tình người là quan trọng nhất. Cuộc đời này đủ ngắn và những bất trắc từ cuộc sống thì rất nhiều. Công việc là thứ mình có thể kiểm soát được, vậy thì, hãy làm việc cho cuộc sống này thêm vui.

Tôi làm việc với đồng nghiệp và nhân viên, luôn tâm niệm một điều là phải làm sao thúc đẩy được niềm đam mê trong công việc của nhân viên. Tôi mong muốn nhân viên của mình phải giỏi hơn, tốt hơn từng ngày để từ đó tôi có thể tin tưởng giao trách nhiệm mới.

Tôi thường giao công việc cho nhân viên cao hơn sức của họ một chút, đủ để cho họ vươn lên và học hỏi thêm nhiều hơn và tìm kiếm những thử thách mới trong công việc.

Nhân viên của tôi cần phải biết và tin rằng tôi luôn là hậu phương vững chắc của họ, luôn bên cạnh khi họ cần và sẵn sàng giải quyết những khó khăn họ gặp phải. Tôi khen chê phân minh nên luôn tạo được niềm tin nơi nhân viên. Nhìn thấy đàn em mình lớn khôn lên, điều đó cũng chính là niềm vui, là hạnh phúc của tôi.

* Trong công việc, bà đánh giá thế nào về vai trò của đam mê? Đã có bao giờ bà đắn đo về việc lựa chọn giữa đam mê và việc chạy theo công việc kinh doanh?

- Không có đam mê thì không thể thành công! Nhưng, phải có sự cân đối giữa đam mê và trách nhiệm. Đôi lúc, vì trách nhiệm mà tôi phải tạm gác đam mê sang một bên. Tôi có đam mê về nghệ thuật. Từ nhỏ, tôi luôn thích vẽ, đàn hát...

Nhưng gia đình tôi không muốn con gái đi theo ngành này nên không được đào tạo theo trường lớp chuyên nghiệp mà chỉ là học lén từ những phòng tranh hoặc phòng nhạc của những họa sỹ, nhạc sĩ nghiệp dư.

Tôi được cho ăn học và đi làm về kinh tế. Năm 1995, tôi bắt đầu làm việc tại Công ty Quảng cáo JWT. Khi đó, tôi được Công ty cho hai lựa chọn: Được đào tạo để trở thành giám đốc sáng tạo hoặc giám đốc điều hành.

Tôi chọn con đường trở thành giám đốc điều hành vì hoàn cảnh gia đình, kinh tế còn chưa vững vàng nên tạm gác lại niềm đam mê riêng.

Hơn nữa, giám đốc sáng tạo có thể là người nước ngoài vì khi ấy, ngành quảng cáo Việt Nam còn non trẻ, Công ty cần một người điều hành là dân bản xứ hiểu về phong tục tập quán, văn hóa, kinh tế, luật pháp... để góp phần xây dựng ngành quảng cáo nước ngoài ở Việt Nam.

Hiểu được vai trò quan trọng của ngành quảng cáo truyền thông, tôi chọn con đường này vì tôi thích được thử thách.

* Vậy thì trong hành trang của người phụ nữ thích thử thách, thưa bà, bà thường dùng những thứ thiết yếu gì?

- Mọi món đồ tôi chọn đều phải phù hợp với hoàn cảnh, công việc, độ tuổi và tính cách. Đầu tiên là son môi. Son là cách nhanh nhất để trang điểm khi cần thiết vì tôi không thường trang điểm khi đi làm.

Thứ nhì là điện thoại. Tôi đang dùng Nokia E7 để luôn kết nối với e-mail nhanh chóng và thuận tiện nhất. Tôi là người kỹ tính, đòi hỏi cao, vì vậy khi chọn điện thoại cũng phải có tính năng ứng dụng cao, thương hiệu và sản phẩm công nghệ ấy cũng phải thể hiện tính thời trang. Cuối cùng là kính mát, vì công việc đòi hỏi tôi thường phải ra ngoài.

* Có bao giờ, bà ngân nga câu hát “Xin cho lại từ đầu...?”

- Nếu được quay lại khởi nghiệp, tôi vẫn chọn nghề quảng cáo. Tôi luôn cảm thấy mình thật may mắn khi được làm và học hỏi trong ngành này.

Ngành quảng cáo và truyền thông đòi hỏi tính kiên nhẫn, chịu khó, sự bền bỉ, khả năng chịu áp lực và tính sáng tạo trong môi trường cạnh tranh cao. Vì vậy, tôi luôn trân trọng những người thành công trong lĩnh vực này.

Tôi sẽ tiếp tục xây dựng Chu Thị vì nó cho tôi sự tự do sáng tạo trong lĩnh vực kinh doanh và cả nghệ thuật, để tôi được sử dụng kinh nghiệm của mình vào điều tôi đam mê trong hiện tại và tương lai.

* Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này! 
 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo