Không có gì bảo đảm Mỹ sẽ ở lại Việt Nam mãi mãi
Chủ động nắm cuộc chơi
Theo thống kê mới nhất của AmCham, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Mỹ tăng từ 29,6 tỷ USD năm 2013 đến 36,3 tỷ USD trong năm 2014, tăng hơn 130 lần so với thời điểm năm 1994.
Thương mại hai chiều dự kiến đạt trên 36 tỷ USD. Mỹ đứng thứ 7 về đầu tư tại Việt Nam với 699 dự án (tổng số vốn gần 10,7 tỷ USD, không tính các dự án đầu tư thông qua nước thứ 3). Nhìn vào số liệu, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định, Mỹ đang tăng tốc đầu tư vào Việt Nam là diễn biến bình thường của một siêu cường về kinh tế.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng làn sóng đầu tư nằm trong chiến lược xoay trục của Mỹ để đối trọng lại Trung Quốc cả về chính trị và kinh tế nhưng vẫn là cơ hội tốt cho Việt Nam.
Ngoài việc phải nắm bắt thời cơ thế nào, theo ông Hiếu các cơ quan quản lý cần phải có biện pháp ngăn chặn những hình thức chuyển giá bất hợp pháp của các doanh nghiệp FDI. Quan trọng hơn là Việt Nam phải có chế tài buộc các doanh nghiệp của Mỹ chuyển giao một phần công nghệ cao cho Việt Nam.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu phân tích, lâu nay Việt Nam thu hút đầu tư thật nhiều nhưng cuối cùng vẫn chỉ là xưởng gia công, là đầu mối trung chuyển bán hàng cho các doanh nghiệp FDI để hưởng chút giá trị gia tăng từ lắp ráp, làm thuê, nhân công giá rẻ. Ngành công nghệ cao hoàn toàn không có gì, công nghiệp phụ trợ dậm chân tại chỗ. Đó là bất cập.
Vậy khi Intel đầu tư, Việt Nam sẽ nắm bắt cơ hội này thế nào? Theo vị chuyên gia này, lợi thế hiện tại của Việt Nam không chỉ là đông dân, nguồn nhân công giá rẻ, nhiều ưu đãi thuế quan… mà Việt Nam còn nằm ở vị trí địa chính trị rất quan trọng. Là điểm trung chuyển, kết nối giao thương giữa các nước trong khu vực, giữa Châu Á với các nước phương Tây. Đó là lý do Mỹ chọn Việt Nam để đầu tư.
“Nhưng liệu Việt Nam có nhìn ra lợi thế này và nắm bắt nó để làm chủ được cuộc chơi hay không?”, theo ông Hiếu lại phải dựa vào chính bản lĩnh của Việt Nam.
Theo ông Hiếu cho biết, 20 năm trước, Việt Nam đã có 3 đề án phát triển rất hoành tráng mà lẽ ra nó thành công, chắc chắn Việt Nam đã chạy một bước rất xa so với hiện tại.
Cụ thể là 3 đề án: Phát triển công nghệ thông tin, thành lập làng công nghệ thông tin; thứ hai là đề án phát triển công nghệ ô tô; thứ ba là đề án phát triển công nghệ hàng hải. Cả ba đều thất bại. Đó là những bài học phải nhớ. Còn làm thế nào để thành công đối với Việt Nam lúc này là cả vấn đề lớn.
Ông Hiếu cho rằng, Mỹ đầu tư vào là tốt nhưng không có gì bảo đảm Mỹ sẽ ở lại Việt Nam mãi mãi. Vẫn còn nhiều thị trường cơ khai, đầy tiềm năng Mỹ cũng muốn khai phá.
Do đó, một mặt chào đón Mỹ nhưng một mặt Việt Nam phải rất thận trọng, không để lệ thuộc vào một nhà đầu tư nào. Điều cốt yếu của Việt Nam là phải tự nâng cao được năng lực của mình, nâng cao tính cạnh tranh sẵn sàng đối diện với bất cứ chiến lược xoay trục của nhà đầu tư nào.
End of content
Không có tin nào tiếp theo