Nhiều ngân hàng đang mở “van” tín dụng cho vay mua nhà sau khi lĩnh vực này bị loại ra khỏi rổ phi sản xuất, trần lãi suất huy động về 13%/năm… Tuy nhiên, người cần vay vẫn ngán lãi suất
Các ngân hàng như HSBC, ACB, Indovina, ANZ, ABBANK… đang tích cực tìm kiếm khách hàng vay mua nhà với nhiều gói tín dụng ưu đãi, mặt bằng lãi suất đã giảm so với thời điểm trước. Giới chuyên gia tài chính cho rằng thị trường này chỉ thật sự sôi động khi mặt bằng lãi suất giảm sâu hơn về mức 15%-17%/năm.
Rộng cửa đón khách hàng
Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) đang triển khai chương trình tín dụng đặc biệt “Tích lũy từ lương, dựng xây tổ ấm” dành riêng cho khách hàng cá nhân, hộ gia đình vay mua, xây dựng hoặc sửa chữa nhà với mức lãi suất giảm 1%/năm. Chương trình nhằm hỗ trợ người thu nhập trung bình, có điều kiện xây dựng tổ ấm.
Ông Lê Quốc Nam, Giám đốc sản phẩm tín dụng cá nhân ACB, cho biết lãi suất cho vay trong chương trình này trung bình 18%-19%/năm, giảm 2,5% so với mức lãi suất trước đây. ACB dự kiến sẽ dành 1.000 tỉ đồng trong tổng “room” tín dụng mà ACB được phép tăng 17% trong năm 2012 cho khách hàng vay theo chương trình này. “Một số người bắt đầu nghĩ đến việc tìm NH vay tiền mua nhà khi lãi suất cho vay giảm và giá nhà đất đang ở mức khá thấp” - ông Lê Quốc Nam nhận xét.
HSBC vừa hạ lãi suất các khoản vay dành cho cá nhân để mua nhà, sửa chữa nhà để ở… Mức lãi suất ưu đãi dành cho khách hàng lần đầu vay thế chấp với NH là 15,9%/năm và mức lãi suất dài hạn tốt nhất dành cho khách hàng vay thế chấp vào khoảng 18,9%/năm. Lãi suất cho vay dài hạn dành cho các cá nhân đã giảm khoảng 2% trong vài tuần qua.
Theo ông Godfrey Swain, Giám đốc Khối Dịch vụ tài chính cá nhân và quản lý tài sản HSBC, cho vay mua nhà là sản phẩm được ưu tiên bởi HSBC đánh giá đây là thị trường rất tiềm năng. Với mức tăng trưởng tín dụng được phân bổ trong năm 2012 là 17%, HSBC có nhiều lợi thế hơn trong việc hỗ trợ khách hàng và phát triển mảng cho vay khách hàng cá nhân. Đặc biệt, NH sẽ chú trọng hỗ trợ những cá nhân, gia đình có nhu cầu trả khoản vay từ lương và thu nhập thường xuyên.
Với mức tăng trưởng tín dụng cao nhất dành cho ngân hàng nhóm 1 là 17%, thay vì khách hàng cá nhân, nhiều ngân hàng tập trung cho các đối tượng ưu tiên, doanh nghiệp nhỏ và vừa vay để sản xuất, kinh doanh. Ông Phạm Thiện Long, Phó Tổng giám đốc HDBank |
ANZ cũng triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất cho các khoản vay mua nhà có tài sản thế chấp là bất động sản. Theo đó, các khoản giải ngân lần đầu từ 500 triệu đồng trở lên trong ba tháng đầu sẽ hưởng lãi vay 17,5%/năm. Khách hàng thuộc nhóm ưu tiên sẽ được hưởng mức lãi suất 17%/năm cho các khoản giải ngân trong ba tháng đầu tiên…
Một số ngân hàng khác cũng đưa ra gói tín dụng ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân, vay mua nhà, sửa chữa nhà. Indovina đánh giá: Tín dụng mua nhà sẽ là nguồn thu dài hạn khá tốt cho các NH và luôn dành chỉ tiêu đáng kể cho vay lĩnh vực này. Đặc biệt, với các dự án tốt, khách hàng sẽ tiếp cận được lãi vay “mềm” hơn.
Băn khoăn lãi suất, phí
Thực tế, người có nhu cầu mua nhà vẫn ngán loại hình vay vốn này. Anh Trần Đức, nhà ở quận Gò Vấp - TP. Hồ Chí Minh, vay tiền của một ngân hàng quốc doanh để mua nhà với lãi suất từ 1,65% - 1,7%/tháng (tương đương 19,8% -20,4%/năm), đến nay vẫn còn nợ ngân hàng 200 triệu đồng và có cảm giác “trả hoài không hết”. Tại Indovina, từ đầu năm đến nay chưa có nhiều người hỏi vay mua nhà dù ngân hàng này luôn sẵn sàng chào đón, tìm kiếm khách hàng. Hiện mức lãi suất cho vay mua nhà Indovina đang áp dụng là khoảng 19%/năm, đã giảm khoảng 2%-2,5%/năm so với thời điểm trước.
Các ngân hàng nhìn nhận rằng muốn khách hàng mặn mà vay vốn thì lãi suất phải thật sự thấp. Thực tế, các căn hộ hiện nay có giá trung bình khoảng 1 tỉ - 1,5 tỉ đồng, số căn hộ giá thấp rất ít. Với căn hộ một tỉ đồng, khách hàng phải có sẵn 500 triệu đồng bởi ngân hàng thường hỗ trợ 50% giá trị căn hộ. 500 triệu đồng tiền vay ngân hàng, nếu lãi suất 15%/tháng thì khách hàng phải trả trung bình trên 10 triệu đồng/tháng cả gốc và lãi trong vòng 10 năm.
Đồng thời, điều người vay tiền mua, xây nhà quan ngại là cơ sở nào để ngân hàng tăng - giảm lãi suất cho vay, thu phí trả nợ trước hạn? Theo các ngân hàng, việc điều chỉnh tùy vào thị trường hoặc chi phí đầu vào tăng hay giảm. Có ngân hàng điều chỉnh lãi vay mua nhà một tháng/lần, nhiều ngân hàng khác thay đổi lãi vay ba đến sáu tháng/lần nhưng khi khách hàng chọn lãi suất điều chỉnh ba tháng/lần sẽ bị áp lãi vay cao hơn so với sáu tháng/lần.
Liên quan đến phí trả nợ trước hạn, một số ngân hàng cho vay với lãi suất thấp nhưng kèm theo quy định ba năm đầu bên vay không được trả nợ trước hạn. Nếu khách hàng kiên quyết trả nợ trước hạn, ngân hàng sẽ thu phí 4%/số tiền trả nợ trước hạn. Thế nên, dù nhiều ngân hàng đã mở “van” tín dụng mua nhà trở lại sau một năm bị hạn chế với chương trình ưu đãi nhưng “cửa” vay mua nhà vẫn hẹp.
TS Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Tài chính ngân hàng - Trường ĐH Mở TP. Hồ Chí Minh, nhận định: “Vấn đề không phải từ ngân hàng mà chính là do khách hàng không muốn vay. Theo Chỉ thị 01 của ngân hàng Nhà nước, cho vay mua nhà từ lương hay các dự án sẽ hoàn thành trong năm 2012 được tách ra khỏi rổ phi sản xuất…, dù có mở cho một số đối tượng nhưng chỉ tác động lớn đến ngân hàng chứ không phải người đi vay. Người mua nhà vẫn ngán lãi suất ở mức trên 20%/năm”.
Theo đánh giá của HSBC, người vay còn kỳ vọng lãi suất sẽ giảm sâu hơn nữa trong thời gian tới. Chi phí vay vốn hiện nay dù đã giảm song vẫn còn quá cao so với thu nhập của phần lớn người làm công ăn lương. Nếu lãi suất tiếp tục được kiềm chế, xu hướng giảm dần của mặt bằng lãi suất trong dài hạn sẽ rõ hơn để chi phí lãi vay mua nhà nằm trong mức mà khách hàng có thể “hào hứng” vay trở lại.
Theo NLĐ