Hiệp hội doanh nghiệp

Không định danh Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam là rất đáng tiếc!

(DNVN) - Khẳng định vai trò của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đối với cộng đồng doanh nghiệp là rất lớn nên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông và ông Nguyễn Văn Phúc - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đều cảm thấy tiếc nuối khi Dự thảo mới nhất trình Quốc hội thông qua không ghi tên Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam...

Tại buổi tọa đàm "Doanh nghiệp được hưởng gì từ Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa?" diễn ra chiều 6/6, một lần nữa vấn đề về vai trò của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong Dự thảo Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa được đem ra bàn luận.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam có vai trò rất quan trọng đối với cộng đồng doanh nghiệp, Hiệp hội cũng đã theo sát Ban soạn thảo trong quá trình xây dựng Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa.

"Bản thân ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng là thành viên trong Ban soạn thảo cùng với chúng tôi đã nắm bắt rất sát, rất rõ rồi phân tích những nhu cầu thiết thực của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đó là hỗ trợ về hiểu biết pháp luật, khoa học công nghệ, thông tin thị trường, hỗ trợ về tiếp cận vốn, tiếp cận đất đai là những thứ mà hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa đều mong muốn", ông Đông cho biết.

Ông Đông cũng cho biết, hiện nay, các cơ quan quản lý Nhà nước đang thiết kế vai trò của các Hiệp hội đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. "Chúng tôi đang thử làm với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cùng với các Hiệp hội chi nhánh phối hợp việc thẩm định các doanh nghiệp. Chúng tôi có Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, bình thường thì có các ngân hàng ủy thác thẩm định trên cơ sở hồ sơ doanh nghiệp đưa đến. Sau đó, Quỹ và chuyên gia sẽ đến thẩm định", ông Đông nói.

Các vị khách mời tại buổi tọa đàm.

"Trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp ở địa phương gửi hồ sơ lên, chi nhánh ngân hàng đã đi kiểm tra, thẩm tra, nhưng để giảm thiểu rủi ro cho hệ thống tín dụng và Quỹ. Chúng tôi định nhờ Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa ở địa phương đó vào doanh nghiệp thẩm tra để làm một tham chiếu khác trong hồ sơ, bảo đảm tính an toàn tín dụng và giám sát xem doanh nghiệp sử dụng tiền có đúng hồ sơ vay không. Như vậy, vai trò của các Hiệp hội đúng là phục vụ cho hội viên của họ chứ không phải 1 năm 2 lần họp hội nghị, tổng kết, báo cáo. Đối với hệ thống tín dụng sẽ có thêm 1 kênh kiểm tra", vẫn lời lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Ông Đặng Huy Đông cũng nói thêm, Nghị quyết 35 yêu cầu các địa phương phải tiếp xúc doanh nghiệp. Một số địa phương làm rất tích cực nhưng nếu như lãnh đạo tỉnh trực tiếp gặp 20-30 doanh nghiệp với rất nhiều vấn đề, trong đó rất nhiều vấn đề diễn đạt không rõ hoặc đề xuất không tương ứng với các quy định pháp luật.

Vì vậy, Thứ trưởng Đông cho biết đã đề xuất Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các địa phương thu thập những vấn đề của các doanh nghiệp trong tháng để chuẩn bị cho nội dung của cuộc họp tiếp xúc của chính quyền địa phương với doanh nghiệp. Như thế sẽ hiệu quả hơn rất nhiều và tránh được tiêu cực để tránh tiếp xúc với từng doanh nghiệp.

"Không thể nào mà chính quyền địa phương tiếp xúc với hàng chục doanh nghiệp một lúc để tiếp thu các kiến nghị của doanh nghiệp. Bởi mỗi doanh nghiệp lại có một ý kiến khác nhau, hoặc doanh nghiệp có thể cũng chưa thể diễn đạt được hết vấn đề để chính quyền hiểu. Vì vậy, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ đứng ra tập hợp các ý kiến để đề xuất với chính quyền", ông Đông nói.

Cũng theo vị này, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các nước đều có và rất cần thiết, các diễn đàn thế giới, định chế thề giới như WTO cũng có chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, APEC cũng có các diễn đàn doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ở các nước có các đối tác là các Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, có thể còn băn khoăn là Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa chúng ta chưa mạnh, chưa phát triển là vì họ chưa được đặt đúng vị trí.

 

"Vì thế phải đưa Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam vào Luật hóa để theo thời gian, dần dần người ta phát triển tốt hơn, người ta củng cố năng lực để tiệm cận, đáp ứng được yếu cầu cao nhất của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đề doanh nghiệp được hỗ trợ bài bản hơn thì phải nhờ chính Hiệp hội, bởi tiếng nói của họ mạnh hơn và làm việc với chính quyền cũng sẽ hiệu quả hơn. Nhưng đáng tiếc là có những ý kiến băn khoăn về điều này trong dự thảo và chúng tôi đang bảo vệ quan điểm trên", ông Đông băn khoăn.

Đồng tình với quan điểm của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Văn Phúc - chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, trong dự thảo mới nhất, chuẩn bị trình Quốc hội thông qua không ghi tên Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng như các Hiệp hội ngành khác là rất đáng tiếc.

"Tôi rất lấy làm tiếc vì Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa thì tổ chức mà đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa là Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đáng nhẽ phải được ghi tên ở trong Luật".

"Ghi tên không phải để cho oai, mà là để xác định vị trí và trách nhiệm của anh đối với cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa mà mình đại diện. Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng đã có những phát biếu, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đề nghị định danh nhưng có lẽ là do còn có ý kiến khác nhau nên không ghi tên cụ thể", ông Phúc nói.

Theo ông Phúc, trong Điều 26 của Dự thảo mới ghi là “trách nhiệm của các tổ chức xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp" với doanh nghiệp còn rất chung chung vì vậy cần phải ghi rõ vai trò, trách nhiệm của từng tổ chức, Hiệp hội.

 

"Theo tôi, phải có một kiến nghị mạnh mẽ để Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam được định danh trong Luật. Theo dự thảo mới nhất, Hiệp hội này vẫn chưa được định danh trong Luật, đây là một điều đáng tiếc cho Hiệp hội và cả cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa khi tiếng nói, vai trò tổ chức đại diện của họ bị hạn chế", ông Phúc nhắc lại một lần nữa.

Bổ sung thêm, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho rằng, cần đưa Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam vào Luật để định danh, chính danh và pháp lý hóa. "Tôi cho rằng điều gì thuyết phục nhất, là lựa chọn tốt nhất thì nên làm và cần nâng cao vai trò của tổ chức đại diện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa", ông Đông nói.

Nên đọc
VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo