Không nên “bắt buộc” giao dịch bất động sản qua sàn
“Sàn giao dịch bất động sản (BĐS) là kênh chọn lựa của các bên, nhưng không nên bắt buộc. Sàn giao dịch BĐS hoạt động không hiệu quả thì đừng bắt xã hội phải chui qua lỗ kim đó”, ông Nguyễn Văn Đực – Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS Thành phố HCM chia sẻ.
PV: Vừa qua trong Dự thảo Luật Bất động sản có đưa ra điều khoản bỏ giao dịch bất động sản qua sàn, ông nghĩ sao về điều khoản này?
Ông Nguyễn Văn Đực: Theo quy định hiện hành được đề cập trong Luật Kinh doanh bất động sản năm 2007, mọi giao dịch bất động sản phải thông qua các sàn giao dịch chính thức được cơ quan quản lý cấp phép. Các giao dịch không qua sàn đều bị cho là vi phạm luật. Để đưa việc giao dịch bất động sản qua sàn vào thực tế, Nghị định 23/2009/NĐ-CP cũng quy định các hình thức xử phạt rất nghiêm đối với những giao dịch không qua sàn.
Quy định này dẫn tới việc các thị trường trọng điểm như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng… nở rộ việc thành lập sàn giao dịch BĐS. Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, tính đến tháng 3/2013, cả nước đã có 1.012 sàn giao dịch bất động sản. Thói quen mua bán nhà qua sàn cũng phổ biến hơn, chứng tỏ bắt đầu có sự chuyên nghiệp hóa trong hoạt động của các sàn giao dịch.
Trên thực tế, một số quy định về việc thành lập và quy chế hoạt động của sàn giao dịch BĐS được quy định trong Luật Kinh doanh bất động sản đến nay không còn phù hợp, vừa gây khó khăn cho cơ quan quản lý, vừa gây khó khăn cho hoạt động của các sàn giao dịch. Đặc biệt, khi thị trường đóng băng, hàng loạt sàn giao dịch BĐS đã giải thể hoặc đóng cửa, chỉ còn một số lượng nhỏ hoạt động cầm chừng.
PV: Vậy theo ý ông là nên bỏ giao dịch BĐS qua sàn?
Ông Nguyễn Văn Đực: Hiện nay do thị trường gặp khó khăn nên các sàn cũng hoạt động yếu kém, nhưng theo tôi không nên vì yếu tố thị trường hoặc do những quy định đã lạc hậu trong Luật hiện hành mà bỏ quy định theo hướng minh bạch là giao dịch BĐS phải thông qua sàn. Đặc biệt, đề xuất này khiến không ít sàn giao dịch bị choáng.
Một yếu tố nữa cần cân nhắc là quy định buộc mọi giao dịch phải qua sàn đã khiến nhiều sàn giao dịch bỏ ra nhiều tiền bạc xây dựng cơ sở vật chất, cũng như đội ngũ bán hàng chuyên nghiệp. Việc bỏ quy định giao dịch qua sàn có thể khiến nhiều sàn giao dịch phải đóng cửa. Ngoài ra, nó còn có thể dẫn đến một loạt hệ quả như Nhà nước thất thu thuế, khó kiểm soát thị trường. Bởi một khi thị trường nóng trở lại, việc làm giá, tiền chênh sẽ lại mặc sức hoành hành mà không có ai quản lý, khiến người có nhu cầu mua nhà chịu thiệt.
PV: Mặc dù các sàn giao dịch BĐS hiện nay hoạt động yếu kém, nhưng theo ông việc giao dịch qua sàn sẽ có lợi gì cho khách hàng?
Ông Nguyễn Văn Đực: Với quy định phải giao dịch qua sàn, khách hàng sẽ yên tâm hơn vì hồ sơ pháp lý và những rủi ro đã được một trung gian chuyên nghiệp kiểm định, sàng lọc. Việc quy định giao dịch qua sàn đã khiến thị trường chuyên nghiệp hơn rất nhiều. Nhờ đó, chủ đầu tư có thời gian tập trung chuyên môn phát triển dự án, trong khi việc bán hàng sẽ do sàn giao dịch đảm nhiệm.
Nếu lại bỏ quy định giao dịch qua sàn, người mua nhà sẽ phải trải qua nhiều khâu tìm hiểu và dễ dàng bị lợi dụng. Trong khi đó, hàng loạt sàn giao dịch đã đầu tư rất nhiều tiền bạc trước đó có nguy cơ phải giải thể.
PV: Vậy làm thế nào để khắc phục những yếu kém của các sàn hiện nay, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Đực: Hiện nay có nhiều sàn đã liên minh lại với nhau, xu hướng các sàn liên minh lại với nhau và rất nhiều sàn giao dịch BĐS nhỏ lẻ phải giải thể cũng cho thấy, chỉ có các sàn có tiềm lực tài chính, năng lực thẩm định dự án nhất định mới có thể tồn tại trong bối cảnh thị trường ngày càng sàng lọc gay gắt. Chính vì vậy, cơ quan quản lý thay vì hủy bỏ quy định giao dịch BĐS phải qua sàn, thì có thể quy định lại theo hướng nâng cao điều kiện thành lập sàn giao dịch cũng như kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động của cơ chế trung gian này.
PV: Vậy theo ông, điều khoản trên của Luật kinh doanh BĐS cần phải điều chỉnh thế nào cho hợp lý?
Ông Nguyễn Văn Đực: Sàn giao dịch BĐS là kênh chọn lựa của các bên, nhưng không nên bắt buộc. Sàn giao dịch BĐS hoạt động không hiệu quả thì đừng bắt xã hội phải chui qua lỗ kim đó.
Có lẽ cũng nhận thấy quy định này đang gây nhiều trở ngại về thủ tục và cũng không quản lí được thực chất thị trường, nên dự thảo Luật Kinh doanh BĐS đã chuyển hướng khuyến khích giao dịch qua sàn, thay cho bắt buộc
Dỡ bỏ quy định bắt buộc giao dịch địa ốc qua sàn nếu nhìn trên tổng thể, như vậy, đang có ý nghĩa tích cực giúp các chủ thể tham gia thị trường địa ốc có thêm quyền lựa chọn. Bản thân các sàn cũng phải đẩy mạnh chất lượng dịch vụ và thực sự đảm bảo công khai, minh bạch, đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng nhằm thu hút người giao dịch qua sàn.
Đây là quyết định sáng suốt nhằm tăng tính chuyên nghiệp hóa và cải thiện mọi thủ tục rườm rà để thị trường địa ốc phát triển. Tuy nhiên, cùng với đó, cơ quan quản lý cần phải có những nghiên cứu cụ thể để đảm bảo chính sách mới này sẽ không tiếp tục bất cập vào 7 năm sau?
Như Trâm
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo