Doanh nghiệp

Không nên phê phán doanh nghiệp FDI

(DNVN)-Thừa nhận bất cập trong hoạt động của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, song theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, khối FDI đã đóng góp nhiều cho Việt Nam trong 20 năm qua, nhất là tạo công ăn việc làm. Do vậy, không nên kỳ thị doanh nghiệp FDI.

Tại phiên Quốc hội thảo luận phát triển kinh tế - xã hội diễn ra ngày 08/6, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh phát biểu, thu hút doanh nghiệp FDI sẽ tạo điều kiện cho chuyển giao công nghệ, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động và mở rộng hội nhập với thế giới. 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh (Ảnh VNE)

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh (Ảnh VNE)

Nếu nhìn vào tỷ trọng khu vực FDI trong GDP không ngừng tăng nhanh, đặc biệt trong cơ cấu xuất nhập khẩu, năm 2014 khu vực FDI chiếm gần 60% kim ngạch nhập khẩu và hơn 65% kim ngạch xuất khẩu của nền kinh tế là vấn đề bình thường.

“Tỷ trọng DN trong nước ngang bằng với DN FDI là mong muốn nhưng không phải vì thế mà chúng ta đóng cửa không cho DN FDI vào”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh chia sẻ.

Vấn đề đặt ra là tỷ trọng giữa FDI với doanh nghiệp trong nước, chính là làm sao để doanh nghiệp trong nước phát triển là điều tất cả chúng ta đều mong muốn và Chính phủ mong muốn.

"Bây giờ chúng ta thử hình dung nếu không cho doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam hoặc hạn chế đến mức tối đa thì nền kinh tế của chúng ta gặp rất nhiều khó khăn", Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư nhìn nhận.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh dẫn chứng như tập đoàn Samsung vào Việt Nam, một nhà máy ở Thái Nguyên cũng giải quyết công ăn việc làm cho hơn 40 nghìn lao động, với mức lương bình quân từ 5 đến 10 triệu đồng/tháng. Các DN lớn như Samsung khi đầu tư vào Việt Nam rất mong các DN Việt Nam phát triển nhóm công nghiệp phụ trợ, cung cấp cho Samsung để khỏi mất chi phí nhập khẩu linh kiện. Tuy nhiên, chúng ta lại chưa đáp ứng được.

Bộ trưởng Vinh cũng cho rằng, không nên so sánh việc thu hút FDI cùng kỳ năm nay so với cùng kỳ năm trước, bởi vì việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là việc “bắc nước chờ gạo người”. Quyết định đầu tư hay không, không chỉ là mong muốn đầu tư của Việt Nam mà còn phụ thuộc vào các nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi họ phải chịu rất nhiều tác động của chính tập đoàn bên nước ngoài, hay họ bị vỡ nợ, sa lầy vào chính những dự án của tập đoàn họ đang triển khai.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh rằng, cơ hội cho các DN Việt Nam đang rất rộng mở, trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cùng Thủ tướng các nước thành viên Liên minh Kinh tế Á-Âu (EEU), bao gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan, đã ký chính thức Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu vào cuối tháng 5 vừa qua.

Quy mô GDP của 5 quốc gia này đạt khoảng 4.500 tỷ USD, cao hơn nhiều mức 2.500 tỷ USD của 10 nước ASEAN. Trong khi đó, EEU đã dành cho Việt Nam nhiều ưu đãi, tạo thêm nhiều cơ hội xuất khẩu quan trọng đối với các nhóm hàng Việt Nam có lợi ích cơ bản.

Sẽ có cú hích cho DN nhỏ và vừa

Hiện nay DN nhỏ và vừa của Việt Nam chiếm trên 97% tổng số DN cả nước, đóng góp 50% GDP, 33% thu NSNN, tạo ra 62% việc làm cho người lao động, đóng góp 49% vào việc tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, quy mô vốn bình quân của mỗi DN nhỏ và vừa quá nhỏ bé, chỉ ở mức 4 - 7 tỷ đồng/DN và không được cải thiện trong nhiều năm.

“Tôi rất mừng tại kỳ họp này nhiều đại biểu đề nghị cần thiết phải có Luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa nhằm đưa ra hệ thống các giải pháp toàn diện thông qua thiết lập nguyên tắc, chính sách, chương trình để hỗ trợ DN nhỏ và vừa phát triển độc lập và sáng tạo. Xác định rõ trách nhiệm của Chính phủ, các tổ chức liên quan trong việc hỗ trợ DN nhỏ và vừa, góp phần vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế quốc gia và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh phát biểu.

Mặt khác, các DN hoạt động trong lĩnh vực phụ trợ là DN vừa và nhỏ phát triển. Vấn đề làm sao để DN này phát triển, giảm chi phí nhập khẩu từ nước ngoài vì nhiều lý do mà đến nay chúng ta chưa làm được.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cam kết: “Bộ Kế hoạch- Đầu tư đang tích cực hoàn thiện dự án Luật này để năm 2016 các DN nhỏ và vừa sẽ được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ”.

Trước đó, chia sẻ với báo giới PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tiết lộ, ông đề nghị Quốc hội, Chính phủ có gói hỗ trợ lãi suất vay trung và dài hạn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trên một số diễn đàn, PGS-TS Trần Hoàng Ngân từng đề cập Chính phủ nên có gói hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng trung và dài hạn, với lãi suất thấp và ổn định trong 5 - 10 năm, để có nguồn vốn mua máy móc, thiết bị, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh. Bởi vì chúng ta đã mở toang cánh cửa hội nhập kinh tế, trong khi doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm 97% tổng số doanh nghiệp) vốn mỏng, công nghệ lạc hậu, trình độ quản lý không theo kịp với tiến trình hội nhập.

NM (T/H)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo