Bất động sản

Không thể khống chế giá trần cho nhà ở xã hội

"Tùy từng điều kiện, tùy từng loại nhà thì nó có giá thành xây dựng khác nhau, và chúng ta chỉ cho phép chủ đầu tư được lãi định mức là 10%. Như vậy cũng là khống chế giá thành cho nhà ở rồi, còn nếu chúng ta khống chế nhà ở xã hội (NOXH) chỉ được phép bán 10 triệu hoạc 8 triệu 1 mét vuông thì không phù hợp", ông Nguyễn Mạnh Hà – Cục trưởng Cục quản lý nhà - Bộ Xây dựng chia sẻ về vấn đề hình thành mức gía trần cho NOXH.

Ông Nguyễn Mạnh Hà - Cục trưởng Cục Quản lý nhà - Bộ Xây dựng

PV: Việt Nam đã học được những kinh nghiệm gì của thế giới trong việc phát triển mô hình NOXH?

 
Ông Nguyễn Mạnh Hà: Dù ở chế độ nào thì việc chăm lo phát triển nhà ở, đặc biệt đối với các đối tượng thu nhập thấp cũng phải đề cập đến. Đặc biệt là Chính phủ các nước đều có 1 nguyên tắc chung về hỗ trợ nhà ở đó là nhà nước phải có trách nhiệm để tạo điều kiện cho những người thu nhập thấp, người nghèo trong xã hội có điều kiện để tiếp cận nhà ở một cách phù hợp nhất. 
 
Điều này cũng phù hợp với chủ trương của Chính phủ Việt Nam trong thời gian vừa qua. Chỉ có điều là cách thức triển khai thực hiện thì mỗi nước một khác. Phụ thuộc vào điều kiện, khả năng kinh tế của mỗi nước, phụ thuộc vào điều kiện văn hóa truyền thống và điều kiện tự nhiên của mỗi một quốc gia. Vì vậy mà chúng ta phải chắt lọc, phải nghiên cứu những kinh nghiệm phù hợp nhất để áp dụng vào Việt Nam.
 
PV: Thưa ông, trong thời gian tới mình sẽ áp dụng giải pháp nào cho việc quản lý và phát triển NOXH?
 
Ông Nguyễn Mạnh Hà: Thứ nhất, về khung pháp lý cho việc phát triển NOXH thì cơ bản đã được hoàn thành, đặc biệt là việc phê duyệt chiến lược nhà ở quốc gia đến năm 2020 của Thủ tướng chính phủ vào tháng 11/2011 vừa qua. Và nghị định 188 năm 2013 về quản lý và phát triển NOXH đã tạo ra một khung pháp lý chung cho việc phát triển NOXH. 
 
Vấn đề mà chúng ta cần phải triển khai sắp tới là khảo sát nhu cầu thực của các địa phương về nhu cầu NOXH cho từng loại đối tượng để xác định rõ được nhu cầu, từ đó hoạch định ra kế hoạch để triển khai thực hiện. Chúng ta phải triển khai từ vấn đề kế hoạch, quy hoạch, đất đai, tài chính, vốn cho việc phát triển nhà ở xã hội. Đồng thời tạo điều kiện để người dân có thể lựa chọn được nhà ở phù hợp với nhu cầu của mình.
 
Tùy từng loại đối tượng, ví dụ người thu nhập thấp tại khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp, người nghèo ở khu vực nông thôn … Tùy từng đối tượng chúng ta sẽ có những mô hình thích hợp để phát triển NOXH phục vụ cho các đối tượng đó.
 
PV: Một số ý kiến cho rằng phát triển NOXH cần phải tránh mang màu sắc bao cấp, ông có bình luận như thế nào về vấn đề này?
 
Ông Nguyễn Mạnh Hà: Thứ nhất, vấn đề này đã được thể hiện trong chiến lược phát triển nhà ở quốc gia cũng như trong các nghị định, trong các cơ chế chính sách của Chính phủ về phát triển NOXH. Và sắp tới sẽ được luật hóa thành luật trong việc sửa đổi Luật Nhà ở. 
 
Việc phát triển NOXH, một trong những nguyên tắc cơ bản là nhà nước, xã hội và trách nhiệm của người dân. Do vậy, nhà nước có chính sách tạo điều kiện và hỗ trợ một phần các khoản như tiền sử dụng đất hoặc là hỗ trợ tín dụng, vay vốn ưu đãi cho những người mua nhà và chủ đầu tư. Nhưng cái chủ yếu vẫn là sự cố gắng, sự vào cuộc của người dân để người dân phải có việc tiết kiệm, tạo thêm thu nhập, làm sao để trả lại được tiền vay cũng như tạo lập nhà ở cho mình.
 
PV: Trong phiên họp thường vụ Quốc hội vừa qua, một số ý kiến cho rằng Bộ Xây dựng nên đưa ra quy đinh khống chế mức giá trần NOXH đề tránh việc NOXH quá cao, theo ông giải pháp này có khả thi không?
 
Ông Nguyễn Mạnh Hà: Chúng ta nói khống chế giá nhà thì không phù hợp lắm nhưng nhà nước đã khống chế lãi định mức cho doanh nghiêp, doanh nghiệp làm NOXH thì cũng phải thu được vốn đầu tư về cho mình chứ chúng ta không thể khống chế. Tùy từng điều kiện, tùy từng loại nhà thì nó có giá thành xây dựng khác nhau, và chúng ta chỉ cho phép chủ đầu tư được lãi định mức là 10%. Như vậy cũng là khống chế giá thành cho nhà ở rồi, còn nếu chúng ta khống chế NOXH chỉ được phép bán 10 triệu hoạc 8 triệu 1 mét vuông thì không phù hợp. 
 
Vì phải tùy từng loại nhà, nhà cao, hoặc những nơi xử lý nền móng phức tạp thì giá thành sẽ tăng cao. Chúng ta không thể khống chế theo một mức cố định mà chỉ có thể khống chế trên cơ sở lãi định mức của doanh nghiệp mà thôi.
 
PV: Một số quan điểm cho rằng Bộ Xây dựng cần đưa ra mô hình về việc xây dựng NOXH để các doanh nghiệp dễ áp dụng, ông có ý kiến gì về điều này?
 
Ông Nguyễn Mạnh Hà: Mô hình NOXH đã có, về vấn đề tiêu chuẩn thiết kế đã quy định từ 30-70m2/căn hộ. Hiện nay đã mở rộng ra nhà ở thấp tầng, khu đô thị nhỏ hoặc những vùng xa đất đai vẫn còn khả năng đáp ứng cho phép làm NOXH thấp tầng chứ không thể khống chế cụ thể xây 5 tầng, 7 tầng hay 15 tầng. Bởi nó phụ thuộc quy hoạch từng vùng đất, do vậy nhà nước chỉ quy định mức tối thiểu cặn hộ của nhà bao nhiêu mét vuông và mức tối đa làm căn hộ NOXH mà thôi. Chứ không thể quy định tiêu chuẩn NOXH phải bao nhiêu phòng, bao nhiêu tầng cao … Như vậy quy định về tiêu chuẩn đã có rồi.
 
PV: Doanh nghiệp xây NOXH tính giá theo công thức nào thưa ông?
 
Ông Nguyễn Mạnh Hà: Các suất đầu tư, xây dựng phải có dự toán, quyết toán bao nhiêu thì vay vốn bấy nhiêu, nó có sổ sách hết chứ không phải ra ngoài mua một mớ rau. Giá đất do nhà nước quy định, đền bù phải có chứng từ. Tất cả những việc đầu tư lên một công trình đều phải có dự toán, chúng từ, quyết toán công trình. Các chủ đầu tư vào bao nhiêu thì nhà nước phải biết. Nhà ở thương mại cũng vậy, đầu tư bao nhiêu, bán bao nhiêu thì phải nộp thuế. Nếu bảo không biết thì làm sao nhà nước thu thuế được. 
 
PV: Theo ông NOXH có giá bao nhiêu là hợp lý?
 
Ông Nguyễn Mạnh Hà: Giá phụ thuộc vào vị trí, ví dụ, nhà cao 20, 30 tầng giá cao hơn nhà 1 tầng, nhà thấp tầng.
 
PV: Tại sao giá NOXH lại phải tính theo giá tạm tính chứ không tính ngay ban đầu?
 
Ông Nguyễn Mạnh Hà: Bởi phải theo quyết toán, khi bắt đầu người ta bán khi mới xây xong móng, có những công trình xây xong móng đến khi bàn giao được phải mất 2 năm. Ví dụ: 20 tầng, mỗi tầng nhanh cũng phải mất 20 ngày mới xong không thì phải một tháng mới xong một phần để hoàn thiện. 20 tầng là 20 tháng thì mất khoảng 2 năm mới xong. Khi bắt đầu bán cho đến khi hoàn thiện giá thay đổi do vậy giá khi bán mới là giá tạm tính. Khi quyết toán xong mới là giá hiện thực.
 
Như Trâm (Thực hiện)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo