Không xảy ra khan hiếm hàng hóa hay “sốt” giá trong dịp Tết
Hàng nghìn điểm bán hàng bình ổn giá
Thông tin Bộ Tài chính công bố ngày 19/2 cho biết, qua kiểm tra và nắm bắt tình hình cho thấy, các tỉnh, thành phố đã kịp thời quán triệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương để ban hành các văn bản, Chỉ thị tăng cường công tác quản lý điều hành và bình ổn giá, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Bính thân 2016 trên địa bàn tỉnh.
Kế hoạch triển khai công tác bình ổn thị trường giá cả dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, về cơ bản UBND các tỉnh đã chỉ đạo doanh nghiệp (DN) trên địa bàn thực hiện dự trữ hàng hóa với những hình thức, cách làm phù hợp với nhu cầu và tình hình thực tế tại địa phương mình.
Trong đó, một số địa phương đã thực hiện chương trình bình ổn thị trường theo hướng mở rộng quy mô, đi vào chiều sâu, xã hội hóa, không sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Tại Hà Nội, có 10 DN tham gia chương trình bình ổn thị trường với tổng giá trị khoảng 2.566 tỷ đồng, tổ chức bán các mặt hàng thiết yếu tại 1.164 điểm bán hàng, 12 phiên chợ Việt, 9 Tuần hàng Việt, 210 chuyến bán hàng lưu động phục vụ nhân dân các huyện ngoại thành, khu công nghiệp, khu chế xuất...
Tại TP. HCM, lượng hàng hóa các DN chuẩn bị cung ứng Tết tăng 40% (so với Tết 2015), chi phối từ 35% – 52% nhu cầu thị trường với tổng giá trị 6.863,9 tỷ đồng. Riêng tháng cao điểm giáp Tết, tổng giá trị hàng hóa là 9.369,2 tỷ đồng, trong đó hàng bình ổn thị trường là 3.967,55 tỷ đồng.
Tại Hải Phòng các công ty, DN lớn, các siêu thị và tiểu thương tại các chợ đã chuẩn bị tốt các mặt hàng phục vụ Tết như: gạo, thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm, thủy hải sản, rau xanh, trái cây, bia, rượu, nước ngọt, hoa, cây cảnh… Nhiều DN tự bỏ vốn để dự trữ hàng bình ổn thị trường, trường hợp các DN vay vốn từ ngân hàng sẽ được ngân hàng hỗ trợ lãi suất thấp hơn so với thị trường từ 1-2%.
Các địa phương khác như Phú Thọ hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ưu đãi từ các ngân hàng nhằm đảm bảo giá bán hàng bình ổn thấp hơn giá thị trường từ 3-5%.
Trong khi đó, tại Hải Dương, các DN nếu có nhu cầu vay vốn thực hiện đăng ký và vay vốn với các ngân hàng thương mại, ngân sách tỉnh sẽ tham gia hỗ trợ khi cần thiết, tùy theo mặt hàng bình ổn có biến động, khan hiếm thực sự, không có mặt hàng thay thế…
Tại Bình Định, có 2 DN tham gia tạm ứng từ vốn ngân sách với số tiền là 28,9 tỷ đồng; Tại Bình Dương, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ Tết với tổng giá trị hàng hóa là 1.445 tỷ đồng.
Tỉnh Vĩnh Long năm nay cũng đã hoàn toàn thực hiện xã hội hóa chương trình bình ổn thị trường. Theo đó, Tỉnh chỉ thực hiện khuyến khích các DN, cơ sở kinh doanh vay vốn từ các ngân hàng thương mại với mức lãi suất ưu đãi thấp hơn thị trường từ 1 – 1,5% để dự trữ hàng hóa phục vụ Tết mà không hỗ trợ vốn cho DN và các DN đã thực hiện dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết với trị giá khoảng 200 tỷ đồng. Các DN tỉnh Trà Vinh cũng đã sử dụng nguồn vốn của mình để dự trữ hàng hóa phục vụ Tết với số tiền khoảng 320 tỷ đồng…
Không xảy ra tình trạng “sốt” giá
Theo đánh giá, giá trị hàng hóa được các DN, hộ kinh doanh trong cả nước chuẩn bị cho dịp Tết năm nay ước đạt 230.000 tỷ đồng, tăng từ 10-15% so với Tết năm 2015. Nhìn chung, hàng hóa cơ bản được niêm yết giá và bán theo giá niêm yết.
Đặc biệt, các DN sản xuất trong nước đã vươn lên chiếm lĩnh khoảng 75-80% thị phần, nổi bật là các mặt hàng bia, rượu, nước giải khát, bánh kẹo, thực phẩm chế biến, rau củ quả, hàng gia dụng... Hàng hóa phục vụ Tết được lưu thông qua gần 8.600 chợ, 750 siêu thị và 150 trung tâm thương mại, hàng nghìn cửa hàng chuyên doanh và cửa hàng tiện lợi cùng với những chuyến bán hàng lưu động trên khắp cả nước, và bày bán tại các hội chợ xuân, chợ nông sản phục vụ Tết hay các phiên chợ hàng Việt...
Đáng chú ý là hệ thống siêu thị đã và đang phát huy được vai trò chủ đạo trên thị trường, nhiều siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi phân phối hàng hóa đã mở cửa bán hàng phục vụ người dân đến tận ngày 29 Tết, kéo dài thời gian mở cửa bán hàng trong ngày và mở cửa lại sớm ngay trong những ngày Tết (mùng 2 Tết).
Đặc biệt tại TP. HCM, một số cửa hàng tiện lợi mở cửa bán hàng tất cả các ngày trong Tết với số lượng hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định đã góp phần giảm bớt áp lực tăng giá và tâm lý tích trữ hàng hoá, có tác dụng bình ổn thị trường trong dịp Tết.
Với những nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương, DN trong việc thực hiện và triển khai nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nên trong những ngày trước, trong và sau Tết Nguyên đán Bính Thân (từ 06 - 14/02/2016, tức 28 tháng chạp Ất Mùi đến mùng 07 tháng giêng Bính Thân) mặc dù sức mua tăng cao nhưng tình hình thị trường vẫn cơ bản ổn định, cung hàng hóa khá dồi dào về số lượng, phong phú về chủng loại, đa dạng về mẫu mã, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng. Trên phạm vi cả nước, không địa phương nào xảy ra khan hiếm hàng hóa hay “sốt” giá, nhất là các mặt hàng thiết yếu. Đây là tiền đề rất quan trọng góp phầm kiểm soát lạm phát ngay từ những tháng đầu năm 2016 theo mục tiêu đề ra.
Tuy nhiên, sau Tết là thời điểm bắt đầu của mùa Lễ hội, nhu cầu đi lại, tiêu dùng thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình có khả năng sẽ có xu hướng tăng. Để tiếp tục bình ổn thị trường, giá cả, trong tháng 3, các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả, thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu nhằm bình ổn thị trường, giá cả nhất là những mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng sau Tết của người dân để kịp thời chỉ đạo và có biện pháp xử lý, tránh để xảy ra thiếu hàng sốt giá, tung tin thất thiệt gây bất ổn thị trường. Đồng thời, tăng cường quản lý, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá gắn với kiểm tra chấp hành pháp luật về thuế, phí... nhất là phí tham quan, du lịch, phí trông giữ xe đạp, xe máy, ôtô.
End of content
Không có tin nào tiếp theo